Multimedia Đọc Báo in

TRẠI ĐIÊU KHẮC GỖ TÂY NGUYÊN NĂM 2011

Đưa “thiền” vào điêu khắc gỗ

16:22, 20/03/2011

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ III-năm 2011, tại Khu du lịch sinh thái-văn hóa  Bản Đôn đã diễn ra Trại điêu khắc gỗ với chủ đề “Thiền” với nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo.

Hội trại điêu khắc gỗ Tây Nguyên lần này đã thu hút 16 nghệ nhân, nhà điêu khắc chuyên nghiệp đến từ thủ đô Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và 2 nhà điêu khắc đến từ Úc. Trong những ngày tham gia Trại điêu khắc, các nghệ nhân, nhà điêu khắc đã hoàn thành 30 tác phẩm và cụm tác phẩm được chế tác trên chất liệu gỗ tận thu trong những cánh rừng Yok Đôn.

Từ thủ đô Hà Nội đến với trại điêu khắc ở Tây Nguyên, nhà điêu khắc Vương Học Báo háo hức muốn ghi lại cảm nhận của mình về đất và người Tây Nguyên bằng những tác phẩm. Ông tâm sự: “Lần đầu tiên mình cảm nhận về gió mùa khô Tây Nguyên. Gió mạnh quá, cứ thốc ào ào. Vậy nên, một trong 3 tác phẩm của mình có tên là “Gió”. Qua tác phẩm “Gió”, mình muốn nói rằng, cái gió Tây Nguyên vô tư lắm, thổi ào ào từ tháng này sang tháng khác suốt cả mùa khô mà vô hại, bởi nó không phải là gió bão, gió giông, mà nó như lòng con người ta đối xử với nhau thủy chung, son sắt”. Trong khi đó, nhà điêu khắc Võ Xuân (TP. Hồ Chí Minh) thì lại đau đáu nỗi lòng với rừng. Ông xót xa khi thấy rừng Tây Nguyên bị tàn phá với tốc độ chóng mặt nên cụm tác phẩm của ông có tên “Tái sinh”. Bên những thân cây già đã bị khô héo và chết là một mầm non đang nảy nở với sức sống mạnh mẽ, thể hiện sự kế tục, sự sinh sôi và cũng thể hiện ước nguyện của ông với rừng Tây Nguyên: “Mong sao, những cánh rừng Tây Nguyên được sinh sôi. Mong rằng con người đừng tận diệt rừng, bởi tận diệt rừng là hủy hoại môi trường sống của chính con người”. Từ tác phẩm của mình, nhà điêu khắc Võ Xuân muốn gửi một thông điệp đến những người đã và đang tàn phá rừng, đang lấy đi sự sống của rừng hãy “Thiền” để nghĩ đến rừng. Còn nhà điêu khắc Lê Minh Huy (Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) lại gửi lòng mình vào tác phẩm “Tam bảo” (Phật-Pháp-Tăng), như nhắc nhở với chính mình và mọi người rằng: Hãy hướng đến cái đẹp, hướng đến điều thiện, rời xa điều ác như lời dạy của Đức Phật.

Tác phẩm "Thiền" của tác giả Vương Học Báo.
Tác phẩm "Thiền" của tác giả Vương Học Báo.

Vợ chồng nhà điêu khắc người Úc là Philip Nizette và vợ Jennefe đến hội trại với một cảm hứng sáng tạo mãnh liệt. Hai vợ chồng ông làm việc không mệt mỏi, bất chấp cái nắng buổi trưa, không quản gió thốc trời chiều, miệt mài bên những khúc gỗ để cho ra 3 tác phẩm. Trong đó, tác phẩm “Nguyện cầu” của Philip khá công phu, hai khối gỗ được tạc như hai bàn tay khổng lồ chắp lại, hướng lên trời cao, hướng về cõi Phật mà “Thiền” để cầu mong những điều tốt đẹp. Tác phẩm “Không” của nhà điêu khắc Phan Thế Bính (Đại học Nghệ thuật Huế) lại mang dáng dấp của tượng nhà mồ Tây Nguyên với mặt người, những hoa văn, họa tiết quen thuộc vốn được thể hiện trên chiêng, trên ché của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên, và những hình khối mang dáng dấp của nhà dài Êđê. Còn nhà điêu khắc Trần Luân Tín (Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) hoàn thành hai tác phẩm “Vô ưu” và “Vô ảnh” như một lời khuyên con người hãy vứt bỏ ưu phiền cho tâm sáng và trí tuệ minh mẫn.

Nói về Hội trại điêu khắc gỗ Tây Nguyên năm 2011, nhà điêu khắc và cũng là nhà tu hành Trần Tiến (TP. Hồ Chí Minh), tác giả của chủ đề “Thiền” cho hội trại và là chủ nhiệm hội trại lý giải:  “Hội trại điêu khắc lần này kế tục hai hội trại trước nhằm kết hợp điêu khắc văn hóa truyền thống bản địa (tạc tượng nhà mồ) với điêu khắc hiện đại. Và việc chọn chủ đề “Thiền” cũng là bởi sau khi hoàn thành các tác phẩm sẽ được lưu giữ trên Khu đồi Tâm linh, nơi đã đặt cụm tượng phật: Adi Đà, Quan thế âm Bồ tát cùng 18 vị La Hán. Đưa “Thiền” vào điêu khắc gỗ là cái mới. Từ chất liệu gỗ rừng Tây Nguyên, các nhà điêu khắc thỏa sức sáng tạo ra những tác phẩm mang phong cách hiện đại”.

 

Bình Định

 


Ý kiến bạn đọc