Multimedia Đọc Báo in

Ngân lên Giai điệu tuổi hồng

09:20, 17/11/2010

Trước giờ khai mạc Hội thi “Giai điệu Tuổi hồng 2010” (diễn ra từ ngày 11 đến 14-11) của ngành Giáo dục, tổ chức hai năm một lần dành cho khối trung học phổ thông, phổ thông trung học dân tộc nội trú và các phòng GD-ĐT huyện, thị, thành phố, NSUT Vũ Lân nhắc tôi “chú ý chọn một số chương trình hiệu quả và gây ấn tượng nhé”. Hiệu quả thì chắc chắn có nhiều, bởi có tới 64 trong tổng số 82 đơn vị giáo dục trên toàn tỉnh tham gia. Chất lượng nghệ thuật tăng lên rõ rệt, phục trang, đạo cụ - các phương tiện hỗ trợ cho hát, múa - cũng rất hoàn chỉnh. Nhưng ấn tượng thì thật ra không nhiều. Vì chỉ có 12 chương trình của các phòng GD-ĐT, đối tượng là học sinh trung học cơ sở, còn hồn nhiên, đúng độ tuổi hồng; số còn lại, không ít trường xây dựng chương trình như tham dự hội diễn nghệ thuật quần chúng, nói một cách khác là vừa “ già” vừa cũ, không đúng với lứa tuổi học sinh phổ thông (ví dụ như bài “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”, “Đất nước trọn niềm vui”..., kể cả tầm cỡ giọng lẫn thể loại đều không phù hợp với tuổi học sinh). Thậm chí, có tới 14 đơn vị xây dựng chương trình còn không có chút “vương vấn” gì tới bóng dáng nhà trường, thầy cô (dẫu cho tiêu đề của hội thi là “Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11”).

Có thể kể một vài tiết mục gây được ấn tượng không chỉ với Ban Giám khảo mà với cả người xem, như: Hòa tấu ching kram (chiêng tre) của học sinh THCS Dân tộc nội trú Buôn Ma Thuột. Các “chú bé” không chỉ diễn tấu rất tự tin mà còn gây được cảm hứng cho người xem (phải kể thêm cả ché rượu cần ngọt lịm mà các bé gái dễ thương như hoa rừng xuống dắt tận tay, mời lên nữa); Dàn nhạc tre nứa “hoành tráng” không dễ có của Trường Dân tộc nội trú Cư M’gar; Liên khúc “Chắp cánh ước mơ” mang phong cách hiện đại của tốp hát nữ trường THPT thị xã Buôn Hồ; Múa “Vo gạo thổi cơm” vô cùng đáng yêu của các bé đến từ Phòng GD-ĐT Krông Ana; Cây đàn tính biến tấu rất điệu nghệ trong tay cô bé Lý Thị Thảo, tự đệm cho bài hát then – Tày mà chính em đặt lời về ngôi trường dân tộc nội trú Krông Pak thân thương của mình; năng khiếu múa và hát tuyệt vời cũng như khả năng dẫn chương trình thuần thục của cô học sinh Êđê H’Lay Sia – Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng; Giọng hát truyền cảm đến bất ngờ đối với lứa tuổi phổ thông trung học của Phan Ngọc Mỹ Linh (Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar); Phong cách dẫn chương trình chững chạc, đầy ngẫu hứng sáng tạo, mà vẫn không mất đi vẻ hồn nhiên, tinh nghịch đối với lứa tuổi học trò của nữ sinh Nguyễn Thị Nhung, thuộc Trường THPT Ngô Gia Tự (Ea Kar); Thể loại nghệ thuật baetbot (đánh trống miệng) lần đầu tiên xuất hiện rất trẻ trung trên sân khấu cấp tỉnh của Trường THPT Cao Bá Quát...

Tiết mục "Chao chiêng" của Trường THPT Quang Trung. (Ảnh: Đỗ Lan)
Tiết mục "Chao chiêng" của Trường THPT Quang Trung. (Ảnh: Đỗ Lan)

Vẫn những đề tài quen thuộc về quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ, nhà trường, thầy cô, bạn bè, dân tộc nhưng hội thi năm nay xuất hiện một số  nét mới, đó là các dàn ching kram (chiêng tre) do các học sinh lứa tuổi trung học cơ sở trình diễn rất thành thạo, cây sáo vỗ, các nhạc cụ t’rưng, ching đing m’ô... được các em diễn tấu rất thành thạo. Cho dẫu  chỉ xuất hiện trong hội thi thì ý thức về lòng yêu nghệ thuật dân gian trong các em cũng đã được một lần thức tỉnh. Hội thi còn có những chương trình rất hồn nhiên tươi sáng phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi (các Phòng GD-ĐT  Krông Ana, Cư M’gar, Cư Kuin, Ea Kar...). Một số, không nhiều, mang phong cách trẻ trung, hiện đại của lứa tuổi trung học phổ thông (Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Trường THPT Ngô Gia Tự, THPT Trần Nhân Tông, THPT Lê Quý Đôn...). Hội thi còn cho phép trình bày những tiết mục nước ngoài nhưng phải có lời Việt, nên có thêm một số ca khúc tiếng Anh nổi tiếng như Heal the world, múa Ấn Độ, múa Inđônêxia... rất “điệu nghệ”. Đồng thời với sự sáng tạo trong cách dàn dựng, như: một số ca khúc quen thuộc vốn hát đơn ca, nay dựng cho hát tốp, tam ca, kể cả dựng thành múa mà vẫn có hiệu quả tốt, như “Cánh cò trên cao nguyên” (của Nguyễn Sỹ Hùng), “H’Zen lên rẫy” (Nguyễn Cường), “Giấc mơ trưa” (Giáng Son)... Có em đã sử dụng cả lối hát chuyển tông (lên cao hơn một giọng) làm cho người nghe bài hát quen mà không nhàm chán (Cho bạn cho tôi), hoặc đưa tiết tấu nhạc nhẹ vào đệm cho dân ca “Trông cây lại nhớ đến Người”...

Với những thành công ấy, Ban Tổ chức đã trao giải toàn đoàn cho 4 chương trình có hiệu quả  cao của Trường THPT DTNT N’Trang Lơng, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Krông Buk), Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột và Trường DTNT Cư M’gar. Ban giám khảo cũng đã chấm 20 giải A một cách xứng đáng, trong đó có một số tiết mục đạt hiệu quả nghệ thuật tốt, hầu hết là những tiết mục dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian như múa “Trao chiêng” (Trường DTNT Tây Nguyên), múa “Hùng thiêng Âu Lạc” (Trường THPT Buôn Ma Thuột), dàn chiêng và tốp múa nữ trong “Lễ cầu mưa” dân gian Êđê (Phòng GD- ĐT huyện Krông Ana), tốp ca nữ “Mưa cao nguyên” (DTNT Tây Nguyên)... hay về đề tài nhà giáo như tiết mục đơn ca “Những lời thầy chưa kể” (Phòng GD-ĐT Cư M’gar)...

Ngoài nhược điểm dàn dựng và trình diễn “già” so với lứa tuổi, khiếm khuyết nhiều nhất của các đoàn là lầm lẫn giữa thể múa minh họa với chọn nhạc cho múa bằng các ca khúc, dẫn đến việc tên gọi của tiết mục lẫn trang phục không phù hợp gì với nội dung, như: múa “Hoa ban” (Trường Lê Hồng Phong), “Hoa thơm bướm lượn, Cánh chim mùa xuân” (Phòng GD-ĐT Buôn Ma Thuột), “Cánh diều tuổi thơ” (Phòng GD-ĐT M’Drak), “Từ làng Sen” (THPT Krông Ana), “ Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” (THPT Nguyễn Huệ), “ Về buôn” (Trường DTNT Krông Ana)... Thậm chí người xem không thể hiểu nổi ý đồ dàn dựng như múa “Bài ca người gieo hạt, Vươn lên” (THPT Nguyễn Trãi), “Hương Sen” (THPT Lê Quý Đôn)... Ngoài ra còn có sự vô tình nhưng lại thành “ lạm dụng” loại hình nghệ thuật  múa, khiến chương trình trở nên nhàm chán (nhất là khi chỉ có 3 hoặc 4 tiết mục,  đều có múa – kể cả múa phụ họa).

Điều đáng tiếc cuối cùng là trong số 275 tiết mục được trình diễn tại hội thi năm nay, không có bài hát nào về ngành giáo dục và người giáo viên Dak Lak. Đây cũng là điều mà những tác giả âm nhạc tỉnh nhà chờ đợi rất lâu từ ngành giáo dục.

 

Linh Nga Niê K’dăm

 


Ý kiến bạn đọc