Đặng Huy Trứ - tổ nghề của nhiếp ảnh Việt Nam
“Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt, tuy ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần”, “ngoài nghìn dặm mà vẫn y trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu”…. Những câu văn này như một “tuyên ngôn” cho nhiếp ảnh ở Việt Nam và người được coi là tổ nghề của nhiếp ảnh Việt Nam chính là cụ Đặng Huy Trứ.
Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) |
Đặng Huy Trứ (1825- 1874) là một quan chức lớn triều Nguyễn, có tư tưởng canh tân. Chính vì thế, năm 1865, khi đi sứ Trung Quốc, tới Hương Cảng (Hồng Kông) với nhiệm vụ "Thám phỏng dương tình” (nghe ngóng thái độ của các nước phương Tây đối với ta), ông đã được tận mắt chứng kiến kỹ thuật nhiếp ảnh do người Anh đưa sang, đang được nhiều người ưa chuộng.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà nghiên cứu Hoàng Kim Đáng, thì tại Hương Cảng, ông đã chụp thử hai bức chân dung: một bức mặc Triều phục, một bức ông mặc như thương nhân Trung Quốc và thử vẽ hai bức chân dung nói trên để so sánh. Điều đó cho thấy ý định học nghề ảnh và mở hiệu ảnh ở Hà Nội cũng được hình thành ngay trong chuyến đi ấy. Và thế là 2 năm sau, 1867, Đặng Huy Trứ lại được cử sang Trung Quốc với nhiệm vụ mua sắm vũ khí. Nhân thể, ông thuê một người Trung Quốc tên là Dương Khải Trí mua sắm giúp các dụng cụ máy móc về nhiếp ảnh và ông học cách chụp ảnh để về nước mở hiệu ảnh.
Khi trở về nước, ông lấy hiệu Lạc Sinh Công Điếm và cho sửa sang lại thành tiệm chụp ảnh lấy tên là Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội (nay là phố Ngõ Gạch). Tiệm ảnh này được khai trương vào ngày 14-3-1869.
Như vậy, lịch sử khẳng định rằng nhiếp ảnh Việt Nam do người Việt Nam khởi xướng chính thức ra đời sau nhiếp ảnh thế giới 30 năm. Đặng Huy Trứ đã mở ra một cơ hội lớn để người Việt Nam có thể lưu giữ ký ức của chính mình, của gia đình, dòng họ và quan trọng hơn nữa là lịch sử xã hội bằng hình ảnh. Xét về một khía cạnh nào đó, Đặng Huy Trứ đã mang đến một thứ “chữ viết” mới – một thứ ngôn ngữ hình ảnh - để cộng đồng có thể sử dụng.
Hiện nay, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã mở Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh quốc gia nhằm sưu tầm những bức ảnh về Việt Nam xưa. Những bức ảnh sưu tầm được trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cho thấy các bức ảnh do người Việt Nam chụp phần lớn vẫn là chân dung với tính chất kỷ niệm. Đến khoảng những năm 30 của thế kỷ 20 thì mới xuất hiện nhiều những sáng tác ảnh của người Việt Nam: chụp phong cảnh - xã hội - con người.
Sự vĩ đại của nhiếp ảnh (và sau đó là phim ảnh) chính là ở chỗ nó là phương tiện duy nhất để lưu giữ lại hiện thực bằng hình. Và chính vì quá khứ không thể chụp lại, cho nên mỗi cú bấm máy đều có cơ hội được ghi vào lịch sử. Các bức ảnh cổ về Việt Nam trở thành nguồn ký ức hình ảnh duy nhất về quá khứ của dân tộc. Mỗi bức ảnh mất đi là một phần ký ức ấy bị mất đi vĩnh viễn. Vì thế chúng ta cần phải lưu giữ, sưu tầm trước khi là quá muộn.
(Theo QuehuongOnline)
Ý kiến bạn đọc