Đến với Văn hóa Việt Bắc giữa lòng Tây Nguyên
“Đến hẹn lại lên”, cứ vào dịp rằm tháng Giêng, bà con trong tỉnh lại kéo nhau về xã Ea Tam (Krông Năng) để tham dự Lễ hội Dân gian Văn hóa Việt Bắc. Với 81% dân số là người dân tộc Tày, Nùng (gần 9.000 người), Ea Tam được mệnh danh là Việt Bắc thu nhỏ trên vùng đất Tây Nguyên, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.
Nghi lễ cúng mời trong Lễ hội Nàng Hai. |
Thanh niên trong xã chính là lực lượng nòng cốt tổ chức Lễ hội. Trước đó (13 tháng Giêng) đã diễn ra Hội trại “Thanh niên Ea Tam với văn hóa cội nguồn”. Chi đoàn của 15 thôn, buôn trong xã đã dựng trại với những cái tên ấn tượng như Cội nguồn, Hướng nguồn, Ngày Hội tụ… và phong cách trang trí mang đậm bản sắc vùng Việt Bắc từ thổ cẩm, trái còn màu sắc rực rỡ đến những màu chàm chủ đạo như trang phục người Tày, Nùng. Đêm lửa trại thật da diết bởi những làn điệu dân ca và rộn ràng trong nhịp múa sạp của những nam thanh, nữ tú trong vùng. Triệu Thị Lồng ở chi đoàn thôn Tam Thịnh vui vẻ nói: “Lễ hội đã giúp cho chúng em - thế hệ trẻ sinh ra trên quê hương mới hiểu biết thêm nhiều về văn hóa đặc sắc của dân tộc mình…”.
Trong hai đêm lễ hội tiếp theo vào ngày 14 và 15, bà con cùng du khách thưởng thức những tiết mục văn nghệ dân gian với múa, hát dân ca, hát Then, đàn Tính, khèn… mang đậm bản sắc các dân tộc Việt Bắc được trình diễn bởi các nghệ nhân của 6 đoàn nghệ thuật không chuyên đến từ các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pak, Ea H’leo và chủ nhà Krông Năng. Những điệu hát, tiếng đàn vương vít giữa không gian bao la như mang cả hội Xuân xứ Lạng tràn về giữa đất trời Tây Nguyên mênh mang dưới ánh trăng vàng Nguyên tiêu khiến lòng những người con xa quê ấm lại.
Cụ bà Nông Thị Xùm (70 tuổi) dân tộc Tày vào lập nghiệp tại thôn Tam Phương, xã Ea Tam từ năm 1999 đến nay chưa có dịp về thăm quê nên 3 lần tổ chức Lễ hội cụ đều có mặt. Cụ Xùm xúc động: “Cảm ơn chính quyền đã quan tâm đến đời sống tinh thần của bà con dân tộc mình, để những người dân được sống lại không khí lễ hội ngày Xuân quê hương”. Bà đã từng tham gia rất nhiều Lễ hội hồi còn ở quê cũ nhưng chưa bao giờ thấy đông vui và nhiều nghi lễ, trò chơi được tổ chức cùng một dịp như ở đây…
Quả thật, Lễ hội rất phong phú về hình thức, thể loại: có đến 2 nghi lễ, 5 hội thi và hàng chục trò chơi dân gian đặc sắc của các dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông được chọn lọc đưa vào tổ chức. Ở phần Lễ, ngoài Lễ hội Nàng Hai còn có Lễ cúng cầu mùa. Phần Hội thi thì có Đua bè, Bắt vịt, Lợn quay, Tung Còn; ẩm thực. Trò chơi dân gian như kéo co, đi cà kheo, đẩy gậy… thu hút đông đảo người tham gia và cổ vũ. Cùng với lễ hội còn có phiên chợ tình yêu mà mọi người vẫn gọi tắt là Chợ tình- nơi để trai gái trong vùng gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu tình cảm, và đã có khá nhiều cặp trai gái nên duyên chồng vợ qua những phiên chợ ngày Xuân như thế. Để rồi họ lại hẹn ước cùng nhau:
“Yêu nhau nói thật lòng mình
Nhớ nhau thì đến chợ tình Ea Tam”…
Trong chợ tình không thể thiếu Hội Tung Còn. Những quả Còn được khâu bằng vải, bên trong có các hạt giống như thóc, ngô, đậu… nén chặt, ngoài có tua nhiều màu sắc, được người chơi thi nhau ném lên vòng tròn, liệng bay như những con chim én giữa vùng trời cao nguyên lộng gió. Người tung Còn, người hò reo, cổ vũ khiến không khí cuộc chơi vô cùng sôi nổi, hấp dẫn. Theo quan niệm của người Tày, Nùng, ai ném quả còn trúng tâm sẽ là người gặp nhiều may mắn nhất trong năm. Trước khi khép hội, thầy mo rạch quả Còn thiêng (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may... Tung Còn là trò chơi không chỉ thu hút nam nữ thanh niên mà cả nhiều người lớn tuổi, vì ngoài hình thức vui chơi, giao duyên nó còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong âm – dương giao hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở…
Đua bè trên hồ Ea Tam. |
Với lợi thế có mặt hồ Ea Tam rộng lớn nằm ngay trung tâm xã nên Hội thi Đua bè , Hội thi Bắt vịt diễn ra sôi động. Hội thi bắt nguồn từ quan niệm: Ngày xưa người Tày thường ở ven các sông, suối nên để chuyển chở nông sản, hàng hóa, đi lại thăm nhau trong mùa nước lớn người dân đã nghĩ ra cách dùng các cây tre kết lại với nhau làm thành chiếc bè để qua sông. Bè là phương tiện phù hợp với địa hình vùng sơn cước trong cuộc sống thường nhật của người dân. Chính vì vậy, mà từ xa xưa trong cộng đồng người Tày đã có hội “Xéng pè khảm hải” có nghĩa “Đua thuyền vượt biển” để tái hiện lại việc vượt thác ghềnh, nước dữ của của tổ tiên trong quá trình chinh phục, chế ngự thiên nhiên, thể hiện ý chí vượt qua khó khăn tìm ra “vùng đất hứa” cho thôn bản. Ông Nguyễn Đại Hà cho biết: hội đua bè là một hoạt động văn hóa mang đậm nét dân gian, thông qua đó nhân dân thể hiện tinh thần đoàn kết, mưu trí sáng tạo, rèn luyện sức khỏe, hòa đồng với thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường. Tất cả các thôn trong xã đều có đội thi, không chỉ riêng đồng bào dân tộc Tày, Nùng mà cả người Kinh, người Ê đê… cũng tham gia.
Hội thi ẩm thực với những món ăn đặc trưng như: bánh tro, bánh trời, bánh dày… cũng là một trong những khu vực thu hút đông đảo người xem, thưởng thức, nhưng hấp dẫn, sôi động nhất là Hội thi Quay lợn. Mỗi thôn chọn một con lợn sữa khoảng 20 - 30kg làm món lợn quay lá Mác Mật một đặc sản nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực của người dân Việt Bắc. Những con lợn quay vàng rộm tỏa mùi thơm quyến rũ của lá Mác Mật khiến ai cũng muốn một lần được nếm thử…
Với những hoạt động đa sắc màu văn hóa đó, Lễ hội Dân gian Văn hóa Việt Bắc xã Ea Tam đã góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số phía Bắc đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của bà con. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao lành mạnh được đưa vào lễ hội góp phần tạo dựng diện mạo đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phong phú, làm nền tảng cho việc thu hút, phát triển Văn hóa - Du lịch ở địa phương.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc