Multimedia Đọc Báo in

Người nuôi dưỡng niềm đam mê điệu chèo quê hương

11:59, 19/09/2011

Mê chèo từ nhỏ, nhưng mãi đến khi vào Dak Lak lập nghiệp bà mới có cơ hội thành lập câu lạc bộ (CLB) chèo để cùng với những người khác thỏa niềm say mê của mình. Bà là Vũ Thị Tràn, Chủ nhiệm CLB chèo xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn).

Trong một ngày tháng 9, ghé thăm nhà bà Vũ Thị Tràn, từ xa đã nghe vọng câu chèo cổ của điệu “Luyện năm cung” mượt mà vang lên giữa tiếng nhị đưa chúng tôi trở về với quê lúa Thái Bình tươi đẹp. Cũng như mọi ngày, bà Tràn đang cùng với các thành viên trong CLB chèo Ea Huar sinh hoạt, đàn hát và tập những điệu chèo cổ. CLB chèo của xã được thành lập, công đầu tiên phải kể đến bà. Vào tuổi ngoài 60, mái tóc đã lấm tấm sợi bạc, sức khỏe không còn dồi dào để chất giọng trong trẻo trong từng câu hát, nhưng vẫn không làm vơi đi tình yêu và nhiệt huyết của bà dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Giờ đây, từ cách luyến láy đến ngắt hơi, nhả chữ… của bà đã thuần thạo chẳng kém gì một “kép chính” chuyên nghiệp. Bà kể: ngày nhỏ theo cha ngồi chiếu chèo, nghe mãi thành quen rồi từng câu hát, giai điệu cứ thấm dần, thành ra say mê chèo lúc nào chẳng hay. Chăm chỉ luyện tập, cộng với sự chỉ dẫn, dạy bảo thêm của những người lớn tuổi trong làng, cô bé Vũ Thị Tràn rõ hơn về kỹ thuật hát chèo, biết thêm nhiều điệu mới. Nhiều giai điệu như: Quân tử phu dịch, Luyện năm cung, hát Sử, Tò vò và vở diễn đặc sắc: “Lưu Bình - Dương Lễ”… đã được cô thể hiện một cách thành thạo, đắm say.

Dù tuổi đã ngoài 60 nhưng bà Vũ Thị Tràn (người đứng) vẫn say mê với những điệu chèo.
Dù tuổi đã ngoài 60 nhưng bà Vũ Thị Tràn (người đứng) vẫn say mê với những điệu chèo.
Cuộc sống có nhiều đổi thay, bà Tràn cùng gia đình vào Dak Lak lập nghiệp, sinh sống và vẫn nuôi dưỡng tình yêu với hát chèo. Ban ngày tất bật việc đồng áng, nhưng cứ tối đến cả nhà lại quây quần, nghe bà ngân vài câu chèo cổ mượt mà, tha thiết. Năm 2008, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, bà và những người quê gốc Thái Bình đã tập hợp nhau lại, thành lập CLB chèo Ea Huar. Buổi đầu hoạt động, đội chèo gặp rất nhiều khó khăn: không kinh phí, không sân khấu, không kịch bản… nhưng do tình yêu với hát chèo và ý thức lưu giữ nét đẹp văn hóa quê hương các thành viên tự bỏ tiền túi mua đồng phục, đạo cụ và miệt mài luyện tập. Cứ vào cuối tuần, khoảng sân rộng tại nhà bà Tràn lại là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu thích chèo trong xã. Nhiều người ở các thôn, xóm xa 6 -7 cây số cũng không quản gió mưa, lặn lội đến tập. Có không ít những mái đầu đã điểm bạc nhưng vẫn toát lên được sự khỏe khoắn và niềm vui tươi, say mê theo từng câu hát. Từ ngày có CLB chèo, một không khí sinh hoạt văn nghệ sôi nổi hẳn lên trong xã. Vui nhất, có lẽ là những người cao tuổi ở đây, họ như tìm về lại với nét đẹp văn hóa của quê hương tưởng chừng như bị quên lãng giữa cuộc sống mưu sinh trên vùng đất mới. Hằng năm, trong các dịp liên hoan, ngày lễ, ngày hội văn hóa các dân tộc, chương trình ca nhạc của xã, huyện... đều có CLB hát chèo tham gia. Nhiều tiết mục do các cụ biểu diễn đã tạo được dấu ấn riêng, đoạt giải cao trong các hội thi, hội diễn của huyện, tỉnh như: Trích đoạn Lưu Bình - Dương Lễ, Những mùa lúa nhớ ơn Bác... Cũng từ đó, họ làm lan tỏa niềm đam mê chèo đến những người dân ở địa phương. Tranh thủ những dịp nghỉ lễ, hè, bà Tràn thường dành thời gian để dạy cho các cháu trong thôn, xóm các làn điệu chèo quen thuộc để thế hệ trẻ không quên được giai điệu quê hương.

Không chỉ đam mê hát chèo và nuôi dưỡng loại hình nghệ thuật này, bà Tràn còn cùng với những người cao tuổi khác trong xã thành lập các CLB văn nghệ, tập Thái cực trường sinh… để rèn luyện sức khỏe, tạo sân chơi bổ ích, phát huy tinh thần “tuổi cao, gương sáng” ở địa phương. Nhiều năm tham gia sôi nổi và nhiệt tình vào các hoạt động của địa phương, năm 2006, bà được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng, phát triển văn hóa - văn nghệ”.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.