Multimedia Đọc Báo in

Trống chiêng Tây Nguyên mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội

08:03, 27/09/2010

Tiếng trống khai hội Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ chính thức bắt đầu vào tối 1-10 tới tại thủ đô Hà Nội. Cùng với nhiều hoạt động chào mừng sự kiện này, tỉnh Dak Lak vinh dự có sự góp mặt của Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh trong chương trình nghệ thuật chào mừng Đại lễ...

Với chủ đề “Trống chiêng hào khí Thăng Long”, một chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm âm hưởng Tây Nguyên do Đoàn ca múa dân tộc Dak Lak dàn dựng và biểu diễn sẽ cùng góp mặt trong đêm nghệ thuật chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào ngày 1-10 tới. Cùng với Dak Lak, chỉ có 4 địa phương khác vinh dự có đoàn nghệ thuật được tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật hoành tráng này là: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội), Phú Yên, Thừa Thiên – Huế và Lào Cai.

Theo kịch bản, tiết mục “Trống chiêng hào khí Thăng Long” của đoàn Dak Lak sẽ góp mặt trong chương trình nghệ thuật khai hội 1.000 năm Thăng Long tại sân khấu chính trong khoảng hơn 2 phút. Ngay sau đó, toàn đoàn sẽ có 5 tiết mục biểu diễn ngay sân khấu bên cạnh cùng với các đoàn nghệ thuật khác, bao gồm các tiết mục: Múa H’Bia Ju (tập thể nam nữ toàn đoàn), hòa tấu Vang vọng từ cội nguồn (nghệ sĩ Văn Mậu cùng tốp nhạc dân tộc), đơn ca Tiếng đàn Klong Put (Y Joel Knul), đơn ca Lời ru nữ thần mặt trời (Y Zăck Ayul) và độc tấu sáo vỗ Làng buôn vào hội (Y San Aliô).

Các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Dân tộc Dak Lak đang tập luyện tiết mục “Trống chiêng hào khí Thăng Long” trước ngày lên đường biểu diễn trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Các nghệ sĩ Đoàn Ca múa Dân tộc Dak Lak đang tập luyện tiết mục “Trống chiêng hào khí Thăng Long” trước ngày lên đường biểu diễn trong Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngoài các tiết mục trong đêm khai mạc (1-10), trong thời gian diễn ra Đại lễ, đoàn Dak Lak sẽ còn có 5 đêm biểu diễn độc lập tại một số quận, huyện thuộc địa bàn Hà Nội để phục vụ nhân dân. Theo đó, Đoàn cũng đã dàn dựng một chương trình độc lập gồm 14 tiết mục đặc sắc mang đậm văn hóa, âm hưởng Tây Nguyên. Đó là những tiết mục biểu diễn như: Hoạt cảnh Trống Chiêng vào hội, biểu diễn Đing Tăc Tar, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa...; đó là những ca khúc sống mãi với người dân Tây Nguyên như: Chim phí bay về cội nguồn (sáng tác Y Phôn), Đêm xoang Ban Mê (Đức Hùng), Lên cao nguyên đi anh (Quang Dũng), Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột (Nguyễn Cường)...

Nghệ sĩ ưu tú Y San Aliô, Trưởng Đoàn Ca múa Dân tộc Dak Lak tâm sự: “Khi biết tin Đoàn được đi tham gia phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, anh em trong đoàn ai nấy cũng cảm thấy rất vinh dự, ai cũng háo hức hăng say tập luyện. Đến thời điểm này, chúng tôi đã xây dựng chương trình cơ bản hoàn thành với lực lượng trên 60 người tham gia, dự kiến đến 28-9 này sẽ xuất phát về Hà Nội”.
Với Y San cũng như anh em trong Đoàn, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là cơ hội quý báu để có thể quảng bá hình ảnh của Dak Lak, Tây Nguyên, là dịp để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, Dak Lak đến với người dân Hà Nội và đồng bào cả nước. Y San không giấu được niềm tự hào: “Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là một sự kiện văn hóa chính trị lớn, mang tầm quốc gia. Vậy nhưng Dak Lak chúng ta là một trong 5 đoàn nghệ thuật trong cả nước được chọn để biểu diễn thì quả là vinh dự. Điều đó cũng chứng tỏ rằng những nét văn hóa độc đáo của Dak Lak, của Tây Nguyên chúng ta là một bộ phận không thể tách rời ra khỏi những đặc trưng văn hóa giàu bản sắc của dân tộc Việt Nam. Nó đã, đang và xứng đáng được quan tâm khôi phục lại trong sinh hoạt văn hóa của chúng ta hiện nay và cả tương lai!...”.

 

Việt Cường

Ý kiến bạn đọc