Multimedia Đọc Báo in

Đầu tư 150 tỷ đồng bảo tồn văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số

08:15, 19/11/2012

Theo kế hoạch, tỉnh Dak Lak sẽ đầu tư 150 tỷ đồng cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020.

    Có 6 tiểu đề án đã được xây dựng nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc, bao gồm: Đề án xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số đến năm 2020 với các nội dung về kinh tế - xã hội, văn hoá tinh thần; Đề án bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Đề án đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá cơ sở vùng dân tộc thiểu số; Đề án gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số; Đề án giới thiệu quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, di sản văn hoá tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và đưa giáo dục văn hoá truyền thống các dân tộc vào trường học; Đề án chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hoá nghệ thuật các dân tộc cấp huyện, tỉnh, liên tỉnh giai đoạn 2012-2020.
    Lộ trình bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số được tỉnh chia thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn 2012-2015, nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hoá dân tộc thiểu số đến năm 2020; tổng kiểm kê di sản văn hoá tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo tồn khẩn cấp văn hoá các dân tộc thiểu số có số dân dưới 5 nghìn người; ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ là con em người dân tộc tại chỗ làm công tác văn hoá; từng bước phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số; bước đầu đưa giáo dục văn hoá truyền thống các dân tộc vào các trường học trên địa bàn. Giai đoạn 2016-2020: Bảo tồn và phát triển đời sống văn hoá các dân tộc thiểu số ít người (dưới 10 nghìn người); gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hoá dân tộc góp phần phát triển kinh tế bền vững ở vùng dân tộc thiểu số; giới thiệu quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và di sản văn hoá tiêu biểu các dân tộc thiểu số...

    Theo kết quả kiểm kê các di sản văn hoá phi vật thể năm 2011, toàn tỉnh hiện có 2.608 nhà dài truyền thống; 2.307 dàn cồng chiêng; 220 bến nước; 155 nghi lễ, lễ hội, trong đó Êđê 68, J’rai 21 và M’nông 66; 393 nghệ nhân chỉnh chiêng; 635 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng; 734 thầy cúng; 1.270 số nghệ nhân sử dụng nhạc cụ tre - nứa;  568 nghệ nhân chế tác nhạc cụ; 370 nghệ nhân tạc tượng và 3.795 số người biết các nghề truyền thống. Do ảnh hưởng của văn hoá, lối sống hiện đại, các giá trị văn hoá phi vật thể đang dần bị mai một. Nhà dài truyền thống đang bị thu hẹp dần nhường chỗ cho nhà xây kiên cố; lễ hội truyền thống không được tổ chức như trước do thay đổi phương thức sản xuất từ lúa rẫy sang cây công nghiệp. Không gian buôn làng bị thu hẹp làm ảnh hưởng đến không gian lễ hội và không gian văn hoá cồng chiêng. Ngoài ra, một số gia đình có phong tục chia của đã phân chia bộ chiêng cho các anh em trong nhà để làm của cải hoặc bán đi những bộ chiêng, ché quý. Nhiều nghệ nhân giỏi chưa kịp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ thì đã “theo ông bà về với tổ tiên”. Văn hoá kể sử thi, hát dân ca, dân vũ ngày càng hiếm trong các buôn làng do số nghệ nhân hiểu và biết về loại hình này còn lại rất ít. Nhiều bến nước bị bỏ hoang cũng khiến cho nhiều lễ hội, nếp sinh hoạt văn hoá cộng đồng bị phai nhạt...

Bến nước cộng đồng, một nét sinh hoạt văn hoá của người Êđê
Bến nước cộng đồng, một nét sinh hoạt văn hoá của người Êđê

Trước thực trạng này, UBND tỉnh xác định: Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần làm cho văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển; bảo tồn, phát triển được thực hiện trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.