Festival Huế 2012: Nhiều lễ hội, tiết mục nghệ thuật đặc sắc lần đầu được trình làng
Trong hàng loạt sự kiện diễn ra tại Festival Huế 2012, nhiều lễ hội và và tiết mục nghệ thuật đặc sắc lần đầu trình làng.
Ngọ Môn Huế - Sân khấu chính ngoài trời hoành tránh nhất từ trước đến nay phục vụ Đại tiệc văn hóa 5 châu lục diễn ra vào đêm khai mạc với kiến trúc cung đình mang tính dân tộc hòa quyện trong vẻ đẹp thiên nhiên. Những chất liệu gốm “cung đình” như Thanh Lưu ly (màu xanh) và Hoàng Lưu ly (màu vàng) do xưởng sản xuất gốm trong Đại Nội được sử dụng một cách nhuần nhuyễn nhằm chuyển tải vẻ đẹp cổ kính rêu phong. Nghệ thuật đêm khai mạc khắc họa bằng ngôn ngữ tạo hình, âm nhạc đa dạng, kết hợp nghệ thuật biểu diễn sân khấu và bắn pháo hoa nghệ thuật của Pierre Alain Hubert, nghệ thuật sắp đặt lửa của đoàn Carabosse đến từ nước Pháp.
Sân khấu ngoài trời tại Đại nội Huế phục vụ chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Festival Huế 2012 và Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc |
Vườn Cơ Hạ - Điểm nhấn trong không gian Đại nội Huế dịp Festival lần này với 600 cây cảnh các loại đặc sắc của các nghệ nhân ở Huế hội tụ về. Tại các vị trí thích hợp, 3 ngôi nhà rường Huế được dựng lên, tạo điểm nhấn gợi lên một hình ảnh vườn ngự ngày xưa với rất nhiều công trình kiến trúc được xây dựng. Ở các nhà rường này có những bức thư pháp chữ Hán là những bài thơ vịnh cây, vịnh hoa và vườn cảnh của các vua triều Nguyễn. Trong không gian ấy, vào các đêm Hoàng cung, các tốp ca công ngâm các bài thơ xưa viết về vườn ngự cung đình Huế.
Vườn Cơ Hạ, điểm nhấn tại Đại nội Huế trong dịp Festival Huế 2012 |
Việc tổ chức lại không gian vườn Cơ Hạ qua nghệ thuật cây cảnh không chỉ nhằm phục vụ trong dịp Festival Huế, góp phần đẩy lùi không gian hoang phế trong chiến lược bảo tồn di tích, mà về lâu dài Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ biến nơi này thành một điểm đến của du lịch trong khu vực Đại Nội.
Trong thời Nguyễn, tại kinh đô Huế đã từng có hàng chục khu vườn cung đình với nhiều dạng thức: Ngự uyển trong chốn hoàng cung, biệt cung, ly cung… Vườn Cơ Hạ là một trong 5 khu vườn ngự uyển nằm ngay bên trong Hoàng thành Huế (gồm Cơ Hạ Viên, Hậu Hồ, Trường Ninh Cung, Ngự Viên và Thiệu Phương Viên) được xây dựng từ năm 1837, dưới thời vua Minh Mạng và được nâng cấp, bổ sung, trùng tu nhiều lần dưới thời các vua Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883). Đầu thế kỷ XX, do không có điều kiện chăm sóc, triều Nguyễn đã cho triệt giải các công trình kiến trúc chính. Từ đó, vườn Cơ Hạ dần trôi vào quên lãng.
Thiên hạ Thái bình- Lễ hội sân khấu hóa độc đáo được dàn dựng công phu cho Festival Huế 2012 với ý tưởng tôn vinh khát vọng cháy bỏng của nhân loại và cũng là của dân tộc Việt Nam về một đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm. Sự kết hợp giữa Nhã nhạc, múa với những áng thơ bất hủ vốn được chạm khắc trên cung điện Huế đưa khán giả vào một thế giới lung linh tuyệt đẹp và đầy chất lãng mạn, trữ tình bởi vẻ đẹp của thi ca - nhạc họa sóng sánh cùng mặt nước Hương Giang bên cạnh cầu Trường Tiền.
Lễ hội Thiên hạ Thái bình lần đầu trình làng tại Festival Huế 2012 |
Lễ hội Trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt” – Chương trình hội tụ tinh hoa nghệ thuật âm nhạc qua những màn biểu diễn Trống và nhạc cụ gõ mang âm hưởng hào hùng của truyền thống dân tộc, từ âm hưởng của tiếng trống đồng thuở Hùng Vương dựng nước, tiếng trống trận hào hùng Tây Sơn dựng nghiệp, hay thanh âm dân dã của tiếng trống chèo thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước từ bao đời nay... Mười hai đoàn trống với nhiều phong cách sẽ biểu diễn tại Nghinh Lương Đình trước mặt cột cờ Ngọ Môn Huế. Sân khấu chính được thiết kế hình tròn mang hoa văn trống đồng Đông Sơn, trong tổng thể không gian sắp đặt với 100 chiếc trống hội tượng trưng cho 100 người con của Lạc Long Quân – Âu Cơ và truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.
Lễ hội trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt” tại Festival Huế 2012 |
Lễ hội thiếu nhi- Hàng ngàn thiếu nhi từ Mầm non đến Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố sẽ tham gia các hoạt động: Liên hoan Hát dân ca và đồng dao “Giai điệu quê hương”, Trường Thi xưa và Vinh qui bái tổ trong mắt nhìn các em, Hội thi “Sắc màu hoa giấy”. Ngày hội đọc sách “Mở cửa tri thức”, Ngày hội kể chuyện sách, Hội thi kể chuyện cổ tích. Hội thi nặn tượng, Hội thi “Đường nét chỉ thêu”, Hội thi tranh xé dán “Những mảnh ghép ngộ nghỉnh”, Lễ hội rước đèn “Sắc màu Huế”, Hội thi “Những cành hoa khoe sắc”. Ngày trò chơi dân gian, Liên hoan diều “Tiếp nối những cánh bay Việt Nam”. Các em sẽ được thể hiện tài năng; được Giáo dục kỹ năng sống; Nâng cao hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật Việt nam nói chung và của Huế nói riêng cũng như có cơ hội phát huy tính sáng tạo.
Lễ hội thiếu nhi tại Festival Huế 2012 thu hút ngàn ngàn học sinh trên địa bàn thành phố tham gia |
Đã có 36 đoàn nghệ thuật của 27 nước, trong đó có sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế lần đầu chính thức tham dự Festival Huế như: Đoàn nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse - Pháp, đoàn nghệ thuật quốc gia Gugak (Hàn Quốc), đoàn múa Odyssey (Ấn Độ), đoàn nghệ thuật hàn lâm Nga Piatnisky, nhóm nghệ sĩ Manou Gallo đến từ vùng Wallonie Bruxelles, Tim Exile (Anh), nhóm nhạc Love and Other Oddities (Israel), các nhóm âm nhạc và múa đường phố Mexico, Agentina, Venezuela, Panama, Colombia, Cuba, Australia...
Triển lãm về miền di sản: Cuộc triển lãm được xem là quy mô và chất lượng nhất từ trước đến nay ở Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 5 – 20/4/2012 tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế. Triển lãm gồm ba nội dung: văn hóa Đông Sơn, triển lãm ảnh “Về miền di sản” và khu trưng bày của các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trống đồng Đông Sơn, được xem là đỉnh cao nhất của nghệ thuật đúc đồng, là biểu tượng cho văn minh người Việt cổ |
Đây là một chuỗi các hoạt động nhằm quảng bá cho Năm Du lịch quốc gia, Festival Huế 2012; giới thiệu và khẳng định thế mạnh, tiềm năng du lịch của Việt Nam nói chung và các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng. Đặc biệt là di sản văn hóa được xem là tài nguyên du lịch có giá trị bền vững để hình thành, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút du khách và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Nguồn SGGP, dulichhue
Ý kiến bạn đọc