Cuộc thi Ảnh Thời sự - Nghệ thuật Dak Lak năm 2011: Xuất hiện những tay máy mới đầy triển vọng
Sau 45 ngày phát động (từ 30-10 đến 15-12), cuộc thi Ảnh Thời sự - Nghệ thuật Dak Lak năm 2011, do Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak tổ chức, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bảo trợ, đã nhận được 180 tác phẩm của 20 tay máy trong tỉnh tham gia. Dù thời gian từ khi phát động đến khi hết hạn nhận ảnh không dài và các hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tự nguyện không tham gia để nhường “sân chơi” cho các tay máy chưa là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam “ghi điểm” nhưng chất lượng tác phẩm dự thi không vì thế mà “hạ cấp”. Đấy là khẳng định của Ban tổ chức và Ban giám khảo cuộc thi…
Ngày 17-12, việc chấm ảnh đã được tiến hành công khai tại trụ sở của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh. Bằng hình thức chấm điểm mới, tất cả các tác phẩm dự thi đều được 4 giám khảo bỏ phiếu chấm điểm theo thang điểm từ 1- 5. Mỗi giám khảo độc lập cho điểm, không hề biết điểm của giám khảo khác. 75 tác phẩm có tổng số điểm cao nhất được chọn vào triển lãm. Từ 75 tác phẩm được triển lãm, cả 4 thành viên Ban giám khảo tiếp tục chấm điểm độc lập để chọn ra 20 tác phẩm tốt nhất vào vòng chọn tác phẩm trao giải. Sau đó, từng thành viên Ban giám khảo tiếp tục chấm độc lập 20 tác phẩm nói trên để chọn ra 10 tác phẩm xuất sắc nhất trao giải. Tác phẩm có tổng số điểm cao nhất sẽ được xếp giải Nhất. Các mức điểm thấp hơn gần kề sẽ được xếp giải Hai, Ba và Khuyến khích. Đây là cách chấm ảnh khách quan nhất, lần đầu tiên được áp dụng ở tỉnh ta.
Có thể nói, các tác phẩm dự thi lần này đã phản ánh khá toàn diện các lĩnh vực hoạt động nổi bật của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh ta trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Từ lĩnh vực nông nghiệp: sản xuất cà phê, cao su, lúa, bắp… sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng: chế biến cà phê, cao su, làm đường nhựa, xây dựng cao ốc, xây dựng nhà máy thủy điện; từ lĩnh vực du lịch, văn hóa - xã hội: chở khách du lịch bằng voi, bằng xe ngựa, đua voi, múa lửa, cúng bến nước, sinh hoạt cồng chiêng… đến lĩnh vực an ninh - quốc phòng: bộ đội, công an đang tập luyện với vũ khí hiện đại, đang diễu hành, tuần tra trên biên giới với tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, đem lại sự bình yên cho nhân dân… tất cả đều có trong tác phẩm dự thi.
Tác phẩm đoạt giải nhất: Tầm cao mới của Kim Nga. |
Nhìn chung trình độ kỹ thuật, nghệ thuật của các tay máy thể hiện qua các tác phẩm được chọn triển lãm là khá tốt. Ngoài một số tay máy đã có quá trình sáng tác 3 - 5 năm trở lên, như Nam Phương, Đăng Trình, Quang Khải, Duy Thương đã có kinh nghiệm trong chọn đề tài, bố cục, góc độ bám máy, xử lý ánh sáng, tông màu khá chuẩn, các tác giả mới như Kim Nga, Văn Lộc, Lê Huy Thành, Nguyễn Thị Mỹ Tiên cũng đã thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ và đã đưa đến cuộc thi nhiều tác phẩm có chất lượng tốt ở cả nội dung và nghệ thuật; nhờ vậy, nhóm tác giả này đã có nhiều tác phẩm được chọn triển lãm và đoạt giải. Ví dụ Kim Nga được trao giải Nhất và có 6 tác phẩm được triển lãm, Lê Huy Thành được trao giải Khuyến khích với 4 tác phẩm được triển lãm, Nguyễn Thị Mỹ Tiên được trao giải Khuyến khích, Văn Lộc được chọn triển lãm 8 tác phẩm… Nổi bật nhất là tác phẩm Tầm cao mới của Kim Nga (TP. Buôn Ma Thuột). Tác phẩm chụp cảnh công nhân xây dựng đang làm việc trên tầng cao của công trình xây dựng khách sạn Sài Gòn – Ban Mê (Ngã Sáu, TP. Buôn Ma Thuột). Đây là tác phẩm nhận được điểm cao của cả 4 thành viên hội đồng giám khảo (18 điểm) bởi kỹ thuật chụp tốt, ảnh có độ nét cao, tông màu và ánh sáng chuẩn. Bắt mắt người xem ngay tức khắc là màu vàng cam nổi bật của chiếc cẩu tháp, hình dáng của chiếc cẩu tháp đang vươn lên ngạo nghễ như muốn bao chiếm cả trời xanh. Tiếp đến là hình ảnh của người công nhân đang chăm chú làm việc trên chiếc gàu của cẩu tháp treo lửng lơ giữa trời và những công nhân đang miệt mài làm việc bên cốt thép của trụ bê tông… tất cả đã thể hiện được vẻ đẹp của công trình, vẻ đẹp của người lao động, sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh nhà trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tầm cao của chiếc cẩu tháp, tầm cao của công trình cũng chính là biểu tượng cho tầm cao của sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay. Chỉ tiếc một chút cho bố cục của bức ảnh này là phần dưới hơi bị hụt. Hai bức ảnh đoạt giải Nhì của Quang Khải: Hạt ngọc đen và Ban Mê vào hội cũng là những bức ảnh có nội dung tốt, phản ánh được hai lĩnh vực thế mạnh của Dak Lak là sản xuất cà phê và du lịch. Có kỹ thuật chụp chắc tay, xử lý bố cục khá tốt, không rườm rà chi tiết, làm nổi bật được nội dung chính - không chỉ ở hai tác phẩm trên mà ở hầu hết các tác phẩm của Quang Khải - nên anh đã có tới 14 tác phẩm được triển lãm, trong đó có 5 tác phẩm được trao giải.
Một điểm đáng mừng nữa của cuộc thi ảnh lần này là có 2 tay máy nữ tham gia là Kim Nga, Nguyễn Thị Mỹ Tiên và một tay máy dân tộc J’rai là Siu Y Sơn ở TP. Buôn Ma Thuột. Lần đầu dự thi nhưng Nguyễn Thị Mỹ Tiên đã đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm Qua sông, còn Siu Y Sơn có 2 tác phẩm được chọn triển lãm. Hy vọng là cả ba tay máy nói trên sẽ tiếp tục phát huy được những thành tích bước đầu từ cuộc thi này, có nhiều đam mê hơn nữa, trau dồi hơn nữa kỹ thuật và nghệ thuật để các cuộc thi tới đạt được những thành tích cao hơn và sẽ trở thành những tay máy chủ lực bổ sung cho lực lượng nhiếp ảnh của tỉnh nhà hiện nay vốn đang ít các tay máy nữ và dân tộc thiểu số.
Một chút tiếc nuối của cuộc thi này là thời gian từ khi phát động đến khi hết hạn nhận ảnh hơi ngắn và việc thông tin tuyên truyền về cuộc thi chưa được quan tâm đúng mức. Nếu thời gian phát động cuộc thi dài hơn, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc thi tốt hơn thì chắc chắn số tay máy, số lượng ảnh và chất lượng ảnh của cuộc thi cũng sẽ nhiều hơn, tốt hơn. Việc các tay máy ở các huyện tham gia cuộc thi này khá thưa thớt là có nguyên nhân từ công tác thông tin tuyên truyền cổ động cho cuộc thi chưa được quan tâm đúng mức…
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc