Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2012: Quảng bá tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương
Một trong những hoạt động quan trọng của chương trình giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012 (tổ chức từ ngày 5 đến 10-3 ÂL, tức từ 26 đến 31-3 tại khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP. Việt Trì (Phú Thọ) và các xã, phường vùng ven) là tuyên truyền, quảng bá cho hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương”để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trẩy hội Đền Hùng. |
Từ hàng nghìn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất rộng, không chỉ duy trì ở các làng, xã thuộc tỉnh Phú Thọ còn có rất nhiều đình, đền, miếu... thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời các vua Hùng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, cả nước có đến 1.417 địa điểm có tục thờ Hùng Vương hoặc vợ con, tướng lĩnh dưới thời vua Hùng, trong đó, các di tích thờ cúng Hùng Vương tập trung tại Phú Thọ (326 di tích); tỉnh Hà Tây cũ (364 di tích), Hà Nội (161 di tích), Bắc Ninh (168 di tích), Vĩnh Phúc (62 di tích), TP. Hồ Chí Minh (14 di tích)...
Bắt nguồn từ ý thức thờ cúng tổ tiên của người Việt, tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã xây dựng nên hệ ý thức Việt Nam về biểu tượng cội nguồn, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, trường tồn cùng thời gian.
Tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – hội tụ văn hóa tâm linh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam” do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức trong ngày khai hội đền Hùng, một lần nữa, các nhà khoa học khẳng định giá trị độc đáo, sức sống mãnh liệt, bản sắc văn hóa dân tộc của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Các tham luận tại tọa đàm xoay quanh các nội dung chính như: giá trị đặc sắc của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, vấn đề bảo tồn, mối quan hệ giữa vai trò quản lý của Nhà nước với việc tăng cường sự tham gia, làm chủ của người dân trong thực hành nghi lễ… Tọa đàm lần này cũng nhằm góp phần hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có việc làm rõ vai trò của cộng đồng trong thực hành nghi lễ. Các đại biểu cũng xem xét sự gắn kết giữa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với các tín ngưỡng thờ phụng khác bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, như: thờ các hiện tượng tự nhiên liên quan đến nền nông nghiệp lúa nước, quan niệm tín ngưỡng cổ xưa trong quá trình dựng nước và giữ nước mà người dân sáng tạo ra, lưu truyền và thực hiện trong đời sống… Bên cạnh đó, làm thế nào để tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương không bị biến tướng, pha tạp nhiều yếu tố cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Để khắc phục tình trạng này, theo các đại biểu, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để người dân hiểu được bản chất, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Hùng Vương, giúp họ phân biệt được tín ngưỡng này với những tín ngưỡng hay tôn giáo khác. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng tín ngưỡng thờ Hùng Vương là hiện tượng xuyên thời đại và triều đại nên xu hướng Nhà nước hóa là điều đáng ngại, cần tăng cường vai trò chủ thể của người dân trong nghi lễ dân gian này. Giải pháp cho tình trạng này là Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện để phục hồi các lễ hội trên địa bàn Phú Thọ gắn liền hoặc kết hợp với tín ngưỡng Hùng Vương. Bên cạnh đó, vào những năm lẻ, nên để cộng đồng làm chủ thể thực hiện lễ hội, còn Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt an ninh trật tự và quảng bá tín ngưỡng, lễ hội
Được biết, sau khi được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay Ban Xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương đã tổ chức 5 hội nghị với Ban Chỉ đạo, các chuyên gia của Hội đồng Di sản quốc gia và các nhà khoa học nhằm thông qua đề cương chi tiết của hồ sơ. Ban Xây dựng hồ sơ cũng đã tiến hành hai đợt kiểm kê di sản “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” theo hướng dẫn của UNESCO tại 226 di tích thuộc 106 xã trên địa bàn 13 huyện, thành, thị; thực hiện ghi hình, chụp ảnh tư liệu sưu tầm tại 226 địa điểm thờ Hùng Vương; mua tư liệu ảnh, làm sách “Tuyển tập các công trình nghiên cứu về Hùng Vương”; điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng thờ Hùng Vương, đồng thời bảo đảm hồ sơ gửi UNESCO theo đúng tiến độ. Bên cạnh đó, hội thảo quốc tế “Tín ngưỡng thờ tổ tiên trong xã hội đương đại - Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Việt Nam” với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ được tổ chức trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2011 đã khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta, trong đó tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2012 có nhiều nét mới. Trong phần Lễ, ngoài lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, còn có lễ rước kiệu của 6 xã vùng ven về Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày 8-3 ÂL (tức ngày 29-3), có sự tham gia của các đoàn Ngoại giao, đại diện UNESCO tại Việt Nam và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Các hoạt động phần Hội gắn với chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2012 của 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; vinh danh di sản hát xoan Phú Thọ mới được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp... Trong đó có nhiều hoạt động giàu ý nghĩa như: Liên hoan Hát xoan và dân ca Phú Thọ; đánh trống đồng, đâm đuống, múa sư tử; Đêm thơ nhạc về cội nguồn; Triển lãm ảnh “Các di tích thờ Hùng Vương”; Trưng bày ấn phẩm văn học nghệ thuật “Các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay”; giao lưu dân ca các vùng, miền; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bành giầy; hội thi bơi chải truyền thống…
H.T (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc