07:09, 19/02/2012
Bali, hòn đảo du lịch nổi tiếng của đất nước nghìn đảo Indonesia, có dáng hình như một con cá sấu khổng lồ, cuộn tròn đuôi nằm yên trên biển.
Khu vực trung tâm Bali hoặc quận Kuta rất đông đúc và vô cùng sầm uất nhưng đường phố lại rất hẹp (mặc dù mặt đường rải nhựa khá tốt), không có nhà cao tầng. Dù có xây mới, công sở nào, nhà nào cũng cố gìn giữ cho mình một chút kiến trúc mang phong cách đền đài, không ở vòm mái thì cũng là những cánh cửa gỗ chạm trổ rất cầu kỳ, hoặc những đường hoa văn đặc trưng được vẽ hay đắp nổi, linh vật Barông cuốn vải caro đen trắng ngự ngay cửa ra vào …
 |
Đảo Bali. Ảnh: T.L |
Điểm đầu tiên chinh phục được những kẻ ưa tò mò là Bảo tàng Bali Gedungkaragasem được nhà vua Indonesia xây dựng từ năm 1910. Có thể thấy ở đây tất cả lịch sử phát triển của hòn đảo xanh xinh đẹp này, các sắc tộc lẫn văn hóa bản địa. Từ trang phục các tộc người, nghề thủ công đa dạng, bộ sưu tập nhạc cụ có một vài thứ tựa như goong rêng của Tây Nguyên, tín ngưỡng cổ xưa, mỹ thuật dân gian và hiện đại, sân khấu múa linh vật Barông cổ (một con vật thiêng hình dạng như kỳ lân được thờ ở khắp nơi) có từ thời vua Tabanan… Ba căn nhà trưng bày đều là kiến trúc nguyên gốc của ba vùng trên đảo mang về dựng lại, trong đó có một ngôi nhà đến từ phía Bắc, các đòn tay chụm tròn trên đỉnh nóc rất giống kiến trúc nhà gươl của tộc người Cơ Tu ở Việt Nam… Nâng từng bước chân du khách dạo quanh bảo tàng là hương hoa ngọc lan và dìu dịu âm thanh của đàn tre nứa hay cồng chiêng dân gian Indo, mà rất nhiều đường nét tương tự như dân ca Êđê, hay dân ca Jrai. Đặc biệt là rất nhiều tượng, quái thú, thần linh, con người từ trẻ đến già, nam nữ bằng đá xanh hay gốm đã bạc phếch hoặc nhuốm màu rêu, đủ mọi gương mặt buồn vui, tức giận; mọi hình dạng đứng, ngồi, nằm, quỳ. Tường bảo tàng dày đặc phù điêu ghép đá, kể những câu chuyện chiến tranh, cuộc sống cổ xưa của một miền đất. Những chiếc quan tài bằng đá dày cả gang tay được đục đẽo rất kỳ công, mô hình hàng trăm ngọn tháp đá của khu đền Hinđu Prabana ở đảo Yogyakarta và đền Bo Rubađur của Phật giáo ở đảo Jawa Tengah nguy nga, đồ sộ, hoành tráng không kém gì đền Ăngkor của Campuchia.
Bên cạnh bảo tàng là ngôi đền Jagatnatha, xây dựng từ năm 1872, mới được trùng tu năm 2011. Đang là ngày lễ “Sujan Bali” nên ngôi đền và tượng đều được quấn vải vàng để bày tỏ lòng kính trọng (thay cho khăn caro đen trắng bọc tượng hôm qua). Ngày thứ nhất là cúng các linh hồn, ngày thứ hai là nấu nướng các món ăn Bali rồi mang lên đền. Các chị, các bà mặc áo và xà rông đẹp, thắt lưng vải các màu, đầu đội quả, đi từng tốp lên đền, thật uyển chuyển và duyên dáng như phụ nữ Chăm đội nước.
Bali có hai tôn giáo chính là đạo Hinđu và Phật giáo, nhưng đạo Hinđu phát triển hơn. Cả đảo có hơn 2.000 ngôi đền lớn nhỏ. Ở những ngôi đền thiêng như Pura Taman Ayun, nơi có các ngôi tháp gỗ cao từ 3-11 tầng lợp cọ cất giữ di cốt của Hoàng gia, khách chỉ được đi vòng quanh chụp ảnh, chứ không được
vào nơi “Thánh địa”. Du khách muốn vào tham quan, nếu mặc quần hoặc váy quá ngắn, sẽ được phát một chiếc xà rông, hoặc đơn giản là một tấm vải quấn ngang hông như thắt lưng để bày tỏ sự kính trọng. Hai ngôi đền đẹp nhất, hùng vĩ nhất của Bali là Tanaloc và Ulawatu đều nằm chênh vênh trên vách đá, cách mặt nước tới vài chục mét. Khi hoàng hôn nhuộm ánh vàng mặt biển, rợp trời hàng ngàn con chim yến ríu rít kéo nhau về vách đá. Bầy khỉ cũng nườm nượp con lớn dắt con bé, khỉ mẹ bồng khỉ con nhỏ xiu xíu, tụ tập quanh những con đầu đàn, tha hồ cho du khách chụp ảnh.
Tại một xưởng dệt vải truyền thống, khách được chứng kiến những tấm vải tuyệt đẹp dài dần trên khung cửi từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thích thì chọn lựa mua khăn, áo, gối, trải bàn cao cấp… ngay tại cửa hàng liền kề, hoặc mua ngay tại chỗ một tấm áo thun trắng giá rẻ để được các nghệ nhân trổ tài thao tác vẽ bằng sáp những hình tự chọn (vũ nữ, cây dừa, con Barông…) làm kỷ niệm. Khung dệt cổ trình bày ở Bảo tàng giống với khung dệt của dân tộc Tây Nguyên (riêng xa quay chỉ thì khác), nhưng khung dệt tại điểm tham quan này lại giống với khung cửi của người Thái, Thổ ở Việt Nam. Nghệ thuật vẽ sáp trên vải thì tương tự với vẽ sáp của người Mông ở nước ta.
Dưới chân núi lửa Ba Tur (đếm trên bản đồ, Bali có tới 15 núi lửa), qua hồ nước rộng mênh mông là Terun Yan, một khu mộ thiên có một không hai: người chết không chôn trong quan tài mà được đặt trong những chiếc lồng tre cùng với của cải được chia, ngay trên mặt đất. Sau một thời gian thân thể rữa nát, người ta nhặt lấy đầu lâu xếp thành hàng trên vách núi, dưới bóng cây cổ thụ, còn xương thì cứ để vương vãi quanh đó. Một tấm bia đá ghi lại lời của vị tộc trưởng từ xa xưa, rằng “Chúng ta ai rồi cũng sẽ chết. Bởi thế nên đừng quá tự mãn, đừng quá ngạo mạn, và đừng quá kiêu căng. Những điều này rất quan trọng đối với con người. Nơi này nhắc nhở chúng ta khi nhận ra rằng sẽ phải chết, sẽ sống tốt hơn”; tự nhiên bỗng thấy tục chôn cất này chẳng có gì là kỳ quái nữa.
Miền đất này có nhiều sự tương đồng với văn hóa tộc người Êđê của chúng ta, nhất là cùng ngữ hệ Nam đảo. Tiếng Bali cổ có nhiều từ có thể so sánh được, như mẹ : tiếng Bali là mê mê, tiếng Êđê là amí; số đếm như : sa du, sơ – sa ( 1), tu – dua (2), tlu – tlâo ( 3). Kỹ thuật điêu khắc của Bali rất phát triển. Khắp nơi ngổn ngang những tượng là tượng. Ngoài tượng những con Barông, tượng nguyên khối đá, tượng ghép từng mảnh nhỏ thành tấm phù điệu lớn, gỗ và đá la liệt khắp nơi. Tượng gỗ không khác gì tượng mồ của Tây Nguyên . Chúng tôi bắt gặp một vũ điệu dân gian cổ cạnh bên ngôi đền gần bảo tàng. Những ánh mắt lúng liếng, các ngón tay hết co chụm lại xòe duỗi, cặp mông cong như trong múa dân gian của tộc người M’nông. Hình thể có thể khác về sự cao thấp, mập ốm; tuổi tác có thể lớn nhỏ, xinh đẹp khác nhau, nhưng sự say sưa thì lồ lộ trong mọi gương mặt các vũ công. Gió lồng lộng bên tượng đài, như muốn nâng đôi cánh tay các cô gái bay bổng lên trong nắng vàng ấm áp và sự ngưỡng mộ của du khách.
Tại một sân khấu kịch Barông và skitr, du khách được xem một vở hài kịch với các motiv quen thuộc của tâm linh Ấn độ giáo: những nhân vật cô gái đẹp, hoàng tử, người hầu, quái thú, phù thủy… diễn bằng tiếng Bali, xen đôi câu chọc cười bằng tiếng Anh. Dàn nhạc đệm cho kịch gồm 14 dàn “đàn chuông” (có thể coi như đàn Xilaphon) lớn nhỏ, mỗi đàn có 5 thanh đồng gắn vào một giá thấp, phải ngồi để diễn tấu bằng một cặp búa kim loại có đầu tù, đầu nhọn; âm thanh lanh canh hòa cùng tiếng trầm ấm của bộ ching núm 3 chiếc lớn nhỏ (thành ching rất cao, rất dày so với ching Tây Nguyên), một trống da bò nhỏ và một chiếc sáo dọc lớn, âm thanh trầm, nỉ non (tựa như tiếng sáo Mông thổn thức của cố nghệ sĩ Lương Kim Vĩnh – Lào Cai ). Hòa âm của tiếng kim – mộc – thổ tạo nên một không gian lễ hội cho một sân khấu đầy màu sắc rực rỡ. Cạnh dàn xilaphon là Gran tan, loại đàn bằng nứa, một đầu vạt nhọn tương tự như ống đàn t’rưng, mỗi chiếc có 11 ống lớn xếp sát cạnh nhau trên một giá vuông bằng sắt thấp, Người chơi cũng phải ngồi, dùng dùi là hai thanh sắt tròn nhỏ, gắn mỗi đầu một miếng cao su tròn. Giai điệu các bài do nhạc công diễn tấu lúc thì có điệu thức trưởng tương tự như dân ca Êđê, lúc lại có các quãng nửa cung quen thuộc của dân nhạc Jrai.
Trọn ba ngày với tiếng sóng vỗ dào dạt tứ bề của biển Bali, chưa thể đến được hết những địa điểm nổi tiếng hấp dẫn từ lâu của Indonesia, nhưng cũng đủ để hiểu đôi chút, học được đôi điều về “sản phẩm du lịch” của một “miền đất hái ra tiền” vô cùng gần gũi với văn hóa Tây Nguyên.
H’Linh Niê
Ý kiến bạn đọc