Vĩnh biệt nhà dân tộc học của núi rừng Tây Nguyên
Nhà dân tộc học Georges Condominas đã từ trần ngày 17-7 tại Bệnh viện Broca, Paris, thọ 90 tuổi. Giáo sư Georges Condominas qua đời là một mất mát to lớn cho giới nghiên cứu văn hóa - xã hội Việt Nam. Tên tuổ của ông luôn gắn liền với miền đất Tây nguyên, với Mnông Gar, làng Sar Luk và núi rừng Đông Nam Á.
Nhà dân tộc học Georges Condominas |
Là một nhà nhân học nổi tiếng, Giáo sư Condominas đã cống hiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau như ngôn ngữ học, các nghiên cứu về thời đại nô lệ, về ngành canh nông, đặc biệt về du canh du cư. Năm 2007, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Quai Branly (Pháp) đã tổ chức cuộc trưng bày hiện vật, phim ảnh, ghi chép: Chúng tôi ăn rừng - Georges Condominas ở Sar Luk tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cũng trong năm này, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị. Tên tuổi của Georges Condominas sẽ luôn được nhắc tới và ông sẽ mãi như là một người dân của núi rừng Tây Nguyên Việt Nam.
* Nhà dân tộc học Georges Condominas sinh năm 1921 tại Hải Phòng; cha là người Pháp, mẹ là người Việt lai Bồ Ðào Nha. Ông đỗ cử nhân luật tại Trường đại học Hà Nội, đồng thời theo học Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương vào năm 1943, cử nhân văn chương rồi tiến sĩ khoa học nhân văn ở Sorbonne (Paris) vào năm 1947 và 1970... Ông là người sáng lập Trung tâm tư liệu và nghiên cứu về Ðông Nam Á và vùng Insulien (CeDRASEMI). * Các tác phẩm: Chúng tôi ăn rừng, Không gian xã hội vùng Ðông Nam Á, Biên niên của Sar Luk, Làng Mnông Gar ...của ông đã được ấn hành ở Việt Nam. Hai tác phẩm: Xa lạ là chuyện thường ngày, Sar Luk - miền Trung Việt Nam, được xem là hai cuốn sách làm khuấy động ngành dân tộc học thế giới. * “Tôi tin rằng chính trong vô thức tôi đã chọn lựa cư dân nghèo khổ, sống nhọc nhằn trong những không gian xã hội hạn hẹp, nhưng gắn bó trực tiếp với Tự nhiên và với những tài nguyên của nó. Rời bỏ thế giới của những đặc quyền và thích nghi với lối sống của người Mnông Gar để hiểu họ hơn không chỉ là một thử thách mà còn làm cho bản thân tôi phong phú thêm lên, bởi vì tôi đã được hưởng tình bằng hữu của họ. Họ đã rèn luyện nhân cách của tôi và đã bắt tôi - dù họ không ý thức được điều đó - tìm một phương pháp nghiên cứu tôn trọng được tập tục và ngôn ngữ của họ. Ðúng là tôi nợ họ quá nhiều!...”. (Trích Diễn từ nhận giải Việt Nam học - Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh năm 2009 của Georges Condominas). |
Ý kiến bạn đọc