Multimedia Đọc Báo in

Rồng trong văn hóa Việt

11:05, 18/01/2012

Rồng (từ Hán Việt là Long) là con vật không có thật trong tự nhiên theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt: Rồng: Động vật tưởng tượng theo truyền thuyết, mình dài, có vẩy, có chân, biết bay, được coi là cao quý nhất trong các loài vật… Với người Việt Nam từ hàng nghìn năm nay, rồng đã trở thành biểu tượng của nguồn cội, của văn hóa, tâm linh đặc sắc. Từ mối tình huyền sử Lạc Long Quân - Âu Cơ, người Việt ai cũng tự hào về nguồn gốc con Rồng, cháu Tiên của mình. Vì thế trong tâm thức người Việt, hình tượng con rồng luôn đại diện cho những điều linh thiêng cao quí, là linh vật đứng đầu tứ linh “Long - Ly - Quy - Phụng”. Hình ảnh, dáng dấp con rồng luôn có mặt ở mọi nơi, mọi chốn từ cung vua, phủ chúa đến những nơi thờ phụng thôn dã như đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ, văn bia, bình phong, hoành phi, trướng liễn, chuôi dao, đốc kiếm…

Trong xã hội phong kiến, rồng là biểu tượng uy quyền tuyệt đối của nhà vua, mọi thứ liên quan đến vua đều gắn với hình tượng rồng như: bệ rồng, sân rồng, thuyền rồng, long nhan, long bào, long sàng, long hài, long xa… Chẳng thế mà có người từng mơ ước “Một lần tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn chín kiếp ở trong thuyền chài”. Điều khác biệt là các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn ở nước ta đều tạo nên hình tượng con rồng khác nhau, với những nét riêng vừa khẳng định uy quyền đồng thời là khát vọng vươn lên của triều đại mình. Có thể nói không ngoa, cung điện, đền đài, lăng tẩm hay đồ dùng của vua chúa là nơi trú ngụ của “thế giới” loài rồng. Đơn cử như ở cố đô Huế, rồng hầu như có mặt khắp nơi, ở điện Thái Hòa sừng sững hai con rồng chầu mặt trời (lưỡng long triều nhật), trên mái Phu Văn Lâu thì có hai con rồng chầu mặt trăng (lưỡng long triều nguyệt), trên trần Lăng Khải Định thì có 9 con rồng vờn mây (cửu long ẩn vân), trước cửa Trường Quốc học thì có bức bình phong “long mã”…

Rồng trên ấn Triều Nguyễn
Rồng trên ấn Triều Nguyễn

Còn trong dân gian, hình tượng con rồng không chỉ là linh vật trang trí thờ phụng, mà hóa thân gắn bó sống động hơn trên mọi mặt của cuộc sống thường nhật. Người nông dân quanh năm lam lũ ruộng đồng thì truyền đời kinh nghiệm rất thiết thực từ hiện tượng thiên nhiên “Rồng đen lấy nước được mùa/ Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày”. Nam thanh, nữ tú gặp nhau tình yêu nảy nở “Bây giờ mới gặp này đây/ Như cá gặp nước, như mây gặp rồng”. Trẻ con thì nối tay nhau chơi trò rồng rắn những đêm trăng sáng hát vang bài đồng dao “Rồng rắn lên mây/Có cây lúc lắc/ Có nhà hiển vinh…”., vào dịp hội hè, lễ, tết thì nhộn dịp tổ chức múa lân sư rồng.  Giới phụ nữ thì tâm tình khuyên bảo nhau giữ hạnh phúc gia đình “Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng/Tuy rằng tốt đẹp nhưng chồng người ta”, hay “Có chồng thì phải theo chồng/ Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo”. Chê bai những người nói hay làm dở thì đã có “Ăn như rồng cuốn/ nói như rồng leo/ làm như mèo mửa”… Giới chơi bon-sai cây kiểng thì lao tâm, khổ tứ tìm uốn cho được những thế cây Long giáng, Rồng chầu, Long thăng, Phụng vỹ long đầu… Có thể nói, hình ảnh con Rồng đồng hành cùng người Việt ta từ lúc tuổi thơ cho đến ngày đầu bạc thân thiết gần gũi, nhưng cũng linh thiêng tôn quý vô cùng. Sống thì mong chọn được thế đất “rồng chầu, hổ phục” để dựng nhà, dựng cửa, chết thì mơ tìm được huyệt đất “mã táng hàm rồng”.

Đặc biệt hơn, hình tượng con rồng không chỉ gắn bó với con người qua mỹ thuật trang trí, ý niệm văn hóa tâm linh mà còn hóa thân thành những địa danh sông, núi, làng, xã…Mỗi cái tên lại gắn liền với một câu chuyện truyền thuyết, lịch sử, văn hóa rất đẹp của dân tộc ta; như: Thăng Long, gắn với sự tích khi dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, vua Lý Thái Tổ thấy rồng vàng bay lên nên đổi tên là Thăng Long. Hay Vịnh Hạ Long hiện nay là di sản thiên nhiên thế giới thì gắn với huyền tích rồng mẹ cùng 99 rồng con xuống tắm hóa đá thành Vịnh Hạ Long, một con tách ra xa nhưng vẫn cúi đầu về rồng mẹ thành Bái Tử Long.
Và có thể kể ra hàng trăm địa danh trên đất nước ta mang biểu tượng con Rồng như: Cửu Long giang, núi Hàm Rồng (Gia Lai), cầu Thăng Long, Long Biên (Hà Nội), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Bến Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh)…. Ở Huế, trong trận lụt lịch sử năm 2000, có một làng quê ở cửa biển Thuận An bị nước cuốn trôi ra biển, hàng chục người mất tích. Sau lũ, được sự giúp đỡ của quân đội và nhân dân cả nước, một làng mới được lập nên trong tang thương mất mát. Đồng chí Lê Khả Phiêu lúc đó là Tổng Bí thư đã về thăm và đặt tên cho làng là “Làng Rồng” để kỷ niệm cơn lũ năm Thìn (2000), đồng thời mong làng sớm trở thành rồng bay lên như tâm niệm của người Việt. Làng Rồng (Huế) có lẽ là địa danh mang biểu tượng con rồng non trẻ nhất ở nước ta hiện nay.

Tết năm Thìn, nâng chén rượu xuân, dông dài chuyện con rồng để hiểu thêm con rồng Việt. Ngàn đời nay, đó không chỉ là biểu tượng văn hóa tâm linh đặc sắc trường tồn trong tâm thức người Việt, mà còn là ý nguyện, là  khát vọng vươn cao vươn xa của đất nước trong tư thế “Rồng bay lên”.

Ngô Minh Thuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.