Multimedia Đọc Báo in

Đi xem “con gà” lớn nhất Việt Nam

20:26, 08/04/2012

“Con gà” lớn nhất Việt Nam hiện đang “đứng gáy” ở làng K'Long thuộc thôn Darahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (nằm bên QL20, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng  20 km).

Nương rẫy của người dân K’Ho.
Nương rẫy của người dân K’Ho.

Theo lời chỉ đường của một người dân, từ ngã ba Finom, đi về hướng Đà Lạt khoảng 7 cây số nữa, chúng tôi đã thấy một bánh xe gió phía bên trái. Đó là dấu hiệu chỉ vào làng K'Long, nơi sinh sống của hàng trăm người dân tộc K'Ho cùng với “con gà” khá đặc biệt mà vào năm 2005, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận đây là tượng gà trống lớn nhất Việt Nam!

Già K’Luk Sô (84 tuổi) cho biết, ngày xưa người K'Ho theo chế độ mẫu hệ nên đàn bà phải đi cưới đàn ông với lễ thách cưới là 5 trâu, 20 xà-rông và 5 con gà. Ngày nọ, gia đình một chàng trai thách cưới 5 trâu, 20 xà-rông và chỉ 1 gà thôi, nhưng phải là gà 9 cựa. Cô gái đi khắp núi rừng để tìm cho ra chú gà đặc biệt đó. Tìm mãi nhưng chẳng thấy con gà nào có 9 cựa và nàng kiệt sức chết bên bìa rừng. Chàng trai lặn lội đi tìm người thương suốt hai mùa lễ hội mừng lúa mới mà nàng vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng, chàng đành chôn chặt mối tình bi thương nơi núi rừng trầm mặc... Sau câu chuyện thương tâm đó, dân làng bàn nhau làm một chú gà trống có 9 cựa bằng tranh tre, cây cỏ. Ai muốn thách cưới thì hãy đến đó mà nhận lễ vật.

Từ xa  đã thấy tượng gà chín cựa.
Từ xa đã thấy tượng gà chín cựa.

Lời kể về chú gà bằng tre lá đã đi từ làng này qua làng khác và trở thành một truyền thuyết đẹp trên núi rừng ở xứ cao nguyên hoang dã. Hằng năm, bên khoảnh sân rộng trước tượng gà, sau khi thu hoạch vụ mùa (thường vào dịp cuối năm), dân làng K'Long long trọng tổ chức hội mùa. Nhà nào có gạo góp gạo, có gà góp gà..., nhưng góp tiền mua trâu và 1 ché rượu cần là bắt buộc. Trong trang phục dân tộc truyền thống, mọi người đánh cồng chiêng, uống rượu cần, múa hát ca ngợi Yàng đã giúp cho dân làng có chén cơm, có sợi vải, mưa thuận gió hòa... và cùng nhau cầu nguyện cho tình yêu đôi lứa luôn trọn vẹn không bị chia cách.

Đến năm 1978, một “con gà” trống với chất liệu bê tông cao đến 3,2m, nặng 8 tấn có 9 cựa đặt trên mô đất cao khoảng 1,5m được dựng lên nhằm khơi nguồn nước chảy từ núi Voi về làng K'Long để tạo áp lực phát động một thủy điện nhỏ nhưng rất tiếc là nửa chừng bỏ dở. Và cái tên "Làng Gà" đã đi vào ngôn ngữ dân gian một cách hài hòa từ câu chuyện truyền thuyết đến tượng gà hiện đại.

Chúng tôi đi quanh làng để tham quan, hầu hết đàn ông trai tráng đều lên rừng làm rẫy còn phần đông phụ nữ miệt mài bên khung dệt. Làng K’Long ngày trước người dân kiếm sống bằng nghề đốn củi, đốt than hay trồng rẫy. Giờ đây, với sự khuyến khích và hỗ trợ của chính quyền địa phương, phụ nữ trong làng đã khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống. K’Long là một trong bốn làng dệt thổ cẩm nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng. Người K’Ho nổi tiếng với tài dệt thổ cẩm với những nét hoa văn họa tiết và kỹ thuật rất đặc trưng không lẫn với hàng thổ cẩm của các dân tộc khác.

Ngày nay, du khách khi đi ngang qua bức tượng con gà lớn nhất Việt Nam không thể không dừng lại để chụp hình lưu niệm và chiêm ngưỡng vẻ kỳ vĩ, hiên ngang của chú gà “chín cựa” đồng thời mua một ít  mặt hàng thổ cẩm để làm quà cho người thân.

Khánh Loan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.