Có một thể loại ảnh trường tồn với thời gian
Từ khi ra đời đến nay, nhiếp ảnh đóng vai trò quan trọng trong phản ánh xã hội. Người chụp ảnh có thể ghi lại kịp thời và chân thực về thiên nhiên, hoạt động của con người. Số ảnh ra đời ngày càng nhiều theo thời gian và được công nhận là loại hình di sản tư liệu của nhân loại. Có nhiều loại ảnh như nghệ thuật, báo chí, khoa học, trong đó mảng ảnh lưu niệm cá nhân và gia đình chiếm số lượng lớn nhất và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của con người.
Voi trên đường Huế xưa. |
Lâu nay người ta hay đề cập đến ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí... nhưng ít quan tâm đến loại hình ảnh lưu niệm cá nhân mặc dầu nó tồn tại khá lâu và cũng chiếm vị trí khá lớn trong mỗi gia đình. Trong khi ảnh nghệ thuật - sản phẩm của những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, ảnh báo chí do các nhà báo làm nên thì ảnh tư liệu cá nhân do nhiều đối tượng thực hiện nên mang tính không chuyên nghiệp. Nó phản ánh xã hội dưới nhiều góc nhìn đa dạng, đó là những bức ảnh của cá nhân, bộ sưu tập ảnh của từng gia đình. Mọi người đều có nhu cầu về ảnh, từ lúc sinh ra, đón nhận các sự kiện đáng nhớ trong đời đến lúc giã từ cuộc sống, ảnh là nhân chứng luôn đi cùng với chúng ta. Do đó, ảnh lưu niệm mang tính xã hội cao, ảnh của đại chúng, ảnh của mọi người, mọi nhà.
Trong Hội thảo khoa học “Di sản ảnh trong cuộc sống đương đại”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy có nói: “Ảnh gia đình trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong di sản ảnh Việt Nam. Nhiếp ảnh không chỉ là nghệ thuật và không nhất thiết phải là nghệ thuật, nó có thể chỉ là phương tiện chuyển tải thông điệp/kể chuyện của người bình dân, vì vậy không nhất thiết phải quá quan tâm chuyện xấu đẹp, cấu trúc, ý đồ tư tưởng… mà quan trọng là câu chuyện và lối sống. Đây là quan điểm cốt lõi của nhân học khi xem xét ở góc độ ảnh dưới cái nhìn con người và cuộc sống. Đây chính là một đối tượng của bảo tàng nhiếp ảnh mà chúng ta cần quan tâm, cần bàn tới”.
Từ khi ra đời, ảnh lưu niệm có sức hút đối với mọi người và mãi trường tồn với thời gian. Mỗi thời điểm, mỗi cá nhân gia đình có cách thức để quan tâm tới hình ảnh khác nhau. Càng ngày càng có nhiều đối tượng tham gia làm nên di sản ảnh lưu niệm cá nhân. Trước đây có sự kiện nào đó, người ta mời “phó nháy” đến chụp ảnh, ngày nay, nhiều người có máy ảnh riêng, nhất là ảnh kỷ thuật số, ảnh du lịch mini bán chuyên nghiệp, họ có thể tự ghi lại hình ảnh của cá nhân hay gia đình mình. Các sự kiện quan trọng của ngành, địa phương cũng cần có ảnh lưu niệm. Có những bức ảnh lưu niệm mang dấu ấn tư liệu lịch sử như ảnh ngày tái lập, kỷ niệm thành lập tỉnh, đón nhận các danh hiệu của địa phương, ban, ngành...
Cách lưu giữ, sử dụng hình ảnh lưu niệm cũng ngày càng phong phú hơn. Ngày trước, ảnh lưu album là phổ biến để thỉnh thoảng mở chúng ra xem lại những kỷ niệm, hiện nay, ngoài lưu album, ảnh còn lưu trên nhiều phương tiện khác như máy tính, điện thoại di động, ổ đĩa, đưa lên mạng...để bảo quản lâu dài và sử dụng hiệu quả hơn. Dựa vào phần mềm như photoshop, người ta có thể làm cho những bức ảnh trở nên sống động hơn, cho tông màu thêm rực rỡ, tăng đậm nhạt, nâng cấp, chỉnh sửa hình ảnh bị hư hỏng, ố vàng do thời gian. Đặc biệt, powpoint là công cụ hiệu quả đưa ảnh trình chiếu trên nền nhạc, nền phông rất bắt mắt, làm cho ảnh lưu niệm trở nên lôi cuốn như một video clip. Người ta có thể mở ảnh xem mọi lúc mọi nơi và giới thiệu cho nhiều người cùng xem. Từ đó hình thành văn hóa, cách chơi, hưởng thụ ảnh một cách độc đáo theo tính cách, thị hiếu của từng người.
Yếu tố làm nên giá trị của ảnh lưu niệm, gia đình không phải ở tính nghệ thuật mà chính là ở tính lịch sử. Nhờ những bức ảnh lưu niệm của gia đình, dòng họ...mà chúng ta tìm còn thấy cả một pho tư liệu gắn với lịch sử của quê hương, đất nước. Trong bộ ảnh gia đình phảng phất hình ảnh đất nước. Khi tìm hiểu tiểu sử của một nhân vật quan trọng như lãnh tụ, nhà trí thức, nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng... sẽ tìm ra đâu đó một dòng lịch sử nói về thân thế, sự nghiệp của họ gắn nước non. Những bức ảnh về lãnh tụ được các cơ quan sưu tầm nhiều nhất để trưng bày tại bảo tàng, nhà lưu niệm, viết lịch sử. Bảo tàng tỉnh Dak Lak không thiếu những tư liệu có giá trị lịch sử được sưu tầm từ bộ ảnh lưu niệm gia đình. Trong cuộc triển lãm Hồ sơ cán bộ đi B do Cục Lưu trữ Trung ương tổ chức vừa qua, bên cạnh các huy chương, huy hiệu, những bức thư...người xem thấy nhiều bức ảnh lưu niệm từng là kỷ vật quí giá mà những chiến sĩ, cán bộ cách mạng mang theo trong hành trang của mình.
Ảnh gia đình phản ánh đời sống văn hóa của đất nước, của địa phương. Những bộ ảnh đó thực sự có giá trị vì nó nói lên nhiều điều thú vị của thời quá khứ như trang phục, đường phố, chợ búa hay phong tục cưới xin, ma chay, sinh hoạt đời thường. Hình ảnh Đà Lạt xưa do nhà nhiếp ảnh Tam Thái sưu tầm từ người chơi ảnh nghiệp dư đã được nhiều người biết tiếng khi bộ ảnh này được công bố trong tập sách ảnh: “Ngày xưa Lang Biang...Đà Lạt”. Ảnh lưu niệm là nguồn tư liệu quý giá để các nhà sử học, các nhà sưu tầm hình ảnh quá khứ tái hiện dấu xưa của Hà Nội, Sài Gòn, Huế hay một số địa phương trong nước. Hình ảnh văn hóa Tây Nguyên xưa cũng được các nhà sưu tầm công bố trên các tạp chí sử học, sách ảnh hay trưng bày ở bảo tàng cũng có nguồn gốc từ ảnh lưu niệm gia đình được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người viết bài này từng được xem bức ảnh về Vua săn voi Khunjunop do Khăm Phét Lào, người cháu của ông lưu giữ trong bộ sưu tập ảnh của gia đình.
Ảnh lưu niệm gia đình là nguồn tư liệu, là di sản hết sức quý giá nhưng chúng đang bị hư hại nhanh chóng và mất mát dần bởi thời gian, chất lượng kém, bạc mầu, ẩm mốc, khí hậu nhiệt đới. Nhiều khi bị hư hỏng, thất lạc do chính chủ nhân của nó vì khả năng bảo quản ở gia đình như nhà cửa chật chội, lo kiếm sống nên ít thời gian chăm sóc chúng, để cho mối xông...Kho tàng di sản ảnh gia đình đang bị mai một, xuống cấp chất lượng ảnh. Do đó, cần tổ chức sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn di sản ảnh theo từng ngành, địa phương. Trước tiên cần kịp thời sưu tầm những ảnh về văn hóa xưa, lãnh tụ chính trị, nhân vật nổi tiếng của quê hương, đất nước; phục chế, nâng cấp những hình ảnh bị hỏng, bị mất chất lượng; tổ chức những cuộc triển lãm chuyên đề về giá trị của ảnh gia đình trong phản ánh lịch sử và văn hóa của dân tộc. Các cơ quan như bảo tàng, nhà lưu niệm, nhà truyền thống cần tổ chức nghiên cứu, sưu tầm về ảnh gia đình cùng những câu chuyện của chúng để phục vụ cho việc góp phần bảo tồn di sản ảnh; cần xây dựng cơ sở dữ liệu (database) mở để phổ biến trong công chúng. Phải làm chuyện này càng sớm càng tốt vì lợi ích lâu dài của nó.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc