Có một người M’nông Gar tên Georges Condominas...
Trong trí nhớ của già Y Wăn, nhà dân tộc học hòa nhập vào cuộc sống của buôn như một người M’nông Gar thực thụ. Ông cũng có một nếp nhà trong buôn, ăn những món ăn của người M’nông Gar, học và nói thành thạo tiếng M’nông, đóng khố và đi chân đất như một người đàn ông M’nông, tham gia vào mọi hoạt động của người dân Sar Luk: đi nương đi rẫy, tổ chức lễ hội…
Làng Sar Luk (nay là buôn Rơ Chai A, xã Krông Knô, huyện Lak) đã có một vị trí đặc biệt trong cuộc đời nghiên cứu của nhà dân tộc học Georges Condominas. Vào những năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ XX, cộng đồng người M’nông Gar nhỏ bé đó đón Georges Condominas bước vào cuộc sống của mình, để rồi sau đó những tập tục, sinh hoạt và văn hóa của người M’nông Gar ở làng Sar Luk đã được cả thế giới biết đến qua những tác phẩm nổi tiếng, được xếp vào những cuốn sách kinh điển của ngành dân tộc học, như: “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gôo” và “Cái lạ là chuyện thường ngày”...
Nhà dân tộc học hòa nhập vào cuộc sống buôn làng Sar Luk (Ảnh: T.L) |
Vào năm làng Sar Luk “ăn rừng Đá Thần Gôo” (cách tính thời gian của người M’nông Gar bằng cách đánh dấu những vạt rừng do họ phát và đốt để gieo trồng hằng năm; ở đây cụ thể là chỉ năm 1949, hay chính xác hơn, năm trồng trọt kéo dài từ cuối tháng 11-1948 đến đầu tháng 12-1949), khi Georges Condominas đến sống ở Sar Luk, già Y Wăn Rơ Tung còn là một cậu bé 11, 12 tuổi; lúc đó cha của Y Wăn làm công việc phiên dịch cho ông Condominas. Trong trí nhớ của già Y Wăn, nhà dân tộc học hòa nhập vào cuộc sống của buôn như một người M’nông Gar thực thụ. Ông cũng có một nếp nhà trong buôn, ăn những món ăn của người M’nông Gar, học và nói thành thạo tiếng M’nông, đóng khố và đi chân đất như một người đàn ông M’nông, tham gia vào mọi hoạt động của người dân Sar Luk: đi nương đi rẫy, tổ chức lễ hội… Y Wăn Rơ Tung, nay đã là một ông già 74 tuổi, nhớ lại: “Yoo Condo không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để được hòa nhập vào cuộc sống của người M’nông. Ông cũng ghi chép và chụp ảnh những gì ông nhìn thấy, ông còn vẽ lại và chú thích rất cẩn thận những vật dụng sinh hoạt, nhạc cụ, đồ dùng sản xuất, dệt vải của bà con trong làng”.
Bà H’Srang Rye – cô gái 18 tuổi vào năm 1948 được Georges Codominas gọi là “người đẹp” trong tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gôo” (Ảnh: T.L) |
Bà H’Srang Rye – cô gái 18 tuổi vào năm 1948 được Georges Condominas gọi là “người đẹp” trong tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng Đá Thần Gôo” – nay đã bước vào tuổi 80. Dù ở lứa tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nếu ai đã từng đọc tác phẩm của Condominas, khi gặp bà H’Srang sẽ tâm phục khẩu phục tài mô tả nhân vật của ông. Chúng tôi vẫn bắt gặp một H’Srang chân thực ngoài đời: nhanh nhẹn, duy trì nếp sinh hoạt truyền thống và là một kho tàng sử thi đầy ắp những lời thơ bay bổng của dân tộc M’nông Gar như đã từng gặp bà trong trong sách của Codominas. Là người chị em kết nghĩa với Georges Condominas, đến nay bà vẫn nhớ như in những năm tháng nhà dân tộc học đến ở làng Sar Luk. Bằng giọng M’nông rổn rảng, bà kể lại: “Yoo Condo đến ở Sar Luk, được bà con trong buôn làm cho một ngôi nhà kiểu M’nông dài 12m, cũng có kho thóc ở trên, bếp lửa ở dưới, nằm bên bờ sông Krông Knô. Sống giữa buôn làng của người M’nông, Condo cũng mặc đồ giống người M’nông, ăn những món ăn của người M’nông, tham gia vào các lễ hội, công việc của buôn làng, học cách sống của người M’nông”. Trong trí nhớ của bà H’Srang Rye, nhà dân tộc học luôn cố gắng hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng ở buôn Sar Luk. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đến đây, ông đã nói thành thạo tiếng M’nông. Món ăn nào của người M’nông Gar, ông cũng thử ăn: từ lá bép, đọt mây, lá mì đến món cháo cho vào quả bầu để lên men, món canh cà, canh ớt nấu bằng huyết trâu để trong ống lồ ô...; lễ hội nào trong năm ông cũng tham gia: từ các lễ tâm boh (trao đổi lễ hiến tế trâu), Mhaam Baa (lễ bôi máu vào lúa), lễ cúng trâu, Mhaam Rnut (lễ bôi máu cho củi), hội cúng đất... đến các đám cưới của thanh niên trong làng, đám tang, xử phạt một mối tình loạn luân trong làng... Ông để ý, ghi chép và chụp ảnh mọi chi tiết, mọi hoạt động thường ngày của bà con; nghe tất cả các loại nhạc cụ và lời hát, điệu múa. (Điều này đã từng được ông kể lại trong Đàm luận giữa Hugues Tertrais với Georges Condominas: “Và tôi cũng phát hiện ra tính thơ ca ở những người dân Sar Luk. Tôi đã chép lại tất cả, tôi ghi cả người hát, người bình luận sự kiện bằng một bài hát. Lời ca là sự diễn tả đầy chất thơ của họ. Ở đó, người ta không đọc thơ, người ta hát thơ” - PV). Bà H’Srang cũng còn nhớ, ông Condominas rất thích sưu tầm những đồ vật của người M’nông Gar, từ khố, áo dệt bằng thổ cẩm, gùi, quả bầu, sừng trâu, ché rượu, những đồ trang trí trên cột lễ, vòng cổ đàn ông, đàn bà, trẻ em... đến cả chiếc bu gà, hình nhân bằng cọng cỏ tranh dùng trong nghi lễ trừ tà, những gốc dương xỉ gọt thành hình miệng con trăn... Những đồ vật này thường được Yoo Condo đổi bằng vải, thuốc lá hoặc mua bằng đồng bạc Đông Dương (sau những ngày sống ở Sar Luk, Georges Condominas đã sưu tầm hơn năm trăm đồ vật cho Bảo tàng Con người của Pháp - PV). Georges Condominas đã ở Sar Luk trong hai năm. Bà H’Srang xúc động nhớ lại: “Trước khi về nước, ông giết hai con trâu đãi dân làng, dặn bà con đoàn kết làm ăn và ông sẽ quay lại thăm bà con. Sau đó, đúng là ông nhiều lần quay lại đây, mỗi lần về ông lại đến thăm các người bạn của mình, ăn những món ăn M’nông trước đây mình đã từng được ăn”.
Đã ngoài 80 tuổi nhưng bà Srang vẫn nhớ như in những kỷ niệm về ông Codominas (Ảnh: Lục Viên) |
Nhà văn Nguyên Ngọc – một người bạn của Georges Condominas - đã từng kể rằng: “Mỗi lần ông (Georges Condominsa) sang Việt Nam, chúng tôi đều gặp nhau, cùng đi Tây Nguyên, cùng đi miền núi Quảng Nam. Lần nào ông cũng bảo: “Tôi luôn thèm về đấy. Ở nơi ấy tôi đã học làm người”. Cũng theo lời kể của nhà văn Nguyên Ngọc, rừng và con người Tây Nguyên luôn là nỗi ưu tư đeo đẳng suốt đời nhà dân tộc học. Và Georges Condominas đã từng nói với người bạn của mình: “Tôi từng viết “Chúng tôi ăn rừng…”. Ăn rừng, người Tây Nguyên “ăn rừng”, xin thức ăn cho sự sống của mình từ rừng, cũng như chúng ta nói chúng ta bú sữa mẹ mà lớn lên thành người. Tây Nguyên không còn rừng thì rồi sẽ ra sao? …”.
Mọi sinh hoạt, văn hóa, lễ hội của người M’nông Gar đều được Codominas ghi chép và chụp lại (Ảnh: T.L) |
Gắn bó với đồng bào M’nông Gar như thế, mỗi lần Georges Conminas trở về, người dân Sar Luk lại chào đón ông, thân tình như đón một người thân đi xa trở về làng. Tháng 7-2011, nhà dân tộc học từ trần, để lại nỗi tiếc thương vô vàn trong giới nghiên cứu dân tộc học thế giới và những người ngưỡng mộ cuộc đời và các tác phẩm nghiên cứu của ông. Riêng với những người dân Sar Luk, hay tin nhà dân tộc học qua đời, họ đau đớn như mất đi một người thân trong gia đình. Già Y Wăn Rơ Tung nghẹn ngào: “Yoo Condo là người M’nông Gar mà. Chúng tôi rất muốn làm lễ bỏ mả cho ông ấy”...
Lục Viên
Ý kiến bạn đọc