“Bội thu” từ trại sáng tác âm nhạc và múa năm 2012
Kết thúc Trại sáng tác âm nhạc và múa Dak Lak lần thứ 3 (từ 10 đến 16-3), 24 nhạc sĩ, biên đạo múa trong và ngoài tỉnh đã “trình làng” 31 tác phẩm, trong đó có 18 ca khúc, 9 tiết mục múa và 4 tiết mục hòa tấu.
Các nhạc sĩ tham gia Trại sáng tác. |
Với chủ đề: Sáng tạo những tác phẩm âm nhạc và múa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương Dak Lak đổi mới, trại sáng tác lần này thu hút nhiều nhạc sĩ, biên đạo múa tên tuổi từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tham gia, trong đó không ít người đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc, nghệ thuật Dak Lak như: Nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Mạnh Tiến, nhạc sĩ Minh Đạo, nhạc sĩ Duy Thịnh, biên đạo múa Trần Ly Ly… hay thế hệ nhạc sĩ trẻ lần đầu “chạm” vào văn hóa Tây Nguyên như: Giáng Son, Lê Minh Sơn, Lưu Hà An…
Dak Lak, vùng đất màu mỡ nhiều danh lam, thắng cảnh là nơi quy tụ 44 dân tộc anh em trong cả nước cùng chung sống tạo nên nhiều loại hình văn hóa giàu bản sắc: Văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên- Trường Sơn; văn hóa các dân tộc thiểu số phía Bắc, văn hóa dân tộc Việt 3 miền Bắc, Trung, Nam… Đó là kho tàng phong phú, quý giá để các nghệ sĩ khai thác, sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị về âm nhạc, múa… tại trại sáng tác lần này.
Tác phẩm múa "Đại bàng và giọt nắng" (âm nhạc Nguyễn Cường, Minh Đạo: biên đạo múa Trần Thị Ly Ly) trình diễn trong Lễ bế mạc Trại sáng tác. |
Mặc dù thời gian mở trại rất ngắn với 4 ngày đi thực tế tại một số buôn làng tiêu biểu ở các huyện Cư M’gar, Krông Buk, Lak, tiếp xúc cùng các nghệ nhân bản xứ tìm hiểu về văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, 24 trại viên đã cho ra đời một số lượng tác phẩm ấn tượng mà theo như nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Cường là: “có chất lượng, mang hồn của Tây Nguyên, với những khám phá mới, lạ, sáng tạo, độc đáo…”. Đây sẽ là những sản phẩm tinh thần quý giá bổ sung vào nguồn âm nhạc, nghệ thuật múa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ âm nhạc nghệ thuật của người dân, đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh vùng đất Cao Nguyên Dak Lak tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa đến công chúng.
Những nhạc sĩ đã gắn bó nhiều năm với vùng đất Dak Lak vẫn tràn trề cảm xúc, tình yêu thể hiện trong tác phẩm của mình như: nhạc sĩ Nguyễn Cường với 2 ca khúc sôi động mang âm hưởng dân ca Êđê “Dray Sap” và “Bing khăp Êđê à! Mo Êđê ơi!”; Y Phôn Ksor nồng nàn theo làn điệu M’ Nhe của đồng bào Êđê Krung trong bài “Lời ru tak tar” và sâu lắng trong “Hồn chiêng Pônagar”; Linh Nga Niê Kdăm trong sáng, đằm thắm với 2 ca khúc “Nhớ” và “Bình yên chốn non ngàn”… Các nhạc sĩ Mạnh Tiến, Minh Đạo, Quang Dũng hùng hậu trong chùm ca khúc, nhạc múa, hòa tấu… Những nhạc sĩ trẻ lần đầu tiên được tiếp xúc với văn hóa Tây Nguyên cũng đã bị “hớp hồn” và “thoát ra” những ca khúc độc đáo như: “Voi không đuôi” của Lê Minh Sơn; “Mùa nhớ” của Giáng Son; “Nụ cười Ban Mê” và “Men say đại ngàn” của Lưu Hà An…
Những tác phẩm âm nhạc và múa này sẽ được các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tuyển chọn những tác phẩm xuất sắc nhất dàn dựng để phục vụ các kỳ Hội diễn cũng như các ngày lễ lớn trong và ngoài tỉnh thời gian tới như: : Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 4 năm 2013; Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng Dak Lak; Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 vào năm 2015. Trước mắt sẽ được dàn dựng, tập luyện để kịp thời tham gia các sự kiện: Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên (tháng 5-2012 tại Dak Lak); Festival Huế (tháng 4-2012); Liên hoan nhạc cụ dân tộc (tháng 5-2012 tại Nghệ An); Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (tháng 8-2012 tại Dak Lak)…
Từ Trại sáng tác sẽ có thêm những tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Tin rằng kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú của các dân tộc trên đất Tây Nguyên sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những sáng tác tiếp theo của các nhạc sĩ, biên đạo múa như lời “hứa” của nhạc sĩ Lưu Hà An khi đại diện các nghệ sĩ phát biểu tại Lễ Bế mạc Trại sáng tác…
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc