Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin - Nhìn lại và hướng tới
Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Dak Lak đã đánh số thứ tự 223 vào tháng 3-2011. Qua 21 năm nếu còn lưu được đã cao hàng mét. Thời gian qua đi, ký ức mờ dần nhưng cái thuở ban đầu thì nhớ mãi. Mà càng gian khổ càng nhớ lâu.
Năm 1990 được cấp 40 triệu đồng cho Đại hội thành lập và hoạt động của Hội. Năm 1991 được nâng lên 150 triệu đồng. Chi cho tạp chí và các xuất bản phẩm cũng nằm trong số đó. Từ năm 1995, mỗi năm Hội được cấp trên dưới 300 triệu đồng. Như con nhà nghèo liệu cơm gắp mắm mà từng bước nâng dần, cải tiến theo chiều hướng tích cực. Từ 3 tháng một số còn 2 tháng rồi đến năm 1994 là mỗi tháng một số như hiện nay. Thuở ban đầu chỉ có 16 trang, nâng dần lên 24 trang, 32 trang rồi mới lên 80 trang.
Hội viên chỉ có 45 người (một số không hoạt động), cộng tác viên còn mỏng. Thư ký tòa soạn đầu tiên là Đinh Hữu Trường lo đặt bài vở, dàn trang, sửa mo-rát, theo dõi in ấn (lúc đó còn in chữ chì nên vô cùng vất vả). Phó Tổng biên tập Phạm Doanh (năm 1994 thay tôi làm Tổng Biên tập) say mê với công việc, có đêm ôm cả bản thảo cùng nhạc sĩ, kiêm nhà phê bình Nguyễn Lưu đến nhà tôi trao đổi bài vở trước khi nhập hội tổ tôm. Nhà thơ Hoàng Mạnh Thường tuy phụ trách văn phòng cũng tham gia biên tập và đi cơ sở viết bài. Có thể khẳng định: Trừ lái xe và văn thư kiêm kế toán, những người ở văn phòng Hội đều làm tạp chí. Trước khi có giấy phép của Bộ Văn hóa - Thông tin thì từng số phải xin giấy phép của Sở Văn hóa - Thông tin. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Dương Thanh Tùng là Phó Chủ tịch Hội cũng là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin lo liệu việc này nên cũng thuận lợi. Những số đầu tiên còn được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xem xét từng bài vì tình hình chính trị phức tạp do Liên Xô và Đông Âu khủng hoảng chính trị.
Năm 1993 Nguyễn Lưu chuyển về Hà Nội, sau đó Đinh Hữu Trường về Báo Dak Lak, Hội được bổ sung 3 người: nhà văn Lê Tiến Dị làm thư ký tòa soạn, họa sĩ Hồ Văn Trinh trình bày và minh họa cho tạp chí cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh Chính Hữu, hình thành đội ngũ làm tạp chí chuyên nghiệp, giúp Tổng Biên tập Phạm Doanh nâng cao chất lượng tạp chí.
Ngay từ những số đầu, tạp chí đã đặt ra các tiêu chí:
-Ít nhất một nửa số trang in là của tác giả nội tỉnh.
-Số nào cũng có bài của tác giả là người dân tộc thiểu số.
-Số nào cũng có bài giới thiệu về văn hóa bản địa.
Không ít người có bài văn, bài thơ, bản nhạc, bài nghiên cứu, giới thiệu, bức tranh, bức ảnh… của mình, lần đầu tiên được giới thiệu là trên tạp chí Chư Yang Sin và rất nhiều người đã in riêng các đầu sách để trở thành hội viên các hội của trung ương, trong số đó không ít người là người dân tộc thiểu số bản địa. Có thể nói rằng: Khu vực Tây Nguyên thì Dak Lak có đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số hùng hậu nhất và luôn có lớp kế cận. Tất nhiên không chỉ là công riêng của tạp chí nhưng tạp chí đã góp phần bồi dưỡng, đào tạo văn nghệ sĩ qua biên tập, in ấn để tác giả khẳng định mình, bởi văn nghệ sĩ nào cũng tự thân vận động, tự mình sáng tạo chứ không ai thay thế được.
May mắn cho văn nghệ sĩ ở Dak Lak, trong đó có những người làm tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin là được hoạt động ở một vùng đất giàu bản sắc văn hóa bản địa với hàng trăm sử thi và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO tôn vinh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với 44 dân tộc anh em chung sống, mang theo văn hóa vùng miền tạo nên vườn hoa văn hóa đa sắc, đa hương ở Dak Lak. Được lãnh đạo tỉnh cùng các ban ngành quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động của Hội và tạp chí dù tỉnh vẫn nhận sự cân đối kinh phí của trung ương. Ngoài việc cấp kinh phí còn gặp gỡ, trao đổi, dự các cuộc họp của Ban Chấp hành, thăm Hội dịp lễ, tết còn gửi bài cho tạp chí.
Trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội VHNT Dak Lak, thay mặt hội viên tôi đã cảm ơn lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã ưu ái, trọng thị và độ lượng với văn nghệ sĩ. Với tạp chí Chư Yang Sin cũng vậy, cũng với tấm lòng ưu ái, trọng thị và độ lượng ấy. Tất nhiên có làm thì có sai nhưng không cho phép sai lầm, đi ngược đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng.
Hơn 20 năm qua, Chư Yang Sin theo đúng định hướng, ngoài những lỗi kỹ thuật hoặc chưa nhiều bài hay, tạp chí không mắc sai lầm về tư tưởng.
Mảng yếu nhất của tạp chí là mảng tiểu luận, phê bình, giới thiệu sách của hội viên. Hàng trăm tác phẩm đã xuất bản cần được quảng bá. Hàng chục văn nghệ sĩ cao tuổi cần được viết thành chân dung (chí ít là phác thảo) để sau này những người yêu văn nghệ tìm hiểu thấy được sự đóng góp của từng cá nhân đã làm nên Hội.
Tạp chí cần dành trang cho lực lượng trẻ, nhất là học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, đấy chính là lớp kế cận khai thác tiềm năng văn hóa tiềm ẩn mà các tác giả người Kinh khó làm hay được.
Tạp chí ngoài định hướng đúng cần nhiều bài hay, kể cả gay cấn để thu hút độc giả. Đó cũng là để tạp chí tăng lượng phát hành.
Từ trước tới nay và ở cả nước, việc phát hành tạp chí văn nghệ địa phương đều khó khăn. Hình như chỉ có tỉnh Thái Bình là phát hành tới trường học do được Sở Giáo dục – Đào tạo giúp đỡ. Ở Dak Lak đã từng có công văn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gửi các đơn vị và đã phát hành tạp chí qua bưu điện nhưng không thành. Dù sao cũng mừng vì tạp chí xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội, là tiếng nói của văn nghệ sĩ từ một vùng đất, vì một vùng đất, không lẫn với tạp chí nào khác.
Trong hành trình từ trước đến nay và từ nay về sau, tạp chí biết thiếu sót để bổ sung, góp vào mảng báo chí của tỉnh cũng như báo chí văn nghệ cả nước tiếng nói riêng, tiếng nói hữu ích của mình, dù nhỏ bé để cùng xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ý kiến bạn đọc