Multimedia Đọc Báo in

Đến Huế gặp nghệ nhân nghề tranh Làng Sình

08:15, 05/06/2012

Nói đến dòng tranh dân gian thì bên cạnh tranh Đông Hồ, Hàng Trống (Hà Nội), phải nhắc đến tranh Làng Sình (tức làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Đến nay, ở đó còn một người duy nhất giữ được cách làm tranh truyền thống trên các chất liệu tự nhiên – đó là nghệ nhân dân gian Kỳ Hữu Phước.

Nghệ nhân chân đất 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống tám đời làm nghề, Kỳ Hữu Phước mê tranh từ nhỏ. Khi còn là cậu bé lên 5, Phước đã  phụ giúp cha pha màu, phơi tranh. Những màu sắc đường nét trong tranh đã ăn sâu vào máu thịt cậu bé tự bao giờ. Thấy con cần cù và ham mê tranh, cha cậu đã truyền cho con trai niềm đam mê và tâm huyết với nghề tranh, và cậu đã tiếp nối được nghề truyền thống của gia đình.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đang giới thiệu  bộ tranh Làng Sình truyền thống.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đang giới thiệu bộ tranh Làng Sình truyền thống.

Khác với tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội) thiên về tả cảnh sinh hoạt thì tranh Làng Sình chủ yếu phục vụ cho thờ cúng. Về nội dung, tranh Làng Sình chia làm ba loại: tranh nhân vật (chủ yếu là tranh tượng Phật bà quan âm), tranh đồ vật và  tranh súc vật (voi và 12 con giáp). Giấy in tranh là giấy mộc, quét một lớp điệp (chế tạo từ sò điệp), các màu chủ đạo gồm xanh dương, vàng, đỏ, đen, lục làm từ lá, trái cây và tro bếp. Cách làm tranh Làng Sình truyền thống như sau: Tranh khổ lớn khi in phải đặt bản khắc dưới đất rồi dùng một chiếc phết làm bằng vỏ dừa khô quét màu đen lên trên ván in, sau đó phủ giấy lên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra. Với tranh khổ nhỏ thì đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên. Bản in phải chờ cho khô rồi mới đem tô màu.

Mân mê bộ tranh 12 con giáp, ông Phước kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình: vào năm 1998, UNESSCO đặt ông làm bộ tranh Làng Sình bằng chất liệu tự nhiên. Ông Phước mừng lắm, nhưng cũng lo lắng vì “ việc tìm ra chất liệu giấy và các loại màu tự nhiên là cực khó”. Ông phải lặn lội lên rừng tìm rễ và lá cây, xuống ngã ba Nước Ngọt bắt điệp về làm tranh. Vất vả ròng rã suốt ba tháng trời, cuối cùng ông cũng hoàn thành 21 bức tranh các loại trên giấy dó phủ hồ điệp với năm màu tự nhiên. Bị điệp cào rách tay, nhưng ông mừng đến rơi nước mắt khi nghĩ đến tranh Làng Sình sẽ được thế giới biết đến. Tại các kỳ Festival làng nghề truyền thống và Festival Huế, tranh Làng Sình của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đều góp mặt, thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan và giới nghiên cứu tranh dân gian.

Trăn trở với làng nghề

Ở làng Sình, những người còn nắm được quy trình làm tranh truyền thống và hiểu biết như ông Phước hiện không còn ai. Cũng có một số gia đình còn làm tranh, nhưng đều theo “ công nghệ mới ” từ các chất liệu công nghiệp không phải trên giấy dó, phủ hồ điệp và màu tự nhiên, nguyên do là bởi các công đoạn làm tranh truyền thống đều theo cách thủ công, mất nhiều thời gian; đặc biệt là giá vật liệu từ tự nhiên quá cao. Ông Phước luôn trăn trở: làm sao để tranh Làng Sình không bị mai một, để nghề làm tranh của gia đình không bị thất truyền. Hiện, ông đã làm gần đủ 36 khuôn hình mới của tranh Làng Sình, ông sẵn sàng truyền nghề cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu tranh và học nghề tranh làng Sình. Xếp cẩn thận mấy khuôn in, giọng ông buồn rầu: “Bọn trẻ bây giờ chẳng còn mặn mà gì với cái nghề này”.

Ông Phước bên bộ khuôn in mới làm.
Ông Phước bên bộ khuôn in mới làm.

Trong nhà có một bộ tranh quý được ông gói, cất cẩn thận. Khi có khách tham quan, ông mở ra giới thiệu tỉ mỉ những đường nét, màu sắc và ý nghĩa tín ngưỡng của từng bức. Ông nói: “Nhiều khách du lịch nước ngoài đến xem tranh đều tỏ ra rất thích tranh Làng Sình”; nhiều bạn trẻ sau khi được ông giới thiệu cứ tấm tắc khen và ngẫu hứng cầm bút tô màu trên những bức tranh mới in hình. Ngày nào cũng tiếp khách, có người đến xem, có người đến nghiên cứu, tuy mệt nhưng ông rất vui vì thêm một ngày tranh Làng Sình đến được với nhiều người khác. Điều trăn trở lớn nhất trong ông là làm sao giữ cho được giá trị truyền thống của tranh Làng Sình. Hiện nay, cả làng đã có hàng chục hộ làm tranh theo phương pháp công nghiệp, nhưng ông mong đến một ngày nào đó tranh Làng Sình sẽ trở về với vẻ đẹp truyền thống của nó. Điều này cần sự quan tâm đầu tư của các ngành chức năng; bởi chỉ mình ông thì... “lực bất tòng tâm”!

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc