Nguyễn Trung Ngạn – người đầu tiên lập quỹ cứu tế xã hội
Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) người làng Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, đỗ Hoàng Giáp khoa thi năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long đời Trần. Nguyễn Trung Ngạn không chỉ có tài văn chương mà còn là vị quan có tài, có đức.
Về thơ, Nguyễn Trung Ngạn được Phan Huy Chú trong cuốn “Lịch triều hiến chương, loại chí” nhận xét: “Lời thơ hào mại, phóng khoáng, có khí phách và cốt cách Đỗ Phủ, những câu thơ hay nhiều không kể xiết. Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì thơ thời Thịnh Đường”. Tác phẩm của ông gồm có: Giới Hiên thi tập; Hình luật thư; Hoàng Triều đại điển; Thân chính Đà Giang thực lục; Ma nhai kỹ công bi văn.
Về đường quan, ông được vua Trần Minh Tông cử đi sứ lúc 26 tuổi. Trong cuộc đời làm quan gần 60 năm, ông từng giữ nhiều chức vụ: Nội phó sứ viện nội khu mật, Kiêm an phủ sứ Thanh Hóa, Thông giám, Tể tướng, rồi Tào vận sứ lộ ở Khoái Châu, Kinh lược trấn sứ Lạng Giang (Bắc Giang)… Làm việc gì, ở đâu ông cũng là người thanh liêm, hết lòng tận tụy với công việc. Hai lần được vua giao đi sứ nhà Nguyên, có ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chủ quyền độc lập, dân tộc, ông đều hoàn thành sứ mệnh được lòng dân, ý vua. Và ông là người đầu tiên lập quỹ cứu tế xã hội, giờ ta gọi quỹ hỗ trợ hộ nghèo. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Tháng 9 năm Đinh Sửu, niên hiệu năm khai Hựu thứ 9 (năm 1337) ông làm An phủ sứ Nghệ An. Ông đặt Tào thương kho chuẩn cấp cho dân đói và xuống chiếu cho các nơi bắt chước thế mà làm”. Ông là người có tầm nhìn xa, đã lập các kho thóc để đề phòng cứu dân khi mất mùa hoặc thiên tai địch họa xảy ra, cũng như khi giáp hạt. Từ đấy nhà Trần và các đời vua tiếp theo hình thành quỹ nghĩa thương, có tác dụng hạn chế bọn gian thương buôn bán lúa gạo đầu cơ tích trữ tăng giá. Sau này đến thời Tự Đức việc dự trữ lương thực được tiến hành thường xuyên có tính quốc gia.
Lê Hồng Bảo Anh (st)
Ý kiến bạn đọc