Multimedia Đọc Báo in

Huỳnh Công - làng nói trạng

22:02, 19/01/2013

Ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), có một làng quê nổi tiếng thu hút đông đảo du khách gần xa, không thua kém gì các di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của vùng đất này như Địa đạo Vĩnh Mốc, Cầu Hiền Lương, Bãi tắm Cửa Tùng… đó là làng nói trạng Huỳnh Công (hay còn gọi trạng Vĩnh Hoàng).

Sinh thời, cố tiến sĩ, nhà nghiên cứu Văn học Võ Xuân Trang đã về đây sưu tầm và xuất bản cuốn “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng”. Thời chưa chia tách tỉnh Bình-Trị -Thiên, năm 1988, Sở Văn hóa - Thông tin Bình Trị Thiên còn tổ chức một hội nghị chuyên đề về Chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Và trong những năm qua, rất nhiều du khách, học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu văn hóa đã đến với làng trạng Vĩnh Hoàng để được đắm mình trong tiếng cười sảng khoái, lạc quan, yêu đời đến độ không thể tin được của người dân nơi đây.

Thực ra, cái nôi của chuyện trạng Vĩnh Hoàng là làng Huỳnh Công, nay thuộc xã Vĩnh Tú. Làng Huỳnh Công xưa có ba thôn: Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn của làng Huỳnh Công, nên chuyện trạng Huỳnh Công được gọi chung là chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Ngày nay, xã Vĩnh Hoàng đổi tên thành xã Vĩnh Tú, nhưng “chuyện trạng Vĩnh Hoàng” vẫn sống mãi trong tâm khảm người dân và trở thành một “thương hiệu” của người dân làng Huỳnh Công.

Có thể nói, ở làng Huỳnh Công hầu như ai cũng biết kể chuyện trạng. Ngoài tài năng ứng tác những câu chuyện từ thực tế cuộc sống, người dân nơi đây còn được trời phú cho giọng nói nặng và thổ ngữ địa phương đặc trưng nên chỉ cần mở lời là tạo nên sự ngộ nghĩnh lôi cuốn khác lạ, làm cho câu chuyện bịa cứ như thật, không tin không được. Điều thú vị, chuyện trạng Vĩnh Hoàng xuất phát từ thực tế hằng ngày, được cường điệu, hư cấu một cách có lý, nên dẫu là chuyện “trạng” vẫn phản ánh một phần cuộc sống gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng cũng tràn đầy lạc quan của đất và người Vĩnh Linh qua từng giai đoạn lịch sử như: thời chống Pháp, thời chống Mỹ, xây dựng kinh tế thời đổi mới… Những câu chuyện bao giờ cũng đem lại cho người nghe nụ cười sảng khoái, lạc quan yêu đời hơn. Điển hình là câu chuyện “Bom hất sang sông” kể về anh chàng đi ăn giỗ bên kia bờ Bến Hải, nhưng không có tiền qua đò, chiều về vợ hỏi qua sông bằng cách nào, anh chàng bèn kể cho vợ nghe diệu kế qua sông bằng cách khiêu khích máy bay Mỹ ném bom bên bờ Bắc để hất sang bờ Nam, ăn uống xong lại thách máy bay ném bom bờ Nam để hất ngược lại bờ Bắc, đỡ mất tiền đò mà lại được bữa giỗ no nê. Hay câu chuyện “Lỡ một buổi cày” nói về anh nông dân buổi sáng sớm dắt bò đi cày, nhưng đến sáng mới ngã ngửa là mình đang cày bằng con cọp; câu chuyện “Bắt bọp” thì ca ngợi dưa hấu của người Vĩnh Hoàng to đến mức cả đàn quạ chui vào ruột khoét dưa ăn mà "giết đến mỏi tay không hết" đàn quạ. Câu chuyện “Chấy đạn” thể hiện sự lạc quan của người Vĩnh Hoàng trong chiến tranh kể về một ông lão bị máy bay Mỹ bắn như vãi đạn vào đầu, về nhà thấy ngứa ngỡ là chấy, bảo vợ đem lược ra chải, chải xuống thì toàn đầu đạn cắm trên da đầu gây ngứa. Nói về sự ngon và bở của khoai lang Vĩnh Hoàng, có câu chuyện kể rằng nhà nào khi đem ra mời khách ăn khoai cũng kèm theo chiếc kính đeo mắt; khách ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì, thì chủ nhà bảo cứ đeo vào để khi ăn khoai, bột không bay vào mắt… Tuy nhiên, để thẩm thấu được cái hay, cái thú vị của câu chuyện, phải nghe chính giọng người dân Huỳnh Công kể mới “đã”.

Ở làng Huỳnh Công hiện nay có rất nhiều người kể chuyện trạng có tiếng, đặc biệt là những người có tuổi, vì họ còn giữ được giọng nói và thổ ngữ nguyên bản địa phương. Trong đó ông Trần Hữu Chư khá nổi tiếng vì không chỉ kể chuyện hay mà còn tự mình sưu tầm, ghi chép tập hợp chuyện trạng của cả làng và tự học vẽ tranh minh họa hết sức sinh động cho các câu chuyện. Những bức tranh của ông hiện trưng bày tại nhà Văn hóa thôn, trở thành một địa chỉ văn hóa độc đáo cho những ai muốn nghe và tìm hiểu về làng trạng Vĩnh Hoàng.

Ngô Minh Thuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.