Miền thức cồng chiêng
Tôi vẫn nhớ cảm giác rợn ngợp khi lần đầu tiên chạm đến Trường ca Đam San. Đó là núi rừng thăm thẳm, là lửa thiêng rừng rực trong những mùa lễ hội, là tiếng chiêng “vút bay qua xà nhà vang lên tới chín tầng mây xanh, lọt qua sàn lan đến bảy tầng vực sâu đất đen”; là ước mơ, khát vọng thoát lên từ những trái tim đập trong những lồng ngực vạm vỡ. Ngày ấy, Tây Nguyên trong tôi vẫn còn mơ hồ lắm...
Sự ám ảnh, có ai từng nuôi dưỡng yêu thương bằng sự ám ảnh? Có lẽ không, bởi nỗi ám ảnh sẽ làm trái tim ta run sợ và khước từ tất cả. Vậy mà tôi yêu Tây Nguyên bằng chính những ám ảnh ban sơ, mơ hồ, rợn ngợp bước ra từ sách vở. Để lần đầu tiên, tôi nghe chiêng trong bập bùng lửa thiêng ở một mùa lễ hội, nỗi ám ảnh đã vỡ òa. Đêm trở nên hư ảo, huyễn hoặc trong ánh lửa khi chiêng vang lên trầm bổng. Lời già làng bạt trong đêm, tan vào lửa thổi bùng những khát vọng Đam San. Vẻ đẹp tâm hồn của những người con Tây Nguyên phải chăng chỉ có thể được thoát thai từ âm vang của những chiêng cồng giữa đại ngàn xanh thẳm. Tôi đã hiểu vì sao với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, cồng chiêng là báu vật, thứ báu vật gắn chặt với lịch sử của cả một đời người. Bởi trong thanh âm chắc, khỏe, dồn dập, ngân và vang xa khi như thác reo như gió thổi, khi êm dịu, trầm ấm, sâu lắng kia chính là nhân tố gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và cả tương lai của một cộng đồng. Sợi dây tâm linh ấy nối kết con người với các đấng siêu nhiên, giúp con người bày tỏ niềm mong ước của bản thân cũng như của cộng đồng với thần linh. Có khi họ chỉ thả vào chiêng những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống thường nhật. Giản đơn là vậy nhưng đó chính lại sự kết tinh văn hóa, văn minh của một vùng đất mà thi họa chẳng thể nào phô diễn, lột tả hết được. Có ai yêu thương lưng chừng? Mà cũng đừng nên thương yêu lưng chừng! Yêu thương chỉ có thể là cháy cùng kiệt, đi đến tận cùng! Chiêng là vậy- mỗi thanh âm bật ra là hồn thiêng, nhựa khát; lửa là vậy - cháy đến tàn tro; đêm hội là vậy - những vòng xoang nối dài bất tận trong những cái nắm chặt tay cho ta tạm quên đi bản ngã.
Lớp chiêng trẻ ở buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, niềm hy vọng, tin tưởng của những người già trong nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng |
“Nếu còn nghe thấy tiếng chiêng, ta vẫn như thấy mình còn trai tráng lắm. Buôn mình giờ chẳng còn những mùa ăn năm uống tháng, cũng chẳng còn đâm trâu, chẳng còn cây nêu cao vút tận mây xanh…”. Cũng như Ae Ngoai, trong ánh nhìn của những người già ở buôn Cư Păm, xã Yang Kang đều mang một màu hoài niệm. Chẳng thể không hoài niệm, chẳng thể không day dứt, chẳng thể không rừng rực nỗi nhớ khi linh hồn, xác thể của họ được hoài thai bởi chính thứ âm thanh vang vọng núi rừng, “mật mã” của niềm vui hay nỗi buồn trong từng tiếng âm vang trầm bổng. Chiêng có thể chỉ người giàu mới được sở hữu, bởi ngày ấy chiêng, ché được đổi bằng những trâu những bò, mà chỉ người giàu mới có; nhưng tiếng chiêng thì không phân biệt giàu –nghèo, già - trẻ, gái - trai. Mỗi đứa trẻ đều lớn lên từ lưng mẹ, đều được tắm mình bằng thứ âm thanh trong trẻo của núi rừng qua bao mùa lễ hội. Thế hệ như Ae Ngoai, vì vậy lên mười tuổi đã thuần thục các bài chiêng mà chẳng cần ai chỉ dạy. Chỉ cần cầm lấy chiêng là những thanh âm cứ vút lên, quyện vào gió, tan vào mây, bay khắp rừng già… bởi nó đã như là máu chảy trong huyết quản. Bảy mươi tuổi, Ae Ngoai biết mình cũng chẳng còn có thể chứng kiến bao nhiêu mùa lễ hội. Mà lễ hội bây giờ cũng chẳng còn nguyên vẹn như ngày xưa, bởi không gian thiêng của cồng chiêng đang bị thu hẹp dần. Để rồi trong từng câu chuyện cổ Ae H’wai ở buôn Yang Kang hằng đêm bên bếp lửa nhà dài vẫn kể cho con cháu nghe luôn phảng phất nỗi buồn, nỗi thương nhớ đại ngàn. “Cuộc sống hiện đại, đời sống buôn làng theo đó cũng đã có nhiều đổi thay nhưng tiếng chiêng lại dần thưa vắng bởi những lễ nghi đã bị giản lược đi nhiều. Buôn Cư Păm cũng chỉ còn duy trì được lễ cúng bến nước mà thôi…”. Có lẽ thực trạng đó không riêng chỉ của buôn Cư Păm, cũng không phải là nỗi day dứt của riêng Già làng Ae Ngoai mà còn là nỗi lo cho sự tồn vong của những giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống cộng đồng của các buôn làng hôm nay.
Những lễ hội được duy trì ở các buôn làng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống trước những nguy cơ mai một, thất truyền |
Cuộc sống là sự tiếp nối. Những mùa lễ hội rồi đi qua, cũng có thể bị giản lược dần bởi sự thay đổi khốc liệt của thời gian, ảnh hưởng của toàn cầu hóa, hay chính bởi không gian thiêng, không gian làm nên giá trị văn hóa nhân văn đang bị chính con người “đánh cắp”… nhưng lửa thiêng, hồn chiêng vẫn luôn là mạch nguồn để nuôi dưỡng, bồi đắp, ươm mầm những khát vọng. Vượt qua sự nghiệt ngã của thời gian, mạch nguồn ấy đang tiếp tục được khơi dậy trong tâm hồn của thế hệ trẻ. Nếu ai từng nghe cô bé mười hai tuổi H’Bly H’môk ở buôn Trấp, huyện Krông Ana đánh chiêng, sẽ nhen nhóm trong trái tim niềm vui và sự ấm áp lạ thường. Đó cũng chính là niềm tin của những tâm hồn yêu lửa thiêng, say hồn chiêng, duyên nợ với văn hóa Tây Nguyên khi cảm nhận “mầm” chiêng vẫn đang ngày ngày được ươm lên. “Cháu sinh ra và lớn lên trong tiếng chiêng của bà. Bà chính là người đã truyền lửa cho cháu.” Không dũng mãnh và trầm hùng, rộn ràng và khoáng đạt… tựa như gió ngàn, thác đổ, chỉ ngân lên trong không gian bình dị và đời thường, gần gũi, gắn bó với cuộc sống thường nhật, bà H’riu đã thổi vào tâm hồn thế hệ con cháu của mình như cô bé H’bly bằng những âm thanh của chiêng Jhô như thế. H’Dạo Êban cũng được sinh ra và nuôi dưỡng trong nguồn mạch ấy. Amí Toan, mẹ của cô bé chính là người “truyền lửa” cho em. Tiếng chiêng của bà như chính là lời ru nuôi dưỡng tâm hồn con cháu. Và không ai khác, những thế hệ như H’Dạo Êban, H’bly H’môk… chính là sự tiếp nối để chiêng mãi ngân lên, vang xa. Trong nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống, những lớp dạy đánh chiêng cho lớp trẻ như ở buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin lại mang đến niềm tin cho những người già trước nỗi canh cánh về sự thất truyền, mai một những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Và như Ygo Niê, người phụ trách đội chiêng và là thầy dạy đánh chiêng cho thanh, thiếu niên trong buôn tin tưởng, những lớp chiêng trẻ được duy trì ngoài mục đích bảo tồn còn là để hướng các em về cội nguồn. Tập cho các em đánh chiêng cũng chính là để tập cho các em cảm nhận được những giá trị nhân văn mà ông bà đã để lại với những vui, buồn, hạnh phúc…, mọi cung bậc của cuộc sống được gửi gắm qua những âm thanh ấy, góp phần làm phong phú thêm cho tâm hồn và đời sống tinh thần của các em.
Giữ chiêng đã khó, giữ lấy hồn chiêng càng là niềm đau đáu của người già, của những ai muốn đi đến tận cùng với tình yêu Tây Nguyên. Tôi vẫn luôn tin, niềm tin mãnh liệt vào miền thức ấy, mạch nguồn vẫn đang chảy tự ngàn xưa cho đến tận ngàn sau bởi con người có thể lãng quên nhiều thứ, nhưng không thể quên đi cội nguồn văn hóa, truyền thống dân tộc mình.
Bút ký của Lê Hương
Ý kiến bạn đọc