Già Ama H’Rin đã về cõi ông bà
Con đường nhỏ bên ngôi nhà dài của già Ama H’Rin ở buôn cổ Akô Dhông những ngày qua ngập tràn hoa cúc trắng, cúc vàng. Già làng Ama Rin đã về cõi trời từ đêm Noel, bà con các buôn xa, buôn gần nghe tin đến viếng đông lắm. Đã kịp có cả vòng hoa của nguyên Chủ tịch tỉnh – nay là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng gửi vào. Y Val, con trai lớn của già tâm sự: “Muốn tìm tấm hình nào nghiêm trang của ba để làm hình thờ mà không có. Coi hết cả đống hình, cái nào cũng thấy ba cười…”. Đúng là vậy, lúc nào ông cũng nở nụ cười với tất cả mọi người, và tâm trí tôi bỗng quay về với quá khứ mà nhớ. Có quá nhiều điều để nói về ông…
Già làng Ama H’Rin. Ảnh: Quốc Việt |
Quê gốc ở M’Drak, năm 1954, chàng Y Diêm Niê (sau này là Ama H’Rin) đem người vợ xinh đẹp – dòng dõi tù trưởng – bỏ làng, nơi mối tình không “môn đăng hộ đối” của họ không được công nhận, đi bộ, tìm đường lên Buôn Ma Thuột và cùng với những người lưu lạc lập nên buôn Akô Dhông. Ngày đó ngoài Akô Dhông xung quanh khu vực Buôn Ama Thuột chỉ có 3 buôn: Kô Siêr, Păn Lăm và Alê. Ông là người Êđê đầu tiên vượt qua mọi nhọc nhằn và thiếu hiểu biết để học cách trồng, lập trang trại cà phê. Đúng truyền thống của một đầu làng - Khoa knơng buôn “chính hiệu”, mấy chục héc-ta cà phê do ông bỏ vốn khai hoang, mày mò tìm hiểu cách gieo trồng, chăm sóc, thậm chí sau năm 1975 học cả cách ngăn suối đắp đập để bảo đảm nguồn nước tưới… được phân đều cho cả buôn, với phương thức mùa thu hoạch chia đôi. Nhờ cách làm ấy của ông, cuộc sống cả buôn hồi đó gần như khá nhất trong các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh.
Một lần, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tôi cố vấn để quay một bộ phim tài liệu về Lễ cúng sức khỏe của người Êđê, tôi xin già Ama H’Rin hỗ trợ. Ông sang ngôi nhà dài đẹp nhất buôn, bảo với gia chủ rằng: “Nó làm phim ghi lại phong tục ông bà xưa, phải giúp nhé”. Thế nên chúng tôi đã vô cùng thuận lợi khi mời thầy cúng ở một buôn khác đến làm lễ ở buôn Akô Dhông. Và cũng nhờ ông mà từ những thập kỷ 90 của thế kỷ 20 chúng tôi tìm được cách thuyết phục bà con: cồng chiêng là tài sản quý của ông bà để lại, ngoài cúng Yang đó còn là một nhạc cụ truyền thống, mình phải gìn giữ... Cũng chính ông, từ trước khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã tự mày mò làm ching kram – chiêng tre, rồi truyền dạy cho thanh niên trong buôn.
Là người lập buôn, chủ bến nước – Pô pin ea, dù chưa hề qua một lớp đào tạo nào về bảo vệ môi trường, nhưng ông luôn có ý thức giữ gìn cảnh quan, rừng cây, nguồn nước. Đã có không biết bao nhiêu bài báo gọi Akô Dhông là “buôn cổ, buôn rừng trong phố”, bởi những cây cổ thụ tỏa bóng râm mát cả một vùng rộng trên đường xuống bến nước. Giữ được điều này bởi ông không bán, cũng không cho phép ai chặt. Buôn Akô Dhông được chọn là điểm du lịch văn hóa dân tộc cũng còn nhờ công ông vừa tha thiết, vừa kiên quyết dặn người trong buôn gìn giữ kiến trúc nhà dài cổ truyền. Các ngôi nhà dài làm bằng gỗ, lợp ngói, vách nghiêng, mái nhọn nhô ra phía trước trong buôn, đều nằm dọc hai bên đường theo hướng truyền thống từ Bắc đến Nam. Khi gia đình nào vì sinh kế phải bán đất, hoặc làm thêm nhà xây cho con cái trưởng thành, phải phá vỡ cảnh quan buôn cổ, ông cũng góp ý phải làm hoặc bán khu đất phía sau nhà dài. Người trong buôn bây giờ đã nhận thức được điều này, nên nếu tự làm lại nhà, cũng chọn kiến trúc cổ truyền, với đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống hiện tại…
Khi buôn chính thức được đưa vào “tầm ngắm” của các tuor du lịch lữ hành Tây Nguyên, việc diễn tấu chiêng, nấu rượu cần, dệt thổ cẩm, hát, đàn dân gian trong buôn… được bà con chú trọng. Hiện trong buôn có hai đội chiêng cao tuổi và trẻ tuổi thường xuyên được mời phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh. Ông không chỉ là cha của ca sĩ Y Zăk, mà còn là ông ngoại, ông nội của nhiều giọng hát hay cháy bỏng, sôi động khác như: Y Son, Y Jăng, Y Ben...
Cũng phải nói thêm rằng, từ sau năm 1975, đã có nhiều thế hệ các trưởng buôn do chính quyền và người dân bầu nên, nhưng vai trò của già làng Ama H’Rin chưa bao giờ mất đi.
Và có lẽ, với nụ cười luôn tươi nở trên môi, cặp kính, chiếc nhẫn, chiếc đồng hồ và chiếc mũ cát - những vật bất ly thân của cụ, hình ảnh già làng Ama H’Rin đã trở thành huyền thoại của miền cao nguyên đất đỏ.
H’Linh Nga Niê Kdăm
Ý kiến bạn đọc