Thăng Long – Hà Nội vào hội nghìn năm
Những ngày này, Hà Nội rực rỡ trong sắc cờ hoa, rộn ràng trong tiếng nhạc, tiếng trống hội đón mừng sinh nhật nghìn tuổi. Người dân Thủ đô cùng hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế được tham gia hàng loạt các hoạt động chào mừng đại lễ “nghìn năm mới có một lần”…
Tái hiện 1.000 nămlịch sử, văn hóa
Diễn ra từ ngày 1 đến 10-10, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội được “phủ kín” bằng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tái hiện lịch sử hào hùng và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô. Có thể kể tới các hoạt động văn hóa nghệ thuật như “Đêm Hồ Gươm lung linh” và trình diễn áo dài truyền thống tại xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (đêm 1-10), Biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội tại vườn hoa Lý Thái Tổ (đêm 4-10), Biểu diễn Âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam tại Nhà hát Lớn (đêm 5-10), Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại các sân khấu ngoài trời (đêm 9-10), Chương trình Lễ hội đường phố của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (đêm 8-10)… Bên cạnh hoạt động trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trong thời gian diễn ra Đại lễ còn có nhiều triển lãm như: Triển lãm các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam (khai mạc chiều 4-10), Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (chiều 4-10), Triển lãm “Những tấm lòng với Thăng Long Hà Nội” tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị (sáng 6-10)… Ngoài ra, còn có Liên hoan ẩm thực Hà thành tại công viên nước Hồ Tây (tối 6-10), Liên hoan nghệ thuật Diều - Hà Nội tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (sáng 6-10), Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội tại Thiên đường Bảo Sơn (đêm 2-10)…
Một hoạt động đáng chú ý là khai trương và trưng bày “Hoàng thành Thăng Long: Lịch sử nghìn năm từ lòng đất”. Gần một nghìn hiện vật tiêu biểu tại khu Thành cổ Hà Nội và Điện Kính Thiên lần đầu tiên được trưng bày, giới thiệu rộng rãi với người dân cả nước và du khách quốc tế. Người xem có thể quan sát trực tiếp các hiện vật, di tích dưới lòng đất tại khu A và khu B của khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Các hiện vật lịch sử được trưng bày hầu hết đều được khai quật được từ Hoàng thành Thăng Long xưa, là những vật liệu kiến trúc, trang trí, gạch ngói, chân cột, nền móng cung điện và hiện vật của hoàng cung như đồ gốm, sứ… của các triều đại Lý, Trần, Lê... Ngoài ra, trong Hoàng thành Thăng Long còn trưng bày những di vật thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và triển lãm cây cảnh, cây thế, đồ cổ, đá hóa thạch... do các nghệ nhân sưu tầm. Đây cũng là hoạt động chào mừng sự kiện Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được Ủy ban Di sản thế giới công nhận là “Di sản thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu”, nơi lưu giữ các chứng tích về sự giao lưu văn hóa, giao thoa các giá trị nhân văn trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á và thế giới để tạo nền một nền văn hóa giàu bản sắc Việt Nam.
Lịch sử nghìn năm văn hóa Thăng Long – Hà Nội còn được tái hiện một cách rõ ràng, sinh động qua các điệu múa cổ như múa trống cổ, múa hội Gióng, múa trống bồng Triều Khúc, múa Giảo Long... do chính các nghệ nhân dân gian và nhân dân các làng, xã biểu diễn; “Hành trình theo dấu người xưa” mô phỏng cuộc thiên đô lịch sử của vua Lý Thái Tổ từ Ninh Bình đến Đại La bằng đường thủy 1.000 năm trước, đồng thời rước “Chiếu dời đô” – tác phẩm thư pháp gò đồng, mạ vàng trên khung gỗ quý tự nhiên có chiều cao 3,85m, rộng 4,58m với trọng lượng gần 5 tấn; tái hiện truyền thuyết về Rồng gắn với Thăng Long – Hà Nội; triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng – cổ truyền và hiện đại” cùng nhiều hoạt động tôn vinh các làng nghề truyền thống; triển lãm – liên hoan Thư pháp nhằm tôn vinh một nét văn hóa truyền thống lâu đời cùng sự tài hoa của người Thăng Long-Hà Nội…
Khai trương giới thiệu và trưng bày di tích, di vật Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Những công trình ý nghĩa chào mừng Thủ đô 1.000 tuổi
Một trong những sự kiện được quan tâm nhất trong dịp Đại lễ là khánh thành dự án nghệ thuật công cộng “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” vào ngày 5-10. Với ý tưởng làm đẹp bức tường đê chạy dọc sông Hồng qua các tuyến phố Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư của nhà báo - họa sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” đã được thực hiện trong gần bốn năm, thu hút sự tham gia của 20 họa sĩ Việt Nam, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới. Tính đến thời điểm này, “Con đường gốm sứ” đã có độ dài tổng cộng 3,85km và tổng diện tích đạt 6.950m2. Các đoạn tranh ghép gốm sứ kéo dài từ cửa khẩu An Dương trên đường Yên Phụ, dọc theo các phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư đến tận cửa khẩu Vạn Kiếp, rực rỡ sắc màu, đa dạng phong cách sáng tác, chủ đề thể hiện. Công trình “Con đường gốm sứ” đã vinh dự Tổ chức Guinness Thế giới công nhận “Bức tranh ghép gốm lớn nhất thế giới” cho đoạn tranh “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử” với chiều dài 810m, tổng diện tích hơn 1.570,2m2, vượt qua kỷ lục trước đó của bức tranh ghép gốm thuộc sở hữu của một tập đoàn dược phẩm Trung Quốc (dài 200,87m, diện tích 1.494,4m2).
Bà Beatriz Fernandez - Giám đốc pháp chế Tổ chức Kỷ lục Guinness - trao bằng chứng nhận kỷ lục Guinness cho "Con đường gốm sứ ven sông Hồng". (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Ngoài ra, trong dịp này, còn có nhiều công trình ý nghĩa được khánh thành chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội như: tượng đài Thánh Gióng tại khu Đền Sóc, Phù Linh, Sóc Sơn (Hà Nội); khánh thành Rạp Công nhân – một rạp chiếu phim có lịch sử từ năm 1917 do người Pháp xây dựng trên phố Tràng Tiền; thông xe Đại lộ Thăng Long - đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với chiều dài 29,264 km, chiều rộng 140m bao gồm hai dải đường cao tốc riêng biệt quy mô 6 làn xe (rộng 16,25m), hai dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m... nối kết khu vực trung tâm thủ đô với các chuỗi đô thị vệ tinh như Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giàu tiềm năng như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai…
Cùng với người dân Thủ đô, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế cũng hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với nhiều hoạt động ý nghĩa như: triển lãm ảnh tư liệu chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của cố đô Huế; người dân Hải Dương mừng thủ đô nghìn tuổi bằng đôi bình gốm Chu Đậu – dòng gốm nổi tiếng của địa phương; các nghệ nhân làng Phước Kiểu, huyện Điện Bàn, Quảng Nam cũng chế tác sản phẩm chuông đồng “Đại hồng chung” với nhiều thông số ý nghĩa: nặng 1.000 kg, đường kính 1.000m, cao 2.010m… Đặc biệt, trong dịp này, các nghệ nhân Vương quốc Hà Lan đã nhân giống một loài hoa tuy-líp mới và đăng ký tên “Dòng hoa Thăng Long – Hà Nội”…
Ý kiến bạn đọc