Multimedia Đọc Báo in

Lễ đâm trâu của người Cơ Tu

20:52, 03/04/2012

Người Cơ Tu cũng như các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn và Tây Nguyên coi con trâu là một thứ của cải có giá trị lớn và cũng là vật quan trọng được dùng để hiến tế thần linh. Người Cơ Tu quan niệm rằng: khi Giàng và các vị thần linh nhận lễ vật là con trâu sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn; giúp mùa màng bội thụ, cuộc sống no ấm quanh năm.

Già làng khẩn cầu và ném lễ vật liêu phiêu trên đỉnh cột X'nur dâng Giàng.

Công việc chuẩn bị cho lễ đâm trâu thường do các vị già làng lớn tuổi, uy tín bàn bạc và quyết định. Trước khi tiến hành, các già làng ngồi lại với nhau để cùng xem “ý Giàng” rồi quyết định; sau đó họp với dân làng để bàn việc góp thóc gạo, lễ vật.

Trâu hiến tế phải là con trâu đực to khỏe, có cặp sừng đẹp, bốn chân cứng cáp, không phá phách... Trâu sau khi được chọn, sẽ được dắt đến nhà Gươl - nơi sinh hoạt chung của làng. Ở đây có một cột X’nur (cột buộc trâu) được dựng sẵn ở chính giữa sân phía trước nhà Gươl, không chỉ để buộc trâu mà còn là cột lễ của dân làng, là nơi giao tiếp với các đấng thần linh.

Đêm trước của lễ đâm trâu là lễ tế trâu. Trâu được buộc vào X’nur, các già làng cúng Giàng bằng một con gà và một con lợn, rồi khóc tế Trâu để nói hết nỗi lòng. Họ khóc rằng: T’rí ơi! Amay canh acon vêl bhướl, amay chết vêl bhướl k’ây lom k’ây luôl t’ri ơi… Amay chết đăng vêl bhướl gabhố, đăng Pleng năl luôi lom vêl bhươl.. (Trâu ơi mày là đứa con của dân làng, mày chết đi dân làng đau lòng lắm trâu ơi… mày chết đi để dân làng được no ấm, cho Giàng biết cái bụng của dân làng…).

Sáng sớm hôm sau, khi trống chiêng từ nhà Gươl được đánh lên, tất cả dân làng cùng mặc trang phục lễ hội tập trung quanh cột buộc trâu. Khi mọi người đông đủ, già làng có uy tín nhất lấy một chén máu từ mũi trâu để tế Giàng, sau đó lấy một chén rượu vẩy lên mình trâu làm lễ tế sống cho trâu. Già làng tế rằng: T’rí ơi amay chết amay zôi zúp đăng vêl bhươl. T’rí ơi, t’rí ơi amay canh acon liêm âng vêl bhướl … (Trâu ơi, mày chết rồi hãy giúp đỡ cho dân làng. Trâu ơi, trâu ơi mày là đứa con tốt của dân làng…). Trong khi già làng làm các thủ tục cúng, tiếng cồng chiêng nổi lên, dân làng nhịp nhàng nhảy múa theo điệu múa Tân’ Tung - Da’dă. Dẫn đầu đoàn múa là các già làng thổi Tù Và bằng sừng trâu, đánh trống, đánh chiêng. Thanh niên trai tráng hùng dũng cùng điệu Tân’Tung với gươm, giáo, khiên mô phỏng những động tác chiến đấu, đi săn; các thiếu nữ thì nhịp nhàng trong điệu Da’dă với đôi tay xòe rộng, đưa ngang đầu như khẩn cầu ân huệ từ Giàng.

Xong lễ cúng tế, già làng hú lên một tiếng, mọi người cùng đồng thanh hú theo; tiếng trống, chiêng hối hả hơn, âm thanh vang dội cả núi rừng. Người Cơ Tu tin rằng tiếng hú, tiếng cồng chiêng càng to thì càng thể hiện lòng kính trọng và thấu tới Giàng nhanh hơn. Mọi người cùng xoay tròn nhảy múa trong khi các già làng chuẩn bị dụng cụ để đâm trâu. Năm vị già làng được dân làng chọn ra, đứng quanh trâu, cùng cổ vũ, khuyến khích dân làng nhảy múa, hét hò.

Tiếng cồng chiêng nhanh dần, tiếng Tù Và liên hồi báo hiệu lễ đâm trâu bắt đầu. Trâu được đuổi chạy vòng theo hướng ngược chiều kim đồng hồ để hướng phần lưng, nơi có trái tim ra phía ngoài. Trong lễ đâm trâu, người Cơ Tu chỉ đâm phía bên trái tim, bởi theo họ, làm như thế sẽ giúp con trâu ít bị đau đớn hơn.

Trước khi đâm trâu, vị già làng lớn tuổi nhất đứng ra cầm đuôi trâu và khấn cầu lần cuối. Xung quanh, các vị già làng vẫn tiếp tục nhảy múa để ngợi ca trâu. Ngay từ những nhát đâm đầu tiên, máu từ lưng trâu bắn ra. Những nhát đâm đau đớn, cùng với tiếng hò hét bên ngoài khiến con trâu ngày càng lồng lộn, điên cuồng, đôi mắt đỏ ngầu như muốn giật tung X’nur để thoát chạy. Càng về cuối, tiếng hò hét, dồn dập, những động tác đâm trâu càng nhanh; các già làng dày dạn kinh nghiệm vừa đâm vừa tìm cách tránh né những cú lao thẳng của trâu. Trâu áp sát người, cây giáo dài được giơ lên để chống đỡ, chọn đúng vị trí để đâm. Sau những cú đâm chính xác, các vị già làng lại nhảy múa trong tiếng hò cổ vũ của dân làng. Sau hơn nửa giờ đồng hồ, con trâu kiệt sức, gục ngã khuất phục trước những mũi giáo của các vị già làng. Tiếng cồng chiêng, Tù Và cùng tiếng hò vang dội khắp núi rừng!

Khi trâu gục xuống, dân làng đưa những lễ vật như: vải thổ cẩm, lúa gạo, lợn, gà đến đặt lên mình trâu, với ý nghĩa chia một phần cho trâu trước khi về với Giàng; rồi các vị già làng làm lễ tế linh hồn trâu. Họ cắt một nhúm đuôi trâu cùng một con gà sống nhúng vào máu từ thân trâu, khấn cầu và ném vào chiếc phễu đan bằng tre đặt trên đỉnh X’nur. Khi những lễ vật này nằm gọn trong phễu cũng là lúc kết thúc lễ hội, Giàng đã chấp nhận những lời khẩn cầu của dân làng, cuộc sống dân làng sẽ no đủ quanh năm.

Trâu được mổ thịt, chia phần cho mọi người trong thôn. Đầu trâu được treo ở vị trí chính giữa nhà Gươl để hồn trâu luôn ở lại giúp dân làng no ấm, yên vui…

Yên Thành - Hương Khê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.