Multimedia Đọc Báo in

“Mê” theo những điệu then

07:02, 16/07/2011

Từ niềm đam mê ca hát và lưu giữ truyền thống dân tộc, các chị đã sưu tầm, luyện tập các điệu then cổ và truyền dạy lại cho con cháu. Những làn điệu then đã trở nên quen thuộc, gần gũi với nhiều người dân xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn).

Vào các buổi tối trong tuần, cơm nước cho chồng con vừa xong, các chị lại đạp xe, mang theo cây đàn tính, vượt qua 5 km để đến nhà chị Vũ Thị Thúy (thôn 2) – nơi có khoảng không gian thoáng, rộng rãi - để luyện tập. Tất cả cùng say sưa với làn điệu then rộn ràng, tiếng đàn tính dặt dìu, da diết, lôi cuốn. Họ là những người nông dân lao động chăm chỉ nhưng có tình yêu đặc biệt với điệu then và cây đàn tính của dân tộc vùng cao phía Bắc. Thành lập năm 2007, đến nay, câu lạc bộ (CLB) hát then xã Tân Hòa có trên 30 hội viên, luyện tập đều đặn. Ban đầu là những người Tày, Nùng từ Cao Bằng vào Dak Lak lập nghiệp trên địa bàn xã Tân Hòa đã tập hợp nhau lại, thành lập câu lạc bộ hát then để cất cao điệu hát quê hương. Về sau, không chỉ những người gốc Cao Bằng mới “say” với vốn văn hóa cổ của dân tộc mình mà nhiều người là dân tộc Kinh và một số dân tộc khác cũng “mê mẩn” với loại hình này. Chị Hoàng Thị Loan (dân tộc Nùng), một thành viên trong CLB, nói : “Từ nhỏ, tôi đã có niềm say mê đặc biệt với cây đàn tính và những thanh âm kỳ diệu của nó. Ban ngày đi làm, tối đến chị em tập trung nhau lại, hát cho nhau nghe và tập thêm những làn điệu mới. Một không khí vui vẻ, đầm ấm không gì bằng”.  Từ niềm đam mê ca hát đã kết nối các chị lại với nhau, phong trào học hát then, đàn tính của CLB ngày càng thu hút được sự chú ý, tham gia của nhiều người. Chị Vũ Thị Thúy (63 tuổi, dân tộc Kinh) tâm sự, lúc mới vào đây lập nghiệp, nghe các chị người Tày, Nùng hát then, gẩy đàn tính, chị chẳng cảm nhận được là mấy nhưng cứ hễ có lễ, hội của địa phương thì làn điệu này lại cất lên, tối đến, lại nghe các chị em luyện tập, đàn hát mãi rồi chị đâm ra “ghiền” lúc nào chẳng hay. Bây giờ, chị cũng tham gia sinh hoạt với  chị em, cũng hát được một vài làn điệu…

Một tiết mục đàn tính - hát then, bài “Lời cây đàn tính” của các thành viên CLB hát then xã Tân Hòa.
Một tiết mục đàn tính - hát then, bài “Lời cây đàn tính” của các thành viên CLB hát then xã Tân Hòa.

Không sinh ra trên quê hương hát then nhưng giờ đây những điệu hát của đồng bào Tày, Nùng như ngấm vào trong người, làm chị Nguyễn Thị Tốt (thôn 2) cũng hăng say luyện tập thường xuyên cùng với mọi người. Chị tâm sự, tham gia sinh hoạt, chị thấy yêu hơn vốn văn hóa của dân tộc, cũng từ  niềm đam mê ca hát này, các chị như được gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Từ đó, hàng xóm, láng giềng có thêm tình đoàn kết để sống tốt hơn.  Tham gia sinh hoạt đều đặn, đến nay, các thành viên trong CLB đều có thể hát và biểu diễn thành thạo các bài “Lời cây đàn tính”, “Hoa rừng quê em”, “Pắc pó làng Sen”... ở các điệu: lượn, cọi, nàng ới… Ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ, lúc lên rẫy, đi làm đồng cùng với nhau, bất cứ khi nào, hễ có cơ hội là các chị lại tụm năm, tụm bảy, cùng hát lên những làn điệu then uốn lượn. Để duy trì CLB, các hội viên đã tự nguyện đóng góp mua sắm thiết bị hoạt động như nhạc cụ, trang phục: áo tràm, khăn vấn, vòng bạc chỉn chu… phục vụ cho việc tập luyện. Riêng cây đàn tính thì phải nhờ người mua từ Cao Bằng gửi về. Bởi theo một số hội viên thì “Phải là cây đàn của đúng gốc gác, xứ sở làm thì âm thanh nghe mới dìu dặt, êm tai được”. Một cây đàn như thế thường có giá là 500. 000 đồng. Các hội viên của CLB miệt mài tìm kiếm, sưu tầm những điệu then cổ để cùng nhau luyện tập. Nhiều lời then cổ đã được các hội viên tìm lại và biểu diễn trong các hội diễn mang đến bất ngờ cho không ít người xem. Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, biên soạn, có hội viên còn sáng tác, dựa trên khuôn mẫu lời then cổ để sáng tạo ra lời then mới nhằm ca ngợi cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ca ngợi Tây Nguyên như quê hương thứ hai của mình. Điều thú vị là các tiết mục biểu diễn với các làn điệu được yêu thích, nhưng lại rất khó để luyện tập như lượn, cọi, nàng ới… đều do chính các thành viên trong đội sáng tác và biểu diễn một cách đầy cuốn hút. “Những điệu then sinh động được sáng tác, đặt lời đã khơi dậy thêm tình yêu, sự đam mê hơn của người Tày, Nùng trên vùng đất mới”, chị Đinh Thị Bê (dân tộc Tày) cho biết. Hiện nay, trong các dịp liên hoan, ngày lễ, hội văn hóa các dân tộc, các chương trình ca nhạc của xã, huyện... đều có các tiết mục hát then của CLB tham gia. Ngoài ra, CLB còn thường xuyên tổ chức giao lưu với CLB ở các huyện Cư M’gar, Krông Năng… Không chỉ vậy, nhiều hội viên còn vận động cả con, cháu vào CLB, nhiệt tình truyền dạy những làn điệu cơ bản. Tại các buổi sinh hoạt của CLB, có không ít các em nhỏ ở địa phương tuổi mới lên mười cũng theo chân các bà, các mẹ  ngồi chiếu then, giờ đây một vài em đã có thể tự đánh đàn tính, cất lên được bài hát “Hoa rừng quê em” đầy say mê.

Giữa cuộc sống mưu sinh, vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng những điệu then uốn lượn, âm thanh dìu dặt, tha thiết của tiếng đàn tính đã trở thành cầu nối văn nghệ giữa miền xuôi, miền ngược, giữa các dân tộc với nhau trên địa bàn. Nhiều phụ nữ lao động ở Tân Hòa vẫn dành thời gian đắm mình với những điệu then, luyến láy cây đàn tính cùng lời hát đầm ấm… Với những người đầy tâm huyết và niềm say mê gìn giữ nét văn hóa dân tộc này, tình yêu với hát then của họ sẽ được bồi bổ hằng ngày và làm “một góc hồn dân tộc” xứ Lạng cất cao giữa mảnh đất Tây Nguyên trù phú. Đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong gia đình, thôn xóm một tình yêu nguồn cội, bắt đầu từ yêu những câu hát, điệu then.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.