Multimedia Đọc Báo in

Trang sức cho voi

23:31, 01/09/2010

Voi là loài vật hoang dã sớm được con người thuần dưỡng để phục vụ cho cuộc sống. Các triều đại như Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê... thường dùng voi trong sinh hoạt cung đình. Đến thời Nguyễn voi được dùng trong chiến đấu gọi là tượng binh. Ngày xưa, nếu ở vùng thôn quê, buôn làng, voi chỉ có thêm chiếc bành, tấm lót lưng, dây xích, chuông để sử dụng, quản lý voi; còn ở chốn kinh thành, tỉnh thành, chúng được chăm sóc và trưng diện với bộ trang sức rất cầu kỳ. Trang sức chẳng những để làm đẹp, oai phong cho những ông tượng mà còn khẳng định thứ bậc của từng con voi.

Trước đây, voi là sản vật quý để tiến cống giữa các quốc gia nhằm tăng cường mối quan hệ bang giao. Triều đình thường chọn những chú voi khỏe mạnh và trang sức thêm vàng bạc, châu báu trên ngà, trên thân hình để tôn vẻ đẹp, nâng giá trị  cho chúng trước khi dâng tặng. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: Khi Tống Hiến Tông lên ngôi vào năm 1172, vua Lý sai Doãn Tử Tư, Lý Bang Chính và Nguyễn Văn Hiếu đi sứ cống 10 con voi làm lễ mừng Tống Hiến Tông và 5 con voi làm cung tiến đại lễ, có cả bành voi để vua ngự. Ngà, móng, chân và trán voi đều trang sức bằng vàng và bạc. Các vua Chămpa tặng voi cho Đại Việt cũng thường chọn voi trắng, voi có ngà đẹp, có trang sức quý.

Trang sức cho voi ngự. (Ảnh: T.V)
Trang sức cho voi ngự. (Ảnh: T.V)

Triều Nguyễn là một triều đại duy trì số voi đông nhất và coi trọng vai trò của voi trong chiến đấu và hoạt động cung đình. Từ các chúa Nguyễn đến các vua nhà Nguyễn đều có sự ưu ái đặc biệt với loài voi. Ngạch tượng binh không chỉ hiện diện ở kinh thành, làm “mặt tiền” phô trương quân binh chủng chủ lực của triều đình mà còn phiên về khắp tỉnh thành trên cả nước để phòng thủ, tăng cường sức mạnh quân sự. Voi được đặt tên hẳn hoi, có quy định chế độ nuôi nấng, thuần dưỡng, luyện tập và chú ý việc trang sức cho chúng. Gia Long năm thứ 11 (1812), định ra các vật trang sức cho voi gồm nhiều chất liệu khác nhau. Người quản voi ở các doanh trấn, lỵ sở đo bề dài, bề ngang, bề mặt dày, bề lưng tròn, thước, tấc, cân lạng bao nhiêu của các con voi rồi ghi đúng thực số vào sổ, đợi lệnh cho ban phát của triều đình. Chất liệu thường là the, lĩnh, đồ đồng, đồ sắt, dây bằng vải, song mây để làm bành, cờ phướng, trang sức trên chân, ngà, trên cổ voi. Voi công (voi của nhà nước phong kiến) đi đóng thú ở các lỵ sở, trong đó có những vật gì đem đi theo voi, hoặc mới làm cũng được sửa chữa lại. Các tượng cơ đóng thú ở các doanh, trấn, các vật đem theo voi phải xét bề cao của voi là bao nhiêu thước tấc, đều theo lệ mà lĩnh. Phàm voi cao từ 6 thước 5 tấc đến 7 thước trở lên, theo lệ lĩnh 1 cuộn dây bằng vải buộc vào cổ voi. Đó là một cuộn dây nhỏ bằng vải đỏ, dài 25 tầm (mỗi tầm 8 thước ta), lưng tròn 1 tấc, cân nặng 4 cân 5 lạng; vòng bằng đồng 4 cái, mỗi cái vòng đường kính bề ngang 2 tấc, 2 phân, độ cân lên đều nặng 1 cân 11 lạng.
Trang trí cho voi tại Lễ hội Nam Giao. (Ảnh: Tư liệu)
Trang trí cho voi tại Lễ hội Nam Giao. (Ảnh: Tư liệu)

Bành voi chiến là nơi được trang trí công phu nhất. Mỗi thớt voi được cấp 1 cỗ bành và nhiều “phụ tùng” kèm theo như màn che 2 bức, mây kết  xung quanh, tổng cộng 200 sợi, mỗi sợi dài 4 thước 5 tấc; 1 cuộn dây bằng mây song dài 4 tầm, 4 thước 7 tấc; 2 cuộn dây bằng mây song để phóng lao, mỗi cuộn dài 2 tầm, 2 thước 3 tấc; tù và, bàn chông 1 bộ; hậu thủ bằng sắt 1 bộ, dài 6 thước, 9 tấc, cân nặng 9 cân; 1 cái rìu bằng sắt, dài 5 tấc, cân nặng 10 lạng. Phàm voi cao từ 4 thước 5 tấc, đến 5 thước  5 tấc, theo lệ lĩnh 1 cuộn dây bằng vải, buộc vào cổ voi.

Voi chiến mỗi thớt, theo lệ lĩnh 1 lá cờ đỏ thêu, 1 cây cờ có mũi giáo bằng sắt, cuộn dây thu kết thúc đằng trước bằng sắt; mũi lao phi bằng sắt (30 cây), mũi lao phóng bằng sắt (20 cây), câu liêm sắt 1 cái, chuông đồng 2 quả. Các doanh, trấn phàm có voi công đến đóng thủ ở hạt mình, thì quan sở tại cùng viên quản tượng, theo đúng lệ đã định mà thi hành.

Dưới triều Minh Mạng, nước ta có đội tượng binh gồm 500 con voi, riêng ở kinh thành Huế 150 con, Bắc thành (Hà Nội) 110, Gia Định 75 con. Năm 1839, vua Minh Mạng phê chuẩn về cách thức trang sức cho voi như sau: Các vệ Kinh tượng chuẩn bị các bộ trang sức tơ màu sặc sỡ, kèm theo với ngự đều bọc đoạn lông. Bộ trang sức này được dùng từ 1- 2 năm, thậm chí chưa đủ 1 năm mà đã bị rách nát, không dùng được thì cho các thợ sửa chữa, bao bọc lại theo đúng cách thức. Voi vua ngự thì được trang sức bằng chất liệu cao cấp hơn và hình thức phải khác biệt so với voi thường. Cái nệm ngồi và những bức trướng ở đằng trước, đằng sau, bên tả, bên hữu, phía trong bành đều dùng đoạn hoa mẫu đơn các màu. Những bức trướng ở ngoài bành đều dùng tơ lụa thêu dệt các màu; quãng đằng trước  đeo xen chuông bằng đồng, dùng tơ lụa bằng nỉ các màu đính vào.

Năm 1847, vua Minh Mạng phê chuẩn thêm: Từ trước tới nay, cờ voi, bành voi ở các tỉnh, hoặc do Kinh cấp phát, hoặc do ở tỉnh làm lấy, màu cờ xanh, vàng, đỏ, biếc không thống nhất. Từ nay về sau, về màu sắc, tơ lụa sơn thếp đỏ, xanh, đen, biếc tùy ý, và các kiểu tô vẽ ở bành như: Kỳ lân, long mã, rồng mây, sóng gợn cũng tùy ý, không cứ nhất thiết theo ấn định. Duy bành voi không được vẽ rồng sắc vàng, để có phân biệt màu sắc với bành voi ở Kinh. Cờ voi ở các tỉnh, hoặc thuê đính 1 chữ, hoặc 2,3,4 chữ, không được thống nhất; vậy theo cách thức, mỗi mặt lá cờ đều đính 2 chữ, như tỉnh Quảng Nam là đội Nam tượng, thì cờ đính hai chữ: “Nam tượng”; tỉnh Gia Định là đội Gia tượng, thì cờ đính chữ “Gia tượng”; tỉnh Bình Định là đội Bình tượng thì cờ đính chữ “Bình tượng”.

Trang sức cho voi là một hình thức làm đẹp, làm sang cho con vật thân yêu, gần gũi với con người. Các vị vua, quan cưỡi trên lưng voi xuất hiện trước bàn dân thiên hạ với áo long bào, mũ mão cân đai rực rỡ thì  chú voi cũng phải được “tạo dáng” để tỏ vẻ oai phong. Ngày nay, trong Hội voi Dak Lak, voi được trang trí với cờ Tổ quốc, cờ hội, vải thổ cẩm với hoa văn dân tộc. Các lễ hội lớn ở Huế, tái hiện voi ở kinh đô xưa, như Lễ hội Nam Giao, Lễ hội chốn Hoàng cung voi được trang trí đẹp với nhiều vải vóc, đồ trang sức, góp phần làm nên những sắc màu lễ hội.

 

Tấn Vịnh

 


Ý kiến bạn đọc