Multimedia Đọc Báo in

Khánh thành Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”

10:38, 10/12/2012

 

Tối 9-12, Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức trang trọng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai trước sự chào đón của người dân phố núi. Đến dự Lễ khánh thành có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...

Ảnh: Báo Gia Lai
Ảnh: Báo Gia Lai

 

Địa điểm đặt Tượng đài Bác là nơi mà 66 năm về diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam. Khi lá cờ Tổ quốc nặng 26 kg được kéo lên cao, màu cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời Tây Nguyên lồng lộng, tượng Bác hiện lên hiền hoà mà vĩ đại, mọi xúc cảm dâng trào. Người dân Tây Nguyên mong được đón Bác giờ đã thành hiện thực. Bác yên nghỉ nơi vĩnh hằng nhưng Người vẫn sống mãi trong lòng người dân Tây Nguyên, bóng dáng người vẫn tạc vào thế kỷ.

Đúng như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đây là công trình văn hoá có ý nghĩa lịch sử và nhân văn cao cả thể hiện sự quan tâm của đồng bào Tây Nguyên với Bác và của Bác với đồng bào Tây Nguyên.

Công trình không chỉ là nơi để nhân dân Tây Nguyên thể hiện lòng tôn kính đối với Bác Hồ, là nơi để chúng ta dâng hoa, báo công với Người mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Sau phần nghi thức, một chương trình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng được thể hiện với những đại cảnh hoành tráng do nhạc sĩ Nguyễn Cường dàn dựng. Với chủ đề “Đón Bác Hồ về với Tây Nguyên”, chương trình gồm 4 chương: Mặt trời trên đỉnh Chư H’Drông, công ơn trời biển, cây Kơnia chỉ uống một suối nguồn và Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Chương trình khép lại với màn pháo hoa rực rỡ, những ngọn đuốc rực sáng, những vòng xoang, tiếng hát… Tất cả hội tụ và quây quần bên Bác.

Công trình tượng đài "Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên" được khởi công ngày 3-10-2010.

Tượng Bác Hồ được làm bằng đồng, cao 10,8m đặt trên bệ cao 4,5m, được thực hiện theo công nghệ mới. Đây cũng là bức tượng đồng lớn nhất Việt Nam.

Phần phù điêu phía sau tượng Bác gồm 1.000 m3 đá xanh Thanh Hóa, rộng 600 m2, mô phỏng hình bông sen đang nở, trên đó thể hiện sinh động quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển cũng như những nét đẹp văn hóa truyền thống (nhà rông, rượu cần, cồng chiêng được cách điệu) của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Ngoài ra, trong khuôn viên của Quảng trường Đại đoàn kết còn có các công trình phụ trợ như bản khắc trên đá toàn văn bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam (19-4-1946), 54 trụ đá bazan ghép lại tượng trưng 54 dân tộc, hơn 2.000 cây, hoa ở nhiều địa phương gửi về.

Đ.T (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc