Multimedia Đọc Báo in

Ông Tây mê cồng chiêng Tây Nguyên

22:03, 19/01/2013

Hình ảnh ông Tây, một mình vác ba lô rong ruổi khắp các buôn làng Tây Nguyên gần 5 năm nay để trải nghiệm và tìm hiểu về cồng chiêng của nhiều tộc người bản địa đã trở nên thân quen và gần gũi với nhiều người. Đầu tháng 12 vừa qua, ông Tây Vincezo Della Ratta trở lại Buôn Ma Thuột để làm việc với cán bộ Bảo tàng Dak Lak và nhờ họ góp ý, giúp đỡ cho anh hoàn thành Luận án Tiến sĩ về cồng chiêng Tây Nguyên.

Dàn chiêng Êđê.                      Ảnh: T.L
Dàn chiêng Êđê. Ảnh: T.L

Tiến sĩ Lương Thanh Sơn - Giám đốc Bảo tàng Dak Lak cho rằng, Thạc sĩ, nhạc công Vincezo Della Ratta chọn cách tiếp cận và nghiên cứu cồng chiêng bằng cách đi thực tế, ghi nhận ý kiến của người dân và các nhà khoa học, sau đó trình bày và bảo vệ quan điểm của mình là rất đáng để học hỏi. Với cồng chiêng Tây Nguyên, chỉ có đi và trực tiếp cảm nhận nó mới thực sự nhận ra đời sống đúng nghĩa của vốn văn hóa độc đáo này. Trong mắt của Vincezo thì cồng chiêng Tây Nguyên đang có sự thay đổi để thích nghi với đời sống xã hội đương đại. Việc thay đổi này không hẳn là tiêu cực, bởi anh cho rằng cồng chiêng phải tìm cho mình một đời sống mới. Chẳng hạn cồng chiêng cùng diễn tấu với đàn ghi ta, rồi biểu diễn với những nhạc cụ hiện đại khác trên sân khấu… là sự giao tiếp mới và không còn bị đóng khung trong “môi trường thiêng” như xưa nữa.

Vincezo thú thật mình đã bị cồng chiêng mê hoặc từ ngày các nghệ nhân buôn Kô Sia (TP Buôn Ma Thuột) sang Turin-Italia biểu diễn năm 2006. Và kể từ đó ấp ủ tìm hiểu cồng chiêng đã lớn dần và cháy bỏng trong anh. Năm 2007, Vincezo bay sang Việt Nam và chọn Tây Nguyên để tìm hiểu, nghiên cứu một cách công phu, chân thật nhất. Anh cho biết, đề tài khoa học phục vụ cho luận án tiến sĩ của mình thật ra bao gồm toàn bộ các nhạc cụ dân tộc, trong đó cồng chiêng là một mảng lớn. Để tiếp cận với nhạc cụ đặc sắc và độc đáo này, Vicezo trực tiếp đi đến các buôn làng để ghi chép, cảm nhận từ đời sống sinh hoạt của người dân. Anh tâm sự, mình thấy thế nào thì ghi chép lại thế ấy, sau đó mang về trao đổi với những người có hiểu biết về cồng chiêng để nhờ họ góp ý thêm. Tuy nhiên, Vicezo cũng bày tỏ quan điểm của mình rằng, những cảm nhận từ thực tế mà anh có được sẽ giúp anh trình bày sự hiểu biết về cồng chiêng Tây Nguyên một cách độc lập trong quá trình bảo vệ luận án, chứ không bị một thiên kiến của ai đó, hoặc bất kỳ sách vở nào chi phối.

Vincezo Della Ratta diễn giải vốn hiểu biết của mình về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Vincezo Della Ratta diễn giải vốn hiểu biết của mình về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Nhiều người am hiểu văn hóa cồng chiêng ở Dak Lak như nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, Tiến sĩ Tuyết Nhung MLô (Trường Đại học Tây Nguyên) và Tiến sĩ Lương Thanh Sơn (Bảo tàng Dak Lak) cho rằng, cách nghiên cứu và tiếp cận của Vicezo là đúng đắn, khoa học. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ, nên khi chạm đến nó không còn cách nào hay hơn là tìm đến đời sống sinh thành ra nó: là buôn làng, nghi thức lễ hội truyền thống của các tộc người bản địa. Hay nói cách khác, phải tìm hiểu cồng chiêng theo hướng tiếp cận đa ngành. Đây cũng là phương pháp nghiên cứu cồng chiêng Tây Nguyên rất thành công của nhiều nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước như Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, Ngô Đức Thịnh, Tô Ngọc Thanh và học giả người Pháp Domenech từ những thập niên đầu thế kỷ trước. Và hy vọng đến lượt Vicezo Della Ratta- nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc người Italia cũng sẽ trình bày với bạn bè thế giới biết được sức sống và sự lan tỏa mới của cồng chiêng Tây Nguyên đương đại.

Cuối cùng, Vicezo thổ lộ: Tôi nhận thấy âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên là một lĩnh vực rất đặc biệt, thú vị và có gì đó bí ẩn. Thật khó có thể diễn tả hết các hiểu biết về cồng chiêng của các tộc người ở đây. Mỗi dân tộc có cách phiên chế dàn chiêng khác nhau và cách chơi cũng không giống nhau. Một điểm giống nhau mà Vicezo tinh tế nhận ra là bất kỳ ở đâu, cồng chiêng cũng đều được biểu diễn thông qua nghi lễ cộng đồng, thông qua tiếng chiêng để thể hiện sự giao tiếp với Yàng, thần linh…và hơn thế là để gắn kết con người lại với nhau.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc