Đời gốm, đời người…
Qua hai đợt khảo cổ tại cánh đồng Buôn Triết - huyện Lak vào năm 1993 và 1995 do GS-TS Hoàng Xuân Thông (Viện Khảo cổ Việt Nam) dẫn đầu đã thu được khá nhiều mảnh gốm có niên đại hàng trăm năm tại di chỉ này. Điều đó cho thấy cư dân trong vùng từ lâu đã sử dụng gốm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy gốm này từ đâu mà có? Câu hỏi đặt ra, khiến nhiều người nghĩ đến một làng nghề làm gốm truyền thống của người M’nông Rlăm ở buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lak ngày nay; liên hệ đến “một đời sống gốm” của người bản địa đã có từ rất lâu trên vùng trũng thấp, lắm khe, nhiều suối này. Và “đời gốm - đời người” ấy đã có sự gắn bó, thân thiết với nhau qua những thăng trầm của thời gian…
Từ hiện vật trong bảo tàng…
TS Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Dak Lak chỉ vào các hiện vật gốm của người M’nông được sắp đặt, trưng bày trong không gian cách điệu (là bếp lửa, dàn củi cùng ngổn ngang chén bát, nồi niêu…) rồi trầm ngâm: “Sợ một ngày nào đó, những sản phẩm gốm này chỉ được nhìn thấy duy nhất ở đây!”. Nghề gốm truyền thống này sẽ không còn nữa trong đời sống của nhóm cư dân trên; mất đi một yếu tố cấu thành vốn văn hóa đa dạng và độc đáo của người M’nông Rlăm quần tụ sinh sống bên mạn Đông Bắc hồ Lak và con sông mẹ - Krông Ana trước khi đổ vào dòng Sêrêpôk hùng vĩ. Đó là một tộc người mà trong lịch sử đã có sự giao thoa khá sớm và sâu đậm với các tộc người Êđê Thăm, Êđê Bil, Êđê MThul, M’nông Gar, M’nông Kuênh sống quanh vùng. Sự giao thoa đó đã đem lại sắc thái văn hóa riêng biệt so với bình diện chung trong đời sống, tinh thần của nhiều sắc tộc có mặt lâu đời ở đây. Điều đó được minh chứng trên thực tế là người M’nông Rlăm hiểu và nói thành thạo ngôn ngữ Êđê, M’nông (các nhánh) và cả tiếng K’ho - một tộc người cư trú tận phía Nam Tây Nguyên. Ngược lại các dân tộc ít người nói trên không biết gì về ngôn ngữ của người M’nông Rlăm cả. Vậy cái gì đã làm nên khác biệt đó, phải chăng là từ việc sản xuất và trao đổi mặt hàng gốm của họ?
Tôi đi tìm lời giải ấy từ vô vàn câu chuyện của người già ở buôn Dơng Băk, chiếc nôi của gốm M’nông độc nhất trên cao nguyên này. Amí H’Diếp Buôn Krông bảo rằng: Ngày xưa, đời ông, đời cha của Amí đã thế rồi - nói được nhiều thứ tiếng là nhờ đem sản phẩm gốm đi bán khắp nơi. Đến thế hệ của bà cũng vậy, làm gốm là cái nghề kiếm sống, chứ đâu phải “tự cung, tự cấp” như nhiều người nói. Anh Y Nê Buôn Krông, con trai Amí (hiện là Chủ tịch UBND xã Yang Tao) giải thích thêm: Đã làm nghề sản xuất, buôn bán gốm thì nhu cầu giao tiếp, hiểu biết về khách hàng là điều cần phải có. Không thạo ngôn ngữ, văn hóa của khách hàng thì làm sao buôn bán được; và gốm là “chiếc cầu nối”, làm nên sắc thái văn hóa cho người M’nông Rlăm. Đối chiếu với một số công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa tộc người M’nông Rlăm của các nhà dân tộc học thì thấy trong nhiều tư liệu đã hé mở “con đường đi” của gốm trên vùng đất này. Trước đây, không riêng gì người M’nông ở đây sử dụng đồ gốm, mà trong nhiều gia đình người Êđê ở nơi khác cũng sử dụng gốm như chén bát, chảo, ấm, nồi niêu và cả ghè rượu… trong sinh hoạt thường ngày. Những sản phẩm gốm ấy được xác định là của người M’nông Rlăm làm ra nhờ đặc điểm rất riêng của nó: gốm được nặn bằng tay (chứ không phải bàn xoay), được nung bằng củi, và đặc biệt là cách tạo men cho loại gốm này nhờ vào độ cháy đen của vỏ trấu sau khi gốm chín. Đây cũng là điểm giống với những mảnh gốm mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở Buôn Triết năm 1993 và 1995.
Những cứ liệu trên chứng tỏ gốm của người M’nông Rlăm ở Yang Tao-huyện Lak đã có một thời khá hưng thịnh. Gốm đã đi vào đời sống của nhiều tộc người bản địa ở khắp một vùng rộng lớn, từ phía Nam của dãy Cư Yang Sin (nơi giáp ranh hai tỉnh Dak Lak - Lâm Đồng) đến vòng cung Đông-Tây (mạn hồ Lak và Krông Bông) bây giờ. Con đường đi của gốm cũng chính là bước chân người M’nông Rlăm mang sản phẩm làm ra đi giao thương buôn bán thuở nào.
Nghệ nhân làm gốm M’nông trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2011. |
…Đến “hồi sinh” nghề gốm (?)
Nhiều nghệ nhân làm gốm lành nghề như Amí H’Diếp, Amí H’DLueng hồi tưởng: Vài chục năm trước, khi hàng hóa đang còn ít, sản phẩm gốm của họ còn được mang đi đổi chác, buôn bán khắp nơi: từ Krông Nô, Đam Rông, Quảng Phú cho đến vùng Yang Reh, Yang Ma bây giờ. Cái chén, cái nồi, hay ấm, bình, ghè,… đã mang về cho người dân Dơng Băk nhiều thứ: nào gạo, bắp, đậu. Cứ một sản phẩm gốm đổi lấy một sản phẩm lương thực tương ứng (chẳng hạn một chiếc chén gốm đổi lấy một chén gạo)…
Amí H’Dpiết, người già nhất trong buôn Dơng Băk bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, vào những năm 60-70 thế kỷ trước, thời chiến tranh loạn lạc, bị địch dồn dân, lập ấp vào Trung tâm quận lỵ Lạc Thiện (nay là thị trấn Liên Sơn, huyện Lak), bà con vẫn không quên nghề gốm. Bị địch vây hãm, săn lùng ráo riết, không mua bán, đổi chác được với bên ngoài thì họ vẫn làm gốm để phục vụ cho đời sống của chính mình và chuyển ra các vùng căn cứ cách mạng: Rô Men (tỉnh Lâm Đồng), Dak Tua (huyện Krông Bông). Hết chiến tranh, gốm theo chân người trở lại buôn xưa. Trong ký ức của người già ở đây vẫn còn tươi nguyên và sống động những tháng năm sống cùng với gốm. Tiếng giã đất thình thịch suốt đêm, sáng ra khi ông mặt trời thức dậy cũng là lúc nhà nhà nặn gốm. Những bàn tay không biết mỏi, cứ miệt mài trong nhiều giờ, thậm chí cả buổi để cho ra những sản phẩm tinh khôi từ khối đất dẻo ở các bãi bồi phù sa, dọc các triền sông suối. Và công đoạn nung gốm, lên men cho gốm bằng củi rừng và trấu, sau đó dùng đá mài bóng một cách tỉ mẩn là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong nghề và trong đời của người làm gốm. Trước sân mỗi nếp nhà, những ngọn khói bay lên mang theo hương đất nồng nàn cùng âm thanh lách cách phát ra từ công việc xếp dỡ gốm… đã tạo nên không khí nhộn nhịp của đời sống của một làng nghề. Nhưng nay chỉ còn rất ít người làm gốm; chỉ thi thoảng có người trên Bảo tàng Dak Lak xuống đặt một vài sản phẩm gốm thì các amí mới làm. Tiền công chẳng đáng là bao, nhưng đổi lại cũng đỡ nhớ nghề, nhớ thời gốm theo chân người M’nông đi khắp nẻo…
Đến bao giờ gốm ở đây hồi sinh? Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Dak Lak chia sẻ: gốm M’nông sẽ sống lại một khi tìm được đầu ra trong thời buổi các đồ dùng bằng chất liệu nhôm, nhựa, inốc đang rất phổ biến. Và chị đã có những động thái tích cực nhằm thực hiện điều đó bằng công việc cụ thể: xin kinh phí từ Trung ương, địa phương để mời các nghệ nhân trong buôn Dơng Băk mở lớp dạy nghề làm gốm cho gần 20 thanh thiếu niên ở đây. Sau đó, chị tìm hiểu và giới thiệu sản phẩm gốm độc đáo này đến với một số khách sạn, nhà hàng, công ty du lịch trên địa bàn tỉnh để từng bước mở đường tiêu thụ. Song, như chị Sơn tâm sự, việc tìm đường cho gốm M’nông sống được không phải chuyện dễ dàng. Cần có thêm nhiều người, nhiều ngành quan tâm để xây dựng, phát triển nghề gốm ở Yang Tao trở thành làng nghề, sau đó kết hợp với hoạt động du lịch nhằm biến nơi đây thành điểm tham quan, nghiên cứu cho du khách... Chỉ có thông qua kênh du lịch, nghề làm gốm của người M’nông ở đây mới có cơ hội sống lại và đi xa hơn. Điều đó cũng có nghĩa với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy một nghề độc đáo trong đời sống cộng đồng người bản địa trên cao nguyên này.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc