Phố núi Ban Mê: Nơi hội tụ nét văn hóa các vùng miền
Bên cạnh hình ảnh những mái nhà dài truyền thống của “buôn trong lòng phố”, Ban Mê còn quyến rũ bởi những dấu tích, nét đặc trưng của sự giao thoa văn hóa các dân tộc đến từ mọi vùng miền…
Dấu tích của sự giao thoa văn hóa
Là ngôi đình đầu tiên của người Việt có mặt sớm nhất ở Dak Lak, Đình Lạc Giao từ lâu đã trở thành hình ảnh biểu trưng, là dấu tích của sự giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội đầu tiên của người Việt miền xuôi với người Êđê và các dân tộc bản địa trên cao nguyên Dak Lak.
Sử sách ghi lại rằng: Thuở ấy vào khoảng những năm 1920, có ông Phan Hộ ở tỉnh Quảng Nam rời làng vào sinh sống tại quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Rồi từ đó ông thường xuyên trao đổi, buôn bán hàng hóa với các làng trong vùng và dần dần mở rộng lên tận Tây Nguyên. Sau nhiều năm giao thương thuận lợi, thấy vùng đất này núi đồi rộng lớn, đất đai màu mỡ, giàu lòng mến khách, dễ làm ăn nên ông đã vận động hơn chục gia đình di cư lên Buôn Ma Thuột sinh cơ, lập nghiệp. Rồi cứ thế, người kéo thêm người và đến năm 1925, được sự giúp đỡ của Ama Thuột cùng người dân địa phương, ông Phan Hộ đã đứng ra thành lập làng Lạc Giao. Sau đó không lâu, đến năm 1928, ngôi đình của làng ra đời, thỏa tâm nguyện có nơi để người dân cúng tế tổ tiên, dùng làm nơi sinh hoạt chung để gặp gỡ, nhắc chuyện quê hương, làng xóm cũ.
Đình Lạc Giao ban đầu làm bằng tranh tre, sau đó trải qua những thiên biến của lịch sử, ngôi đình đã được trùng tu nhiều lần. Đến nay, diện mạo cấu trúc ngôi đình gồm có nhà thờ tự, nhà tổ với kiến trúc kiểu chữ Môn như nhiều ngôi đình khác ở miền Trung; hai nhà tả, hữu hai bên dùng làm nơi hội họp mỗi khi tế lễ, phía trước có cổng tam quan đi vào, sau cổng có bức bình phong chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn. Ngoài việc thờ Thần Hoàng Đào Duy Từ, Đình còn thờ người có công lập làng, dựng đình trong những năm đầu mở đất và những người có công với đất nước, những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cho vùng đất này.
Múa lân sư rồng mừng ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Đình Lạc Giao. |
Trong suốt chặng đường lịch sử, Đình Lạc Giao đã gắn liền với những dấu ấn lịch sử quan trọng - vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào làng Lạc Giao ngày xưa và TP. Buôn Ma Thuột hôm nay, đồng thời địa điểm này cũng là cơ sở cách mạng của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với ý nghĩa to lớn đó, ngày 2 – 3 – 1990, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đã công nhận Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Từ làng Lạc Giao ngày ấy đến TP. Buôn Ma Thuột hôm nay là một quá trình hình thành và phát triển gần một thế kỷ. Và Đình Lạc Giao đã trở thành nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa tâm linh, tế lễ, cầu quốc thái dân an trong các dịp lễ hội; là bằng chứng của mối quan hệ bang giao tốt đẹp Kinh - Thượng và là nơi giữ gìn, tiếp nối các giá trị văn hóa cũng như truyền thống cách mạng của các dân tộc anh em trong quá trình cùng nhau chung tay xây dựng vùng đất này.
Đình làng – nét văn hóa độc đáo của người Mường
Sau khi đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên để sinh cơ lập nghiệp (từ khoảng những năm 1950 đến nay), giờ đây, cuộc sống của bà con người Mường tại xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột đã ổn định và ngày càng phát triển cùng với xu thế chung của đất nước. Không những thế, họ còn luôn biết gìn giữ những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nổi bật và đặc sắc nhất là kiểu kiến trúc của những ngôi đình thờ vị Thành Hoàng của làng. Có thể nói, nơi nào có người Mường sinh sống tập trung, nơi đó có lập nên những ngôi đình. Đây không chỉ là nơi thờ cúng vị thần giữ làng, cầu mong những vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc, đình còn là nơi hằng năm bà con tổ chức các lễ hội vui xuân, mừng được mùa…; là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ của người dân, khơi nguồn, làm sống dậy những nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mình. Hiện tại, xã Hòa Thắng có trên 500 hộ dân là người Mường sống tập trung tại các thôn 1, 2, 3; họ xây dựng 8 ngôi đình với khuôn viên rộng từ 200- 400 m2/mỗi đình, nổi bật nhất là đình Thịnh Lang ở thôn 3, cách trung tâm xã khoảng 500m. Mỗi ngôi đình đều có vị chủ đình, là người có uy tín nhất làng, đứng ra chủ trì, tổ chức cúng lễ, hội họp… và ông Từ, có nhiệm vụ quét dọn và bảo quản đình.
Đình làng – nét văn hóa độc đáo của người Mường. |
Cụ Nguyễn Văn Đồng, chủ đình Thịnh Lang cho hay: “Các đình làng ở xã Hòa Thắng lần lượt được xây dựng từ năm 1975. Sau khi dựng đình thì đời sống người dân Mường không còn cảnh ly tán nữa, mọi người ổn định phát triển kinh tế dưới sự chỉ lối dẫn đường của Đảng, Nhà nước ta, và sự tận tình tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương, nên bà con rất phấn khởi làm ăn”. Đình làng là nơi tôn nghiêm, ngày thường không ai được phép bước chân vào, chỉ khi vị chủ đình cầu khấn xin phép các thần thánh mới được vào. Đình được xem là nét văn hóa độc đáo và còn giữ nguyên bản chất của người Mường trên đất Tây Nguyên này. Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, việc giữ gìn và tôn tạo nét văn hóa truyền thống này luôn được các tầng lớp con cháu của người Mường xem trọng, bên cạnh đó đồng bào các dân tộc anh em cùng sống trên địa bàn cũng luôn nhiệt tình ủng hộ, được chính quyền địa phương tạo hành lang tốt và khuyến khích gìn giữ.
Một chút trầm mặc của cố đô
Giữa lòng thành phố trẻ nhộn nhịp, với những người yêu vẻ dịu dàng của Huế sẽ dễ dàng tìm về chút cổ kính, dịu dàng của cố đô qua những quán cà phê và thưởng thức những đặc trưng ẩm thực rất Huế.
Không quá ồn ào, cũng không lặng lẽ đến mức trầm tư, quán cà phê “Không gian xưa” (87 - Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột) được thiết kế bằng những khu nhà rường cổ với dãy nhà gỗ được chạm trổ hoa văn họa tiết rất tinh xảo. Không gian thoáng mát, rộng rãi, những ngôi nhà cổ lợp mái ngói âm dương nối liền nhau, vài ba câu đối, cặp lục bình đặt trước thềm nhà, cùng với lối kiến trúc độc đáo đó là hòn non bộ, một cây cầu cong cong thơ mộng bắc ngang qua hồ cá, những cô gái thướt tha trong tà áo dài tím Huế… Đêm đến, dẫn lối vào là ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng thấp thoáng dưới những tán lá, “Không gian xưa” càng thơ mộng, ấm áp hơn bao giờ hết. Buổi tối ngồi bên trong những mái vòm của khu nhà, bên bức tường gạch, nghe điệu nhạc Trịnh nhẹ nhàng, nhâm nhi ly cà phê, một cảm giác ấm cúng và thanh tịnh thật khó tả… Quán “Huế xưa” nằm ẩn khuất trong hẻm nhỏ của đường Mai Hắc Đế, cũng mang nét kiến trúc đặc trưng của xứ Huế với những mái vòm, nghiêng nghiêng một cây cầu, không gian ngoài trời thoáng đãng với những chiếc bàn gỗ được chạm khắc. Buổi sáng có lẽ là giờ khắc đẹp nhất để đến đây, nhấp ly cà phê, nhìn những giọt sương sớm còn đọng lại nơi những chiếc lá, bàng bạc, mờ ảo… Tất cả làm nên một phong cảnh hữu tình và lãng mạn rất riêng của xứ Huế…
Cà phê Không gian xưa: Nét cố đô giữa lòng phố núi Ban Mê. |
Những người vấn vương với Huế, còn đang gìn giữ một nét Huế đậm đà giữa lòng phố núi qua các thú vui ẩm thực. Để tìm một món ăn của Huế giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột bây giờ thì cũng chẳng còn quá khó. Các tên như: Bún bò O Huế trên đường Phan Chu Trinh; Cơm hến, bún hến đường Nguyễn Tất Thành… vẫn giữ đúng vẻ đậm đà, cay cay của ẩm thực Huế và có sức “hút” với nhiều thực khách. Giữa cái se lạnh của Tây Nguyên, một lần đến với các quán ăn Huế, khó mà cưỡng lại hương vị của tô bún bò nóng hổi, mùi thơm của sả, cay nồng của ớt hay thưởng thức những con hến nhỏ, vừa béo lại vừa bùi, trộn chung với cơm, rau, đậu phụng, bánh tráng bẻ nhỏ… và ớt đỏ, sẽ khó mà quên được! Lí giải tại sao quán lúc nào cũng đắt hàng, tấp nập người khách vào ra, bà Trần Thị Kính, chủ quán ăn O Huế trên đường Phan Chu Trinh, vui vẻ cho biết: “Nguyên liệu chính (hến) phải được gửi tận từ cồn hến ở Huế vào mới đúng vị đặc trưng của Huế được. Khách đến đây chủ yếu để tìm một chút hương vị của quê nhà, thành ra mọi thứ phải làm đúng với “quy trình” ẩm thực và cách nấu truyền thống của người Huế, cộng thêm một vài bí quyết nêm nếm gia vị riêng sẽ làm nên món đặc sản độc quyền này. Hơn mười mấy năm mở quán ở Dak Lak, không riêng gì dân “mệ” mà ở đây, mười người ăn thì có đến chín người “ghiền” rồi ”.
Anh Lan Thành
Ý kiến bạn đọc