Buôn Niêng I lắm nhà dài, nhiều chiêng ché...
Nằm sát tỉnh lộ 1, cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 10 km, buôn Niêng I của xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn vẫn giữ nguyên nét cổ của một buôn đồng bào Ê đê truyền thống khi còn lưu giữ hàng chục ngôi nhà dài, hàng trăm hiện vật chiêng, ché, ghế kpan, trống da trâu…
Già làng buôn Niêng I là Ama Khoan không nhớ buôn được thành lập năm nào, mà chỉ biết rằng từ đời ông ngoại, đời cha rồi đến đời ông lớn lên đã nghe gọi tên buôn Niêng. Buôn xưa kia nằm sau lưng trụ sở UBND xã Ea Nuôl, do dân số ngày một đông, nên năm 1984 buôn được chuyển về vị trí mới cạnh tỉnh lộ 1, đối diện với trụ sở UBND xã. Sau khi chuyển về vị trí mới buôn lần lượt tách thành các buôn Niêng I, Niêng II và Niêng III, nhưng chỉ buôn Niêng I là giữ nguyên được nét cổ. Già Ama Khoan nói rằng, Niêng I giữ được truyền thống vì đây là buôn gốc, khi di dời về địa điểm mới người dân trong buôn đã dỡ và mang theo gần như nguyên bản những ngôi nhà dài, các vật dụng truyền thống về dựng lại ở vị trí mới. Các buôn còn lại được tách ra chủ yếu là lớp trẻ, chúng không còn biết cách dựng một ngôi nhà dài Ê đê truyền thống đúng kiểu, và cũng không có điều kiện để sở hữu những chiếc ghế kpan dài hàng chục mét, những chiếc trống da trâu với đường kính cả mét như ngày xưa.
Cầu thang nhà Amí Nhúi được làm bằng một thân gỗ quý đã bị mòn vẹt theo thời gian. |
Ghé thăm ngôi nhà dài của Amí Nhúi nhiều người sẽ phải sững sờ khi nhìn thấy chiều dài và sự đồ sộ của ngôi nhà. Ngôi nhà này Amí Nhúi được thừa kế lại của bà ngoại và đã trải qua 3 đời, có niên đại cũng trên 100 năm, hiện trong nhà có 6 người cùng sinh sống. Nhà dài hơn 22 mét, được dựng toàn bằng những thân gỗ quý lấy từ rừng Yok Đôn như căm xe, cà te, sao… với những cột trụ đứng to cả vòng tay người lớn ôm. Bậc thang lên nhà được làm bằng một thân cây gỗ căm xe rất lớn, qua thời gian sử dụng đã đôi chỗ mối mọt, 2 núm vú được tạc trên cầu thang đã nhẵn mòn theo thời gian. Phía cửa trước có một thanh ngang tạc hình 2 con voi, theo Amí Nhúi giải thích thì chỉ những gia đình ngày xưa thuộc hạng giàu có mới làm được kiểu nhà như vậy. Trong nhà có 2 Y dông (xà dọc) đỡ toàn bộ hai mái nhà và những cây gỗ quý nguyên thân thẳng tắp dài hàng chục mét không chắp nối. Chính giữa có gác một cây gỗ cũng rất dài tạc hình các con vật như kỳ đà, rùa và đục rất nhiều lỗ gọi là Knulg Kpe (cây buộc rượu cần), chỉ vào các dịp lễ tết truyền thống chủ nhà mới buộc những ché rượu cần để đãi khách. Cây Knulg Kpe cũng thể hiện cho sự giàu có của chủ nhà, bởi ngày xưa gia đình nào càng giàu thì Knulg Kpe càng dài, tạc nhiều hình các con vật và đục rất nhiều lỗ, mỗi lỗ buộc được 2 ché rượu cần. Nhà Amí Nhúi còn giữ được nhiều vật dụng như trống da trâu đường kính gần 1 mét, bộ chiêng Lào rất quý với 9 chiếc, ghế kpan dài 12 mét có chân liền được tạc từ thân một cây gỗ sao và 5 chiếc J’hưng (giường) cũng được tạc từ thân một cây gỗ sao rất lớn. Amí Nhúi cho biết: ngày xưa khi ông ngoại cho tạc bộ ghế kpan và J’hưng, mỗi cái đều phải tạc đúng 7 ngày và phải cắt cử người đứng canh không cho con gà, con chó nào nhảy qua. Sau khi tạc xong phải làm lễ cúng sức khỏe một con trâu lớn, 7 ché rượu cần để mời cả làng đến ăn, cúng thợ mỗi người một con heo lớn. Khi buôn chuyển về vị trí mới, nhà Amí Nhúi đã phải thuê voi đến nhổ và kéo từng cây cột đến buôn mới để dựng lại nhà. Tượng tự, nhà Y Jư Bjă cũng được liệt vào những ngôi nhà quý lâu đời và dài nhất buôn với chiều dài 19 mét. 12 cây cột đứng và Y dông đều được dựng từ những cây gỗ căm xe, cà chít, sàn lát bằng gỗ sao. Y Jư vẫn còn giữ được 2 ghế kpan dài, 3 j’hưng, 1 bộ chiêng Lào, 1 trống da trâu lớn… Y Jư cho biết, khi dựng lại nhà cũng đã phải nhờ voi nhổ cột và kéo về buôn mới.
Trống da trâu nhà Y Jư |
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh buôn Niêng I, anh Y Vân Êban, cán bộ văn hóa xã Ea Nuôl cho biết, năm 2002 buôn được công nhận Buôn văn hóa cấp tỉnh. Trong đợt rà soát các hiện vật của đồng bào Tây nguyên do các cơ quan bảo tồn văn hóa cấp tỉnh về thống kê, buôn có hơn 60% số hộ còn giữ được nhà dài, trong đó có 22 ngôi nhà dài truyền thống cổ dài từ 17 đến 20 mét, còn giữ được bếp lửa đón khách đúng phong cách, 19 bộ chiêng, hàng trăm chiếc ché, ghế kpan, j’hưng, trống da trâu… đặc biệt, nhiều người già trong buôn còn lưu giữ được các bài cúng tế, các làn điệu Eđê truyền thống, các bài sử thi… Phó trưởng buôn Niêng I, ông Y Bét Alêo cho biết: cách đây khoảng dăm năm về trước, người dân chưa ý thức được việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên nhiều vật dụng bị các gia đình đem bỏ ngoài trời cho mưa gió, mối mọt; một số đối tượng xấu lợi dụng sự bất cẩn của bà con cũng đã lẻn vào nhà trộm chiêng ché đem bán, hoặc những người thu mua phế liệu bán hàng rong vào lừa đổi, mua đi nhiều bộ chiêng quý. Mấy năm trở lại đây bà con đã ý thức được việc cần phải giữ gìn, bảo tồn các hiện vật cho thế hệ sau nên đã cất giữ cẩn thận; buôn cũng thành lập ban tự quản, thường xuyên kiểm tra bảo đảm an ninh trong buôn, không để kẻ xấu vào buôn trộm cắp hoặc lùng mua hiện vật. Các gia đình có hiện vật quý cũng khẳng định dù khó khăn mấy cũng không đem bán. Ami Nhúi cho biết, đã có người lạ từ nơi khác đến hỏi mua chiêng ché, trống da trâu, đặc biệt trả hàng trăm triệu đồng để mua lại ngôi nhà dài làm từ gỗ quý nhưng bà đã không bán mà quyết giữ lại. Các con của Y Jư khi được hỏi nếu được thừa kế lại các hiện vật và nhà dài từ ông, cha mình thì có đem bán không? thì ai cũng khẳng định: sẽ giữ gìn chứ nhất định không bán!
Lê Tấn
Ý kiến bạn đọc