Nơi nuôi dưỡng niềm đam mê cho những "cây bút nhí"
Sôi nổi, năng động, nói năng lưu loát là những gì chúng tôi cảm nhận được ở các em trong Đội tuyên truyền Măng non thuộc Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Tập san “Mầm non cao nguyên” ra đời hằng quý, phản ánh rõ nét hoạt động sáng tạo của các em ở lĩnh vực truyền thông.
Những “cây bút nhí” nhiều sôi nổi
Đến hẹn lại lên, cứ sáng chủ nhật hằng tuần, 25 thành viên của Đội lại tập trung tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh để cùng bàn bạc, trao đổi về chủ đề trong tháng, tư duy đề tài, phân công lĩnh vực phụ trách cho từng người rồi đưa ra cách triển khai sao cho đạt hiệu quả thông tin cao… Hơn 10 năm trôi qua, các em trong Đội tuyên truyền Măng non có một sân chơi bổ ích trên lĩnh vực truyền thông và vẫn giữ lịch sinh hoạt đều đặn. Niềm vui từ những tác phẩm được chọn đăng hằng quý, cùng những trao đổi, góp ý của bạn bè qua các buổi sinh hoạt, cứ như thế, tình yêu báo chí vẫn âm thầm chảy cùng với những khát khao sáng tạo của những cây bút “nhí” nhiều sôi nổi, đam mê ghi lại cảm xúc, cái nhìn của bản thân về các vấn đề xung quanh qua từng trang viết. Đọc tác phẩm của các em, dù chỉ dừng lại ở mức độ “ghi lại” những gì các em cảm nhận, nhìn thấy từ cuộc sống thường ngày nhưng cũng “nóng hổi” tính thời sự: từ việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đến bệnh thành tích trong giáo dục, suy ngẫm về quan hệ thầy trò thời nay, trang phục trong học đường đến vấn đề bảo vệ quyền trẻ em… đều được thể hiện dưới “lăng kính” tuổi thơ trong sáng.
Đội sinh hoạt theo hình thức tự quản, bỏ phiếu kín bầu ban cán sự, tự tư duy, tìm kiếm đề tài, cùng nhau thảo luận, rồi chia thành từng nhóm cho các thành viên phụ trách các lĩnh vực triển khai thực hiện… những anh chị phụ trách Đội tuyên truyền Măng non trong Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi chỉ đảm nhận công đoạn cuối cùng như biên tập lại, chọn đăng và chuyển xuống nhà in. Các thành viên trong đội “tác nghiệp” cũng không kém phần chuyên nghiệp, có em tự trang bị máy ảnh, chụp hình, lấy thông tin, xử lý hình ảnh trên máy vi tính, gửi bài bằng email, các tác phẩm được chọn đăng đều có nhuận bút… Tập san “Mầm non cao nguyên” của các em ra đời hằng quý tuy chỉ có 30 trang nhưng lại phong phú về chuyên mục: tin hoạt động, câu lạc bộ măng non, câu lạc bộ phóng viên nhỏ, viết ngắn, trang bạn gái, trang thơ tuổi hồng, câu lạc bộ vui cười và dĩ nhiên, là một tờ báo Đội nên tập san không thể thiếu các chuyên mục về: kỹ năng hoạt động Đội, học làm người có ích, diễn đàn tuổi thơ… Ngoài sáng tạo tác phẩm báo chí, nhiều em còn sáng tác các tác phẩm văn học như: thơ, văn xuôi, truyện ngắn… đáng để người lớn phải chú ý. Tác phẩm chủ yếu khai thác đề tài từ vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, về vùng quê nơi mình đang sinh sống, những cảm xúc, rung động trong cuộc sống... Bên cạnh những buổi sinh hoạt định kỳ, hằng năm, các thành viên trong Đội đều có chuyến đi trải nghiệm thực tế, tham quan các danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh. Nhiều năm tập làm báo như thế đã hình thành nên những gương mặt, cây bút ấn tượng, bắt đầu quen dần với việc thể hiện cảm xúc, cách nhìn nhận cuộc sống xung quanh của mình bằng những bài viết chứa đựng thông tin, câu chữ rõ ràng, mạch lạc… Song, điều dễ nhận thấy, ở mỗi trang viết, trước hết, các em đã sáng tác bằng chính tâm hồn ngây thơ, thể hiện sự quan sát của bản thân và cảm nhận trong sáng về cuộc sống. Dù chọn nhiều đề tài và thể hiện bằng các thể loại khác nhau: ghi nhanh, tin, vui cười, viết ngắn… song, sáng tác của các em đã dành nhiều tình cảm thân thương để viết về tình bạn, tình cảm gia đình, những rung động trước tình người và cảnh đẹp của quê hương. Đó là những cảm xúc tình cờ gặp cô giáo cũ, nhìn tóc cô đã lắm sợi bạc, mắt nheo dần vì bao thế hệ học trò; là bài học về người bố của mình với tình cảm nâng niu, trân trọng tấm áo màu lính đã cũ sờn năm xưa; câu chuyện về nghị lực của người bạn bán kem ở cổng trường học mỗi sáng để kiếm từng đồng ăn học…
Các thành viên trong Đội tuyên truyền Măng non đang trao đổi, bàn bạc với nhau về cách thực hiện một đề tài báo chí. |
Say mê sáng tác các tác phẩm văn học, báo chí, hễ rảnh rỗi cả nhóm cùng rủ nhau “khăn gói” đạp xe lên đường tìm kiếm đề tài nhưng hầu hết các em trong Đội đều làm tốt cả hai việc: học giỏi và viết hay. Em Lại Thị Ngọc Khánh, Đội trưởng tâm sự, nay mỗi khi cầm bút sáng tác, em lại càng biết ý thức hơn về việc lựa chọn những chi tiết “đắt” đưa vào bài viết để việc chuyển tải thông tin của mình thành công lại vừa có cảm xúc. Khi hỏi thế nào là một bài viết hay, em Phan Đình Việt Anh (học sinh lớp 11, Trường THPT Buôn Ma Thuột) cho rằng, một bài viết hay chỉ dừng lại ở cách chọn lựa thông tin thôi chưa đủ mà người viết phải biết cách thể hiện sao cho gần gũi, dễ hiểu và phù hợp với tờ báo. Với Đào Nhật Nam (học sinh lớp 9, Trường THCS Lạc Long Quân) tham gia Đội đã hơn 2 năm, chia sẻ: “Những ngày đầu, em chưa biết cách viết, chưa quen với việc gửi tin, bài cho một tờ báo nhưng giờ em đã biết cách khai thác thông tin và hình thành một bài viết”.
Các “phóng viên nhí” say sưa với việc viết báo. Mỗi khi phát hiện điều gì đó từ cuộc sống thường ngày, hay sự rung động về tình người trước một nghĩa cử, một việc làm, các em đều tìm cách thể hiện qua từng trang viết. Từ đó, trong Đội tuyên truyền Măng non đã hình thành nên nhiều cây bút gắn với từng “sở trường” cụ thể. Nếu như Lại Thị Ngọc Khánh, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bùi Thị Thu Hà… là những cây viết ấn tượng ở mục viết ngắn, ghi nhanh thì Đào Nhật Nam lại là gương mặt tiêu biểu ở mảng truyện cười, Phan Đình Việt Anh để lại dấu ấn ở trang thơ học đường… Không chỉ là những cây viết “trụ cột’ của đội, nhiều em còn có bài gửi cộng tác cho các tờ báo như: Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò… Mỗi em một cách viết, cách thể hiện khác nhau nhưng các bài viết đều đậm chất đời thường, những buồn vui, ghi nhận, gắn bó tuổi học trò. Đọc các trang viết của các em, mở ra một thế giới học trò để hiểu hơn về tâm lý tuổi thơ. Chị Vũ Thị Kim Phượng, phụ trách Đội cho biết: “Khả năng quan sát tinh tế sự vật, cuộc sống xung quanh cộng với cái nhìn trong sáng, nhạy cảm trước con người, sự việc đã làm nên những bài viết chân thật, gần gũi của các em. Mỗi một số báo ra đời đã góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê để các em bộc lộ năng khiếu, đến gần hơn với thể loại báo chí- truyền thông và thể hiện tình người với nhiều tình cảm gắn bó..”.
Ý kiến bạn đọc