Multimedia Đọc Báo in

Lầu Tàng thư - kho lưu trữ tài liệu của triều Nguyễn

14:09, 09/10/2011

Ngày nay những du khách đến Huế có dịp đi qua đường Đinh Tiên Hoàng sẽ bắt gặp một tòa ở giữa lòng hồ Học Hải, đó chính là lầu Tàng thư nơi lưu giữ tài liệu của 6 Bộ và các Nha dưới triều Nguyễn từ năm 1926 – 1947.

Lầu Tàng thư được xây dựng năm 1825 và hoàn công năm 1826. Theo sách Đại Nam thực lục cho biết: “Dựng Lầu Tàng thư ở phường Doanh Phong trong Kinh thành, lầu được làm 2 tầng, tầng trên 7 gian 2 chái, tầng dưới 11 gian, chung quanh đều xây lan can, bốn bên lầu xây hồ vuông gọi là hồ Học Hải, mé tây hồ có cầu. Các sổ sách năm trước của 6 bộ đều chứa ở trên lầu” … Sở dĩ lầu được hoàn thành chỉ trong vòng 1 năm là do triều đình dùng đến 1.000 người để xây dựng và do Thự Thống chế Đoàn Đức Luận trông nom xây dựng. Tại đây, theo thống kê của Bộ Hộ và Bộ Binh trong Tàng thư lâu bạ tịch về số địa bạ của toàn quốc năm Thành Thái thứ 19 (1907), tổng cộng tất cả sổ sách có 157.348 bản.

Theo các nhà nghiên cứu, Lầu Tàng thư được thiết kế rất hợp lý và phù hợp với chức năng lưu trữ và bảo quản. Với việc lưu giữ hàng vạn tập văn kiện bằng giấy bổi dễ cháy và dễ bị mọt ăn, lầu đã được xây dựng cách ly với đất liền, mọi sự thông thương chỉ qua một cầu đá. Hơn nữa, theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, triều đình còn cho rải lưu huỳnh trên mặt đất ở tầng dưới để tránh mối mọt, và lầu xây dựng trên đảo giữa hồ còn tránh gây hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến tài liệu. Vì vậy, có thể nói rằng Lầu Tàng thư đã tuân thủ rất nghiêm ngặt quy tắc phòng chống cháy.

Paul Boudet, chuyên gia lưu trữ người Pháp vào năm 1942 đã có một bài viết trong tập san Đô thành Hiếu cổ ( Bulletin Des amis Du Vieux Hue), thống kê những sách vở tài liệu lưu trữ tại kho lưu trữ Tàng thư Lâu, qua bài viết  ông đã cung cấp rất nhiều thông tin cho các nhà nghiên cứu về tình hình lưu trữ tài liệu của nhà nước An Nam tại đây.

 
Theo bản dịch trong thác bản văn bia đang lưu trữ tại Viện Hán Nôm Hà Nội có tên là Tàng thư Lâu ký thì Tàng thư Lâu được xây dựng để làm nơi tàng trữ sổ sách, sau khi làm xong thì Hoàng thượng hạ lệnh cho các quan chuyên trách kiểm kê, lựa sổ sách, chọn ngày lành, chuyển đến tầng trên của lầu. Như vậy, không thể phủ nhận rằng Lầu Tàng thư cũng giống như những Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hiện nay là chuyên bảo quản những tài liệu cho đất nước. Tàng thư Lâu trong hơn 20 hoạt động đã lưu giữ rất tốt những tài liệu mà nhà nước phong kiến đã giao phó. Hiện nay một số địa bạ, sổ bộ, điền bạ đã được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và II bảo quản. Từ những tài liệu quý hiếm này, đã cung cấp rất nhiều thông tin quý báu cho các nhà nghiên cứu.

Dưới triều Nguyễn, dù ở các Bộ cũng có những thư viện và những nhà kho lưu trữ như Tàng bản đường phía sau Quốc sử quán triều Nguyễn đã lưu trữ tài liệu Mộc bản, hay Quốc tử giám triều Nguyễn, thư viện Nội Các…, song nếu nói riêng về lưu trữ thì chỉ có Tàng thư Lâu mới là nơi lưu trữ chuyên trách của kinh thành.

Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, vào năm 1947, Lầu Tàng thư chính thức ngưng hoạt động. Tài liệu tại đây bao gồm địa bạ, điền bạ được chuyển đến Viện Văn hóa, sau đó vào năm 1960, một phần trong khối tài liệu này được khởi sự đưa lên Đà Lạt theo chỉ thị của Tổng thống Việt Nam cộng hòa để bảo quản. Từ đó, Tàng thư Lâu dần bị lãng quên và xuống cấp. Trải qua chiến tranh kinh thành hư hỏng nặng, Tàng thư Lâu cũng không tránh khỏi. Sau giải phóng cho đến nay, Lầu tàng Thư vẫn nằm đó nhưng rất nhiều lần bị những người dân sử dụng sai mục đích cũng như không được quan tâm đúng mức nên di tích này vẫn chưa được trùng tu.

Đã có rất nhiều ý kiến đưa ra nhằm xây dựng lại Lầu Tàng thư và đưa vào sử dụng như  phục hồi lại cảnh quan của hồ Học Hải và đưa Lầu Tàng thư vào làm một thư viện trong kinh thành, nhưng xem ra tất cả còn ở phía trước. Và Lầu Tàng thư vẫn ngày ngày in bóng xuống hồ Học Hải, như còn đó lịch sử của một thời quá vãng của hơn 60 năm trước.

Nguyễn Huy Khuyến

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.