Multimedia Đọc Báo in

Vang tiếng khèn Mông trên cao nguyên

20:38, 27/01/2012

Theo dấu chân di cư, tiếng khèn của người Mông đang hiện diện trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này. Cứ mỗi độ xuân về, tiếng khèn cùng những điệu múa uyển chuyển là một thứ ngôn ngữ tình yêu độc đáo của dân tộc Mông, khiến ai đã từng một lần được lắng nghe sẽ nhớ mãi.

Một mùa Xuân mới nữa đang đến với bà con dân tộc Mông, đây là lúc tiếng khèn được cất lên, vang vọng khắp núi rừng. Từ xa xưa, người Mông đã dùng tiếng khèn để thổ lộ tâm tư tình cảm, làm cầu nối trong những buổi đầu gặp gỡ. Tết đến, trên khắp các bản làng, người Mông thường mở các lễ hội để những chàng trai, cô gái xúng xính trong bộ quần áo màu sắc sặc sỡ cùng nhau đi hội xuân. Đây cũng là dịp các chàng trai Mông biểu lộ tiếng lòng của mình với người con gái mình “thầm yêu trộm nhớ” qua tiếng khèn du dương, là cơ hội để trai gái trao gửi tâm tình giữa khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên tươi đẹp. Tiếng khèn là nét đẹp văn hóa của người Mông. Theo tương truyền, “tiếng khèn Mông muốn gọi gió, gió phải về, muốn gọi mưa, mưa phải tới. Vua trên trời nghe khèn Mông vang lên cũng phải mở cửa nhìn xuống hạ giới”. Khèn còn gọi được cả chim rừng bay về làm tổ, gọi được hoa đào nở hồng cả cánh rừng, hoa mận nở trắng trời Tây Bắc… Huyền thoại chiếc khèn người Mông cũng là câu chuyện tình yêu thủy chung, son sắt của chàng trai nghèo khổ tên là Trâu Trua với cô gái xinh đẹp con nhà khá giả. Trâu Trua vốn là một chàng trai mồ côi cả cha lẫn mẹ. Gia sản người bố để lại cho chàng chỉ là một chiếc khèn rất đỗi bình thường. Nhưng nhờ cây khèn gia truyền này và cái tài thổi khèn hay, nên dù nghèo khó nhưng chàng vẫn có được người vợ xinh đẹp. Sau khi có vợ, chàng Trâu Trua mải mê tìm thầy giỏi để học khèn nên người vợ xinh đẹp của chàng bị tên vua bạo ngược bắt đi. Tuy nhiên, may nhờ chàng biết giữ gìn vật quý gia truyền, được trời đất phù hộ, dân làng yêu mến nên ít lâu sau, tên vua bạo ngược bị lật đổ, Trâu Trua lên ngôi vua và hưởng hạnh phúc trọn đời bên người vợ xinh đẹp.

Trên mảnh đất Dak Lak có 41 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc lại mang đến cho mảnh đất này một nét văn hóa mang bản sắc riêng. Cũng giống như bao dân tộc khác, dù xa quê hương, đi xây dựng cuộc sống mới nhưng mỗi khi Tết đến Xuân về, đồng bào dân tộc Mông lại bồi hồi nhớ tiếng khèn, nhớ quê hương. Tiếng khèn dường như đã thấm vào máu thịt của người Mông, nó không chỉ góp vui trong đám cưới, trong ngày lễ tết, mà còn là lời tỏ tình sâu sắc của chàng trai với cô gái. Khi lễ hội mùa xuân được tổ chức, các chàng trai, cô gái Mông quây quần trên bãi cỏ hay bãi đất bằng phẳng để thể hiện sự uyển chuyển, tinh tế trong từng điệu khèn.

Tiếng khèn là cơ hội để các chàng trai người Mông thổ lộ tâm tư tình cảm với người con gái mình yêu
Tiếng khèn là cơ hội để các chàng trai người Mông thổ lộ tâm tư tình cảm với người con gái mình yêu

Một ngày cuối năm, tìm về bản làng của người Mông trên cổng trời Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện cùng già làng Lò Chính Bao (70 tuổi). Ông là người dường như đã dành cả cuộc đời cho chế tác khèn và sưu tầm những điệu khèn truyền thống của dân tộc mình. Thuở nhỏ, trong một lần tình cờ được xem thanh niên trai tráng trong làng biểu diễn những động tác uyển chuyển với chiếc khèn, già như bị hút hồn cùng tiếng khèn da diết. Để thể hiện niềm đam mê và mong muốn giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình, già đã lặn lội khắp các buôn xa, làng gần để tìm học tiếng khèn gọi bạn tình mùa xuân. Hồi ấy, cứ nghe ở đâu tổ chức lễ hội xuân, ở đâu có các hoạt động văn nghệ của người Mông là già lại tìm tới. Những lễ hội xuân trên quê hương đã giúp già thuộc rất nhiều bài khèn với lời ca mộc mạc, dân dã, lôi cuốn lòng người. Già cho biết: Tiếng khèn đối với người Mông dường như có một sức mạnh diệu kỳ. Họ dùng tiếng khèn để biểu lộ tâm tư, tình cảm của mình, giúp họ quên đi bao vất vả, lo toan của cuộc sống đời thường, đắm mình trong những dòng âm thanh đầy sức quyến rũ để hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Lấy cây khèn do chính tay mình làm, già giới thiệu với khách về cấu tạo của chiếc khèn. Nhìn bề ngoài thì trông chiếc khèn được làm khá đơn giản. Thân khèn làm từ 6 ống trúc ghép lại, bó bằng đai rễ cây và xuyên qua bầu gỗ hình bắp chuối làm hộp cộng hưởng. Các ống trúc được ghép thành từng đôi từ nhỏ đến lớn, từ dài đến ngắn theo âm cao thấp. Trong mỗi ống trúc có gắn “lá mía” (làm bằng lá đồng mỏng) để phát ra âm thanh. Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc rất nhiều vào việc chỉnh các lá đồng. Tuy nhiên, bên trong tiếng khèn còn chứa đựng rất nhiều điều lý thú mà chỉ những ai đam mê thực sự với nó mới phát hiện ra. Có những động tác vừa thổi khèn, vừa thể hiện những điệu nhảy tinh tế, đòi hỏi người thổi phải bỏ công sức, thời gian để mày mò, nghiên cứu đến khi đạt được thì có cảm giác như đang thăng hoa, bay bổng.

Thế Hùng

 

 


Ý kiến bạn đọc