Multimedia Đọc Báo in

Như những bông sen ấp ngọc…

13:23, 09/03/2012

Tôi thật sự xúc động với hình ảnh 12 cô giáo mặc áo dài xanh nước biển cùng nhau cất tiếng hát “Bài ca người gieo hạt”.

Xúc động không phải vì nghệ thuật hát điêu luyện, không chỉ vì vẻ đẹp của các cô giáo, mà còn là ở những ánh mắt say mê, những gương mặt rạng ngời, đang cất lên chính nỗi lòng mình, rằng “Như cánh chim không mỏi, em là người gieo hạt ươm mầm sống cho đời”. Ấn tượng còn ở hình ảnh chủ đạo của thiết kế sân khấu với mô-típ “hoa sen ấp ngọc”, do tổ Mỹ thuật gồm giáo viên dạy vẽ ở các trường trình bày rất sinh động, làm tăng hiệu quả một sân khấu màu hồng thật rực rỡ, nâng đỡ cho các thí sinh trình diễn.

Tốp ca "Bài ca người gieo hạt".

Họ là 12 cô giáo đã vượt qua 48 bạn đồng nghiệp của 39/41 trường học từ bậc Mầm non đến THPT có mặt ở vòng chung kết Hội thi “Cô giáo tài năng – duyên dáng huyện Krông Ana 2012”. Một hoạt động được tổ chức lần đầu tiên trong tỉnh, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Hàng trăm thầy cô giáo ngồi chật kín hội trường Trung tâm Văn hóa huyện, chắc chắn cũng cùng chung sự xúc động, khi say sưa theo dõi bốn phần thi bắt buộc mà chị em phải trải qua: trình diễn trang phục áo dài, trang phục tự chọn, năng khiếu và ứng xử với các tình huống sư phạm.

Nhiều chị em lần đầu tiên lên sân khấu, dưới ánh đèn màu và trước hàng trăm cặp mắt ngắm nhìn, nên bước đi có thể còn lúng túng, dáng dấp có thể chưa thuần thục, nhưng vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống thì một lần nữa lại được các cô giáo tôn vinh. Cũng như vẻ kiêu sa không kém trong các trang phục dạ hội, sự lịch lãm trong trang phục công sở lẫn sự duyên dáng trong những bộ váy áo Êđê hoa văn đen đỏ, áo Tày đen tuyền giản dị cùng cây đàn tính, váy Mông xúng xính… Có những cô giáo vừa tất tả rời lớp luyện thi học sinh giỏi của huyện; có cô vừa thở phào bước ra từ cuộc thi giáo viên giỏi theo kế hoạch của phòng; có chị chồng là bộ đội biên phòng đóng quân nơi xa, không ông bà nội ngoại, con ốm, năn nỉ gửi nhờ bạn để được cùng một lần đua tài với các đồng nghiệp… Do thế mà cho dẫu “duyên dáng” chỉ là một phần của hội thi, nhưng chính vẻ đẹp của nghề giáo, của tâm hồn, đã làm các chị em hôm nay xinh đẹp lên bội phần.

Ở phần thi năng khiếu, không chỉ có hát, múa, vũ quốc tế, kể chuyện, cắm hoa… mà bất ngờ và thú vị hơn còn có hai cặp, chồng cũng là giáo viên trong huyện, múa đôi cùng với vợ. Nếu cô giáo Mầm non H’Út Niê Hra phát huy tột bậc năng khiếu múa của thanh niên người dân tộc Tây Nguyên để chinh phục người xem bằng cánh chim Grứ phiơr trong vũ điệu “Qua rừng” thì vợ chồng cô giáo Ánh Phượng không kém phần duyên dáng và điệu nghệ trong múa “Ước mơ xanh”, trên nền một trong những bài hát rất hay về nghề giáo của nữ nhạc sĩ – nhà giáo Lệ Giang, mà không hề để giám khảo phải băn khoăn là múa minh họa hay phụ họa cho bài hát. Vợ chồng cô Hiệu phó Trường Mầm non Ea Tung thì đắm say trong vũ điệu Rumba của ca khúc quen thuộc “Nhánh lan rừng”, với vai diễn là anh bộ đội và cô giáo, cũng có “bưng bê”, quay, nghiêng ngả… Ấn tượng nhất là tiết mục cắm hoa của cô giáo Mỹ Hạnh đến từ Trường Trung học Nguyễn Văn Trỗi. Chỉ bằng vài nhánh lá măng cuốn thành hình trái tim, mấy bông hồng, hoa ly… đơn giản, nhưng phần thuyết trình với tất cả nhiệt huyết, tình yêu nghề trong cô về chủ đề “Cô giáo tài năng – duyên dáng” thì vô cùng thuyết phục. Phần thi này còn phải kể đến công lao của các thầy giáo thuộc tổ âm nhạc (một sự trưng dụng rất hiệu quả các giáo viên dạy nhạc từ các trường trong huyện của Phòng GD-ĐT). Họ không chỉ  hướng dẫn chị em chọn và dàn dựng tập bài, làm nhạc đệm, thu nhạc múa, mà còn lần lượt thay nhau xuất hiện trên sân khấu bằng những bài hát đơn ca, tam ca, tốp ca không kém phần xuất sắc, và nhất là phối bè rất ăn ý, làm thay đổi không khí, giảm sự căng thẳng tinh thần cho các thí sinh. Bên nhau, hỗ trợ lẫn nhau, những người thầy cô giáo ấy cùng say sưa với nghệ thuật.

Được coi là quan trọng nhất, được chờ đợi nhất của Hội thi là phần ứng xử. Ban tổ chức đã lựa chọn ra nhiều tình huống “gay cấn” trong thực tế môi trường sư phạm, từ mầm non cho đến trung học, để các thí sinh đua tài. Cô Hiệu phó Tăng Thị Xuân Vân Nga  vào vai một hiệu trưởng để giải quyết việc to tiếng giữa phụ huynh học sinh với giáo viên. H’Út Niê Hra vừa chất phác, hồn nhiên mà lại vẫn rất tế nhị xử lý việc bé trai ở lớp mầm của cô… hôn một bé gái cùng lớp. Cô Hồ Thị Lương rất thông minh khi để cho học sinh nhận xét việc làm sai của mình, rồi mới xin lỗi vì sự hấp tấp mà mắng oan một học sinh không có lỗi trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Mỹ Hạnh cho rằng phải nói dối một chút trong khi giải quyết việc học sinh tố bạn lấy mất bút của mình… 12 tình huống đặt ra, có khi thành công, có khi cần xem xét lại, nhưng đều là những bài học quý giá để không chỉ thí sinh mà còn cả khán giả, các đồng nghiệp chăm chú theo dõi và bình luận sôi nổi. 

Hội thi khép lại với một giải Nhất rất xứng đáng được trao cho cô giáo Êđê: H’Út Niê Hra, giáo viên của Trường Mầm non Hoa Plang, hai giải Nhì cho các cô Hoàng Thanh Nga (dân tộc Tày) của Trường PTTH Krông Ana và cô Đoàn Thị Ánh Phượng của Trường THCS Dur Kmăn. Ngoài ra, còn có 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích và 2 giải riêng khác. Cả 4 cô giáo đã vượt qua vòng sơ khảo, nhưng vì bận công tác không thể tham gia vòng chung kết, cũng được tôn vinh trong Hội thi.

Không phải một câu nói suông mà Hội thi lần đầu tiên này, thật sự đúng với những từ quen thuộc “Hội thi thành công tốt đẹp”, bởi sự hoàn hảo của công tác tổ chức, tài năng và sự duyên dáng đáng yêu của các cô giáo. Niềm hy vọng của các thầy cô là Hội thi sẽ trở thành thường niên, được nhân lên khắp các huyện và sẽ gặp nhiều đồng nghiệp hơn ở cả cấp tỉnh.

Như những bông sen ấp ngọc - chủ đề mỹ thuật của thiết kế sân khấu Hội thi – không chỉ các cô giáo của một huyện ở vùng xa, còn nhiều khó khăn về kinh tế của Tây Nguyên, mà còn nhiều cô giáo miền núi khắp cả nước, đã ấp ủ trong mình tất cả tình yêu nghề, yêu đời từ thuở còn “em mơ làm cô giáo”, đến hôm nay bất chấp mọi gian nan về đời sống vật chất lẫn tinh thần, vẫn đứng vững trên bục giảng.

Linh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.