Multimedia Đọc Báo in

Bất cập trong quản lý, sử dụng Nhà văn hóa cộng đồng

07:28, 31/03/2013

Những năm qua, Dak Lak đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ) ở các thôn, buôn, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc trong tỉnh có nơi tổ chức sinh hoạt các loại hình văn hóa, nhưng có một thực tế nhiều NVHCĐ được xây khang trang, to đẹp, nhưng lại chưa phát huy được hiệu quả sử dụng, gây lãng phí ngân sách.

 Có NVHCĐ được  xây dựng khang trang, nhưng  ít được  sử dụng.
Có NVHCĐ được xây dựng khang trang, nhưng ít được sử dụng.

Tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được 570 NVHCĐ ở 608 buôn đồng bào DTTS tại chỗ. Đó là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Việc xây dựng NVHCĐ đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc tại chỗ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu, dạy nghề truyền thống; tổ chức hội họp, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…, góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cải thiện đời sống tinh thần, làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa, từ đó đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở buôn làng…

Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh chỉ có 30% NVHCĐ thôn, buôn tổ chức tốt các hoạt động, số còn lại hoạt động trung bình, yếu hoặc không hoạt động. Hầu hết các NVHCĐ ở các thôn, buôn chưa được đầu tư toàn bộ mà chỉ đầu tư từng thành phần như vỏ mà không có ruột. Đơn cử như NVHCĐ buôn Drao, xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) được xây dựng trên khuôn viên khá rộng, mô phỏng theo kiểu nhà dài của người Êđê, nhưng ngoài mấy chiếc quạt máy cũ kỹ, hầu hết các vật dụng (nội thất) phục vụ sinh hoạt của bà con đều thiếu thốn. Ông Y Bhem Niê, Trưởng buôn Drao cho biết, buôn có 150 hộ, trên 900 nhân khẩu, với diện tích 100m2 của NVHCĐ, đủ lớn để bà con tổ chức sinh hoạt cộng đồng ở đây. Tuy nhiên, cứ mỗi lần buôn tổ chức họp hội gì đều phải mượn ghế ngồi của trường học bên cạnh. Tương tự, người dân buôn Pốk B, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) cũng phải tự mua sắm “chỗ ngồi” cho mình khi đến sinh hoạt tại NVHCĐ của buôn. Theo ông Nguyễn Văn Thân, trưởng buôn Pốk B, trong khi chờ kinh phí của cấp trên đầu tư trang thiết bị thì buôn vận động bà con bỏ tiền túi ra để mua mỗi hộ 1 cái ghế phục vụ trong lúc sinh hoạt. Không những thế, hầu hết cơ sở vật chất ở các nhà NVHCĐ cũng bị hư hỏng, nhưng chưa được cấp kinh phí sửa chữa nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Một số công trình không được bảo vệ, bảo quản nên các cửa chính, cửa sổ đều bị vỡ gương, bụi bẩn bám đầy nền nhà trông rất nhếch nhác; việc dọn dẹp vệ sinh ở NVHCĐ trở nên xa lạ đối với người dân và ngay cả ban tự quản thôn, buôn. Hiếm hoi lắm, mỗi năm các đoàn thể thanh niên, phụ nữ hay học sinh ở các trường học đóng chân trên địa bàn tổ chức quét dọn được một, hai lần. Chưa kể khi xây dựng NVHCĐ, cơ quan chức năng cũng không quan tâm đến hệ thống công trình phụ như giếng nước, nhà vệ sinh, hàng rào bảo vệ xung quanh nên gây nhiều bất tiện cho người dân khi tham gia các hoạt động tại đây. Tình trạng hoạt động không hiệu quả ở các NVHCĐ còn do đa số ban chủ nhiệm chưa thật sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch (dù đã được tập huấn nghiệp vụ); các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở chưa có sự phối hợp đồng bộ, hoạt động mang tính thời vụ, không thường xuyên, nội dung còn đơn điệu, không lôi cuốn đồng bào đến tham dự. Nếu như có NVHCĐ được xây dựng với quy mô hoành tráng, nhưng ít được sử dụng thì ở một số nơi, nhu cầu về NVHCĐ trở thành bức thiết nhưng lại bị “vướng” do chưa bố trí được mặt bằng, kinh phí nên phải mượn trụ sở sản xuất hoặc nhà dân để tổ chức sinh hoạt.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã có Chỉ thị về việc nâng cao hiệu quả hoạt động NVHCĐ ở các thôn, buôn trong thời gian tới, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như các địa phương phải ưu tiên quỹ đất để xây dựng NVHCĐ, bố trí kinh phí để mua sắm trang thiết bị; tích cực tuyên truyền để người dân phát huy tinh thần trách nhiệm  và tự giác trong việc giữ gìn, tôn tạo, sử dụng NVHCĐ; vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; phấn đấu đến năm 2015 có 100% thôn, buôn trên địa bàn tỉnh có NVHCĐ hoàn chỉnh các hạng mục và đầy đủ trang thiết bị cần thiết…

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc