Multimedia Đọc Báo in

Vài ghi nhận từ Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Vinh quang truyền thống anh hùng”

07:54, 10/09/2010

Chào mừng  65 năm ngày thành lập Lực lượng vũ trang tỉnh, từ ngày 1 đến 3-9, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng lần thứ X – 2010 với chủ đề “ Vinh quang truyền thống anh hùng”. Hội diễn đã thu hút 18 đoàn nghệ thuật quần chúng của ba đơn vị và 15 huyện đội với hơn 400 cán bộ, diễn viên không chuyên với 126 tiết mục đủ các thể loại: hát đơn, song, tam, tứ, tốp ca, đồng ca, hát múa, múa tiết mục, múa minh họa, hòa tấu, tiểu phẩm, kịch ngắn, tấu nói, ảo thuật…

Các đoàn đã xây dựng chương trình theo các chủ đề: ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, tình yêu đất nước, quê hương Tây Nguyên, ca ngợi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ… thông qua các bài hát truyền thống từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến xây dựng đất nước, bảo vệ hòa bình.
Vẫn chỉ là những hình thức nghệ thuật đó, nội dung đó nhưng điều khác biệt với những hội diễn trước là đa số các đoàn đã chú trọng đến việc biên tập và dàn dựng, kết cấu chương trình tốt, hợp lý, có sáng tạo, có chủ đề chính, chủ đề phụ. Có chương trình sử dụng hình thức tổ khúc liên hoàn có cầu nối từ tiết mục này sang tiết mục khác, mang lại sự mới mẻ hơn so với việc giới thiệu từng tiết mục một vốn đã quen thuộc với lối trình diễn các chương trình nghệ thuật từ trước đến nay (như các chương trình của huyện đội Lak, TP. Buôn Ma Thuột, Ea Kar, Cư Kuin, Cư M’gar…; đặc biệt là tiết mục mở màn của Krông Pak, cũng là liên khúc như nhiều đơn vị khác nhưng dàn dựng cách mở đầu rất sáng tạo, tạo nên hiệu quả sân khấu mới lạ).

Trong Hội diễn này, có nhiều giọng hát đẹp, hát có hồn, xử lý tác phẩm nhuần nhuyễn, gây được cảm tình của khán giả  như Y Kay (Krông Ana), Y Linh (Buôn Đôn), Bích Phương (M’Drak), Hải Vân (TP. Buôn Ma Thuột), Hồng Tuyết (Krông Bông)…; những giọng hát trẻ, có phong cách biểu diễn hồn nhiên, tươi mát như H’My Ra (Cư Kuin), Thu Hường (Krông Pak), cô gái Tây Nguyên H’Hương (Krông Bông) hát dân ca Nghệ Tĩnh rất ngọt ngào… Đặc biệt là giọng ca của các cán bộ chiến sĩ như Trung tá người Mnông Liên Hót Kiên (Lak) cao vút và đầy hứng khởi với “Yêu sao Dak Lak hôm nay”, Đại úy  Mạnh Hưng (Ea Súp) thật sự hào hoa trong “Anh lính tình nguyện và cô gái Áp Sa Ra”, Đại úy Trần Phong (Krông Năng) đằm thắm trong “Gửi em ở cuối sông Hồng”… Những bài song ca, tam ca, hợp ca  có dựng bè, hát khá quện giọng như các tốp hát của Krông Ana, Krông Pak, Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn; những tốp nam diễn xuất sinh động, đậm “chất lính” như “Con cua đá” (Krông Năng), “Bài ca người lái xe” (TP. Buôn Ma Thuột), “Lời đất nước gọi ta” (Cư Kuin)…; một số đoàn cập nhật được tác phẩm mới có hiệu quả (Tình yêu của lính, Hát về Đặng Thùy Trâm, Nhớ về cha…).

Múa  là loại hình đang rất thịnh hành đã được các đoàn đưa về Hội diễn, cả hình thức múa kinh điển, múa dân gian lẫn múa đương đại (thậm chí hip hop, aerobic…) một cách sáng tạo. Trong đó có nhiều tiết mục đạt hiệu quả nghệ thuật  cao như Suối tóc (TP. Buôn Ma Thuột), Một thoáng Việt Nam (Krông Pak), Tình quân dân (Ea Kar), Tây Nguyên vào mùa (Trường Quân sự địa phương), Hồn núi (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)… Múa Tình mẹ (Krông Năng) gây xúc động với hình tượng những nấm mồ liệt sĩ; Múa Trên đường ra trận (Cư M’gar) sử dụng những chiếc khăn thành chiếc võng giữa rừng…là những sáng tạo mới rất đáng trân trọng, tạo được cảm xúc “thưởng thức nghệ thuật” cho người xem.

Một số đoàn còn có kịch ngắn, tiểu phẩm, tấu nói, ảo thuật, hòa tấu nhạc dân tộc… đều phản ánh rõ nét đời sống của chiến sĩ, mối quan hệ quân – dân, những bức xúc trong cuộc sống. Trong số này có một vài kịch bản tốt như: Ánh trăng công sự (Lak), Bố nuôi (Krông Năng), Nỗi nhớ Trường Sơn (Buôn Hồ)…
Tuy nhiên, các đoàn tham gia vẫn còn một số nhược điểm như: chọn bài không đúng nội dung quy định nên tuy múa dựng đẹp, giọng hát hay nhưng không được trao giải (Cô dân quân làng Đỏ, Hương quê, Một thoáng Việt Nam, Vì đâu…) hoặc bố cục chương trình không khéo: hai múa, hai đơn ca, thậm chí hai tốp ca có múa minh họa liền nhau. Các đơn ca hát không đúng sở trường (chất giọng dân ca, trữ tình lại chọn bài hát anh hùng ca), hoặc sử dụng bài đã quá cũ, quá đơn giản mà không có hiệu quả sân khấu (Tặng vòng, Lính ba miền)… trong khi kho tàng âm nhạc Việt Nam rất đồ sộ, chịu khó tìm tòi và dàn dựng sáng tạo sẽ có nhiều tác phẩm hay.

Bên cạnh đó, Hội diễn lần này có rất nhiều múa (múa phụ họa, minh họa, tiết mục) gần như phần dự thi nào cũng có  nên hóa nhàm (thậm chí một đoàn mà có tới 5/8 tiết mục có múa). Múa phụ họa suốt cả tiết mục, thành ra như là hát phụ họa cho múa (Người về thăm quê – Krông Bông, Đất nước lời ru – Ea Kar), hay múa và nhạc không khớp nhau: nhạc mạnh mẽ, tiết tấu sôi động nhưng múa động tác chậm, như các tiết mục Cánh chim Tây Nguyên (Buôn Đôn), Cánh chim đại ngàn (M’Drak ), Âm vang tiếng cồng (Krông Ana)… Có tiết mục không phải là múa mà là hình tượng sân khấu hóa vì không có động tác, không có chất liệu, không có đội hình… (Đất mẹ - Buôn Hồ), hoặc tên của tiết mục không nói lên được nội dung (Tình quân dân mà không thấy quân đâu,  chỉ có dân; Suối đàn T’rưng mà chẳng thấy suối…). Một số đạo diễn cho diễn viên múa nằm hoặc quay lưng lại khán giả rất lâu, Không hiểu là để truyền đạt ý nghĩa gì, lại có tiết mục âm nhạc J’rai, múa Êđê, đạo cụ Mnông…

Ngoài ra, khá đáng tiếc là ở những tiết mục thuộc thể loại “sân khấu” có kịch bản tốt thì đa phần diễn xuất chưa tới hoặc diễn được thì lại hỏng kịch bản, kịch nói mà đài từ của diễn viên như ca cải lương. Một vài kịch bản  không chú ý đến lời thoại (ví dụ như người Êđê không bao giờ gọi nhau là mày, tao; hoặc Ngọc Hoàng bảo “tai nạn giao thông toàn do quân nhân gây nên”…). Trang phục và đạo cụ đã rất được chú ý song vẫn có chỗ không phù hợp, không nhất thiết phải có, như: hát song ca, tốp ca cũng ba lô, súng,  trong 1 tiết mục mà dùng tới 4 cờ, chạy ra chạy vào vài ba lần; có lúc chỉ có cờ Đảng mà không có cờ Tổ quốc; giao liên lại mang theo đèn dầu dẫn đường; Bác cùng chúng cháu hành quân chỉ thấy gậy quấn lá cây rừng; ống nứa không biết dùng làm gì trong múa “Tình quân dân”, thúng đựng hoa phụ họa cho bài  hát truyền thống…

Tuy vậy, căn cứ vào kết quả, chắc chắn chúng ta có quyền hy vọng ở những Hội diễn sau chất lượng sẽ cao hơn vì đã có 9 đoàn được xếp loại xuất sắc, 8 đoàn xếp loại khá. Các tiết mục bài hát truyền thống được trao giải đặc biệt: Tiến bước dưới quân kỳ (BMT), Liên khúc Ca ngợi Đảng và Tổ quốc (Krông Pak và Krông Ana); 28 tiết mục đoạt giải A, 40 tiết mục giải B chính là sự thành công của Hội diễn.

 

Linh Nga Niê K’đăm

 


Ý kiến bạn đọc