Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ về bản sắc Việt

16:00, 22/01/2012

Sự trở lại của những giá trị truyền thống cổ điển trên một số lĩnh vực, ý tưởng trong đời sống hiện nay được ví như “một đại lộ” đông đúc người tham gia: dùng đồ cổ, nệ cổ, phục cổ và giả cổ… đang tràn ngập khắp nơi- từ “nơi ăn, chốn ở” cho đến vô số nhu cầu thưởng lãm các giá trị văn hóa khác. Sự trở lại này, phải chăng là để tìm về với bản sắc Việt? Quả thật, những gì đã được khẳng định trong quá khứ: bộ tràng kỷ, chiếc bình gốm, bức tranh Đông Hồ, một tiết tấu dân ca, hay một tà áo dài… cũng dễ dàng làm rung động tâm hồn, huống hồ còn có những xúc tác của tâm lý hoài cổ, muốn trở về nguồn cội vốn có trong mỗi người.

Tôi đã nghĩ và chứng thực điều đó qua đời sống quanh mình. Ví như mỗi sáng đi uống cà phê ở Buôn Ma Thuột, cứ thích đến những quán Không Gian Xưa, Không Gian Việt (trên đường Y Ngông), Nét Xưa (Mai Hắc Đế) hay Phố Xưa, Làng cà phê Trung Nguyên (Lê Thánh Tông)… vì ở đó có chút hoài cổ. Từ ngôi nhà rường thuần Việt, cho đến bàn ghế, cách bài trí nội thất trong những quán cà phê trên gợi cho ta nhiều kỷ niệm. Và cũng chính vì sự “gợi” này là một cách quảng bá, đánh bóng thương hiệu của các chủ tiệm cà phê ở Buôn Ma Thuột. Anh Văn Quang, bạn tôi lúc mở quán cà phê Nét Xưa nói rằng: thời toàn cầu hóa, những giá trị “người ta cần” đã qua đi nhanh chóng và trở nên mờ nhạt trong biển sóng thông tin tràn ngập. Giá trị phải thêm vào là cái người Việt cần và chỉ có nó mới tạo sức hút mới, đem lại hiệu quả kinh doanh vượt trội. Từ suy nghĩ ấy, thay vì mở một quán cà phê “thường thường” như bao quán khác, anh bạn tôi đã cất công lặn lội ra các tỉnh miền Trung mua cho được những ngôi nhà rường để vào Buôn Ma Thuột mở quán. Với sự đầu tư có ý tưởng đó, lập tức đem lại hiệu quả như mong đợi: khách đến uống cà phê ở đây ngày một nhiều hơn. Hỏi ra mới biết, nhiều người đến Nét Xưa, Không Gian Xưa hay Phố Xưa… không hẳn là vì chất lượng cà phê ngon, mà vì nhu cầu được lắng đọng trong không gian truyền thống, cổ điển. Ở góc độ khác, như thời trang chẳng hạn, nhiều nhà hàng, khách sạn hiện nay thường thấy nhân viên phục vụ mặc áo dài truyền thống nhiều hơn. Tất nhiên, điều đó cùng với chất lượng phục vụ tốt và chuyên nghiệp, thời trang rất Việt này đã góp phần tạo ra tình cảm thân thiện cho thực khách. Rõ ràng yếu tố bản sắc văn hóa Việt trong đời sống ngày nay là “vốn liếng” vô cùng quan trọng để cho nhiều người, nhiều lĩnh vực khai thác phục vụ cho mục đích phát triển.

Nói vậy, chứ khuynh hướng trở lại những giá trị truyền thống, cổ điển này, nếu không nắm chắc cốt lõi, hồn vía của nó sẽ tạo nên sự thô thiển, thậm chí rất khó chịu cho người thưởng lãm. Bởi mọi người dù cần đời sống đậm đặc bản sắc truyền thống đến đâu, cũng không có nghĩa phải tự nhốt mình vào quá khứ cổ xưa được. Tại một số nhà hàng, khách sạn ở Huế chẳng hạn, sản phẩm “Ăn cơm vua” của Công ty Du lịch Hương Giang, do quá lạm dụng, thiếu tinh tế trong việc đưa bản sắc văn hóa cung đình vào phục vụ du khách đã khiến mọi người cảm thấy mình bị biến thành những diễn viên tuồng cổ: ấy là khi ăn, thực khách phải mặc trang phục của Vương triều Nguyễn (từ vua, vương phi, hoàng hậu, hoàng tử cho đến các đại thần, cung nữ… tùy theo số lượng người tham gia) làm cho họ cảm thấy áy náy trong lòng khi được phục vụ theo kiểu “diễn tuồng” như thế. Đúng lẽ, khi muốn đưa hồn cổ vào cuộc sống đương đại, người tạo tác phải biết chọn lọc, cách điệu một cách đúng mức, ví như nghệ thuật “xức dầu thơm” vậy! Đó là làm cho mùi hương truyền thống nồng đượm của quá khứ trở nên thoang thoảng, nhẹ  nhàng… Tỉ như một ca khúc hiện đại thoáng luyến láy chút giọng dân ca mượt mà.

Tóm lại, vấn đề tạo bản sắc Việt nằm ở chỗ mỗi thế hệ đều có nghĩa vụ và sứ mạng của mình. Hoàn thành nghĩa vụ và phát huy vốn cổ truyền thống một cách trân trọng mới chỉ là một nửa. Nửa còn lại là mỗi thế hệ phải có ý thức tạo dựng những giá trị truyền thống mới cho lớp hậu sinh trên cơ sở kế thừa và phát triển của từng thời đại. Có vậy bản sắc Việt mới trường tồn. Ý thức này phải như việc làm của họa sĩ- nhà tạo mẫu Cát Tường cách đây hơn 80 năm trước, rằng: ông đã thay mặt thế hệ mình sáng tạo ra tà áo dài Việt Nam dựa trên trang phục áo “mớ ba, mớ bảy” cổ của cư dân đồng bằng Bắc bộ. Và lúc bấy giờ, những cô gái đầu tiên mặc áo dài kiểu “mô-đen” này của họa sĩ Cát Tường được nhìn nhận với con mắt “không được tôn trọng lắm” về đạo đức và phẩm hạnh (nghĩa là có sự “phản ứng”). Tuy nhiên đến bây giờ, tà áo dài ấy đã trở thành một trong những giá trị tiêu biểu cho bản sắc văn hóa Việt. Dòng chảy của cuộc sống sẽ vẫn diễn ra đúng kiểu như vậy. Thế hệ hôm nay luôn phải đặt câu hỏi: liệu có giá trị truyền thống mới nào sẽ được cô kết và sẽ được tôn vinh? Câu hỏi ấy cũng đã mở ra lối suy nghĩ khác, rằng không cứ cổ mới là bản sắc Việt.

Đình Đối
 


Ý kiến bạn đọc