Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2012: Hoành tráng và nhiều ấn tượng

08:41, 26/03/2012

Được thực hiện khá công phu, kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị đến khâu tổ chức, Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2012 diễn ra trong 3 ngày (từ 24 đến 26-3) với nhiều nội dung phong phú, ấn tượng. Mở đầu là một loạt hoạt động mang tính lễ nghi: lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi trước khi vào hội với âm vang chiêng cồng gọi thần linh, bạn bè đến dự. Vòng xoang mở ra, thu hút mọi người cùng tham gia: không phân biệt chủ - khách, cùng nhảy múa, cùng nhau uống rượu cần.

Đông đảo khán giả cổ vũ nhiệt tình cho các chú voi đua tài.

Đêm khai mạc diễn ra trong không khí lung linh, huyền ảo. Các chàng trai, cô gái như những chàng Dam San, Xinh Nhã, nàng H’Bih, H’Nhi bước ra từ huyền thoại cùng tấu lên những khúc nhạc rộn rã, những điệu múa làm say đắm lòng người. Hoạt cảnh Dam San đi tìm Nữ thần Mặt trời là câu chuyện dẫn dắt đưa mọi người về lại thời hoang sơ, ẩn chứa những bí mật của đại ngàn, những khát vọng cháy bỏng chinh phục thiên nhiên. Kết thúc hoạt cảnh, giữa mênh mông của khoảng không đêm tối, lửa bỗng bùng lên rực rỡ, giọng trầm ấm của già làng vang vọng: “Ơ Giàng trời, Giàng đất, Giàng núi, Giàng sông! Ơ Giàng bên đông, Giàng bên tây! Hôm nay buôn làng làm lễ ăn trâu để mừng buôn làng ta được thoát khỏi cảnh đói nghèo, tăm tối và chuẩn bị bước vào mùa rẫy mới… Hỡi buôn làng, lũ con trai, con gái hãy đem cồng chiêng ra đây, đem rượu cần đựng trong ché túc, ché tang, ché era đến đây. Nào hãy nổi cồng chiêng lên, nổi lửa lên mừng cho buôn ta vào hội!...”. Âm thanh chiêng cồng rộn rã vang lên, vòng xoang lại được mở rộng, nối liền. Các chàng dũng sĩ với khiên, đao, giáo mác cũng nhịp nhàng theo vũ điệu thể hiện sự dũng mãnh, khỏe khoắn bắt đầu tiến hành nghi lễ đâm trâu.

Có thể nói, Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn được tổ chức định kỳ cách niên (2 năm một lần) đã thu hút được đông đảo người dân địa phương, khách du lịch cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa, giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham dự bởi những nghi lễ mang đậm tính dân gian và giàu bản sắc văn hóa, mà lễ đâm trâu là một điển hình. Bên cạnh đó nét đặc trưng, độc đáo mà không nơi nào có, đó là những hoạt động liên quan đến các chú voi: từ lễ cúng sức khỏe cho voi trước và sau lễ hội, đến voi đá bóng, thi voi chạy, phục dựng cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, tắm cho voi… Bất cứ ở cuộc tranh tài nào, các chú voi cũng đều nhận được sự quan tâm, ưu ái và cổ vũ nhiệt tình của các khán giả. Ở cuộc thi voi đá bóng, các chú voi được chia làm hai đội (mỗi đội 5 con), và cũng dắt bóng, đá bóng, sút tung lưới không khác gì… cầu thủ. Ở cuộc thi chạy, các chú voi trên đường đua cũng nỗ lực hết sức, rầm rập chạy, cuốn tung bụi mù; chú voi của gia đình Y Sanh Byă mang số 11 trải qua 3 vòng thi, vượt qua 17 chú voi khác để giành giải Nhất. Cảnh săn bắt voi rừng cũng được tái hiện lại với không khí sôi động, lý thú của một nghề truyền thống của người dân Buôn Đôn xưa. Ngoài ra, các cuộc thi thể thao, ẩm thực, trình diễn thời trang, văn nghệ… cũng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đầy nhiệt tình, hứng khởi.

Ông Y Nhi Rya (Ama Phương), người dân Buôn Đôn trực tiếp đóng góp công sức tham gia lễ hội đã hào hứng cho biết: “Để tham gia lễ hội, người dân trong buôn và các địa phương khác đã chuẩn bị cách đây từ hai tháng trước. Lễ hội diễn ra đông, vui, thành công là một phần từ công tác chuẩn bị, quảng bá và tổ chức tốt. Nhiều khách nước ngoài đến đây tham dự đã tỏ ra rất thích thú với những hoạt động văn hóa như thế này và họ cũng muốn giới thiệu để bạn bè sẽ đến tham gia vào những lễ hội lần sau…”.

Lan Anh - Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc