Di văn trên vật liệu xây Thành nhà Hồ
Di tích lịch sử Thành nhà Hồ nằm tại huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) là một công trình kiến trúc độc đáo vào bậc nhất trong lịch sử quân sự nước ta, một công trình kiến trúc đẹp nhất Việt Nam trước đây. Xung quanh kiến trúc này còn rất nhiều những danh thắng nổi tiếng và những câu chuyện của hơn 600 năm về trước.
Di tích Thành nhà Hồ. |
Cụm di tích Thành nhà Hồ bao gồm: Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận như: đền thờ Trần Khát Chân, động Hồ Công chúa Du Anh, động Kim Sơn, đàn Nam giao... đã tạo nên một quần thể di tích có giá trị. Cụm di tích này bên cạnh những giá trị đặc sắc về mặt kiến trúc, lịch sử... thì một trong những nét độc đáo của nó mà không phải nơi nào cũng có được, đó là hiện nay tại đây còn lưu giữ một khối lượng di văn bia Hán Nôm khá lớn. Những di sản Hán Nôm tại Thành nhà Hồ, động Hồ Công chúa Du Anh là những tài liệu quý giá trên các mặt văn hóa lịch sử rất có ích cho các nhà nghiên cứu.
Thành nhà Hồ là một di tích lịch sử hơn 600 năm qua đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, biến thiên của lịch sử. Biết bao lớp trầm tích về văn hóa đã tích đọng lại nơi tòa thành bằng đá này. Những câu hỏi như: Những khối đá khổng lồ có khi nặng hơn 15 tấn đã được đưa từ đâu đến Tây Giai (Tây Giai là địa danh bên cạnh Thành nhà Hồ nên cũng gọi là thành Tây Giai), di chuyển bằng phương tiện gì, đưa chúng lên cao bằng cách nào…? Thành nhà Hồ là một trong số ít di tích lịch sử - văn hóa ở nước ta được Nhà nước xếp hạng đợt đầu tiên năm 1962. Có thể coi Thành nhà Hồ là một di sản văn hóa đặc sắc của Thanh Hóa nói riêng, và của Việt Nam nói chung. Một công trình kiến trúc độc đáo vào bậc nhất trong lịch sử quân sự nước ta. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại sự kiện vua nhà Hồ là Hồ Hán Thương (con trai Hồ Quý Ly – thái thượng hoàng) xây thành vào năm Tân Tỵ (1401): “Hán Thương ra lệnh cho các lộ nung gạch để dùng vào việc xây thành. Trước đây xây thành Tây Đô, tải nhiều đá tới xây, ít lâu sau bị sụp đổ, đến đây mới xây trên bằng gạch, dưới bằng đá”. Tuy nhiên, hiện nay do tình trạng di tích trải qua thời gian hơn 600 năm và chiến tranh tàn phá nên hệ thống gạch ở trên bờ thành đã không còn nữa, hiện nay chỉ còn lại lác đác ở một vài điểm trên bờ thành những miếng gạch nhỏ vỡ.
Về vấn đề xây dựng thành, vật liệu chủ yếu là đá tảng lớn được khai thác tại núi An Tôn cách thành khoảng 5-7km; tại ngọn núi này người ta đã tìm ra công trường khai thác đá lớn để đục đẽo các tảng đá lớn phục vụ cho việc xây thành. Những tảng đá lớn từ vài tấn trở lên được chế tác đục đẽo sơ bộ rồi mới được chuyển về theo đường thủy. Tại điểm tập kết xây thành, các tảng đá được chế tác tinh xảo làm nhẵn bề mặt trước khi xây. Mặc dù chủ yếu được xây dựng bằng đá, nhưng do thành xây bị sụt nhiều lần nên phải dùng gạch để xây phía bên trên như sách Đại Việt sử ký toàn thư đã nhắc đến.
Những viên gạch xây Thành nhà Hồ. |
Qua khảo sát các viên gạch được tìm thấy tại di tích này, một số cán bộ ở Ban quản lý di tích Thành nhà Hồ cho biết những viên gạch này được cán bộ nhân viên đi sưu tầm quanh khu vực thành và một số là khảo cổ học tìm được, cụ thể các viên gạch này được tìm thấy ở các địa phương như làng Xuân Giai, Tây Giai, làng Đông Môn… và một số dưới chân thành. Hiện nay, số gạch đã sưu tầm được tại cụm di tích này rất phong phú về chủng loại, ở nhiều địa phương khác nhau. Các viên gạch phát hiện tại Thành nhà Hồ có chức năng dùng để xây và chèn trên bờ thành và để lát các công trình kiến trúc bên trong thành như nhà cửa, cung điện… Theo ước tính hiện nay số gạch đã phát hiện lên đến vài chục ngàn viên, kể cả những viên vỡ, trong đó số gạch còn nguyên vẹn và có di văn chữ Hán – Nôm có khoảng gần 600 viên. Theo khảo sát của chúng tôi; loại gạch này có những thông số như sau: chiều cao 9cm; rộng 24cm; dài 48cm; nặng từ 10-15kg/viên. Gạch màu đỏ au, còn rất tốt, được nung từ các xã lân cận và một phần chuyển ở Thăng Long về đây.
Trong số gần 600 viên gạch có văn tự Hán – Nôm, chúng tôi đã đọc được một số cơ sở nung như: Cương xã; Đông Sơn Hoàng xã; Vĩnh Ninh trường; Tuyên Quang giang phù luật huyện; Ca Xá xã; Thượng Niệm xã; Giang Tây quận; Tuyên Quang trấn; Tam Đới châu; Ngưu Lan cự lục xã; Cừ Xá xã; Bái xã; Trịnh Xá xã; Đào Xá xã; Thượng Hộ xã; Thổ Vị xã; Chế xã; Đa Mang Nê xã Tảo phường; Phan Xã làng; Bổng Điền pháp… Nhìn chung các địa phương này đều mang tới những viên gạch rất chất lượng, màu gạch đỏ; đẹp sau bao nhiêu năm mà vẫn không bị mục nát. Hiện nay, một số lớn vẫn còn dùng lát sân đình làng Xuân Giai.
Qua văn tự Hán – Nôm trên gạch có thể giúp cho các nhà nghiên cứu xác định được địa điểm chế tác gạch, nguồn gốc của những viên gạch vận chuyển từ các địa phương khác đến, cũng như xác định niên đại của hiện vật này. Các chữ Hán trên gạch tại Thành nhà Hồ mà chúng tôi có dịp tiếp cận sẽ là nguồn tư liệu đáng tin cậy để tiếp tục công tác nghiên cứu về di văn Hán - Nôm trên gạch tại di tích này. Còn có nhiều những viên gạch khác đang nằm rải rác trong các nhà dân quanh khu vực vòng thành, theo các cán bộ của Ban quản lý sẽ có kế hoạch sưu tầm tiếp để làm phong phú kho hiện vật của di tích, hướng đến mở rộng việc khai quật khảo cổ học.
Văn tự Hán – Nôm xuất hiện nhiều tên của các cơ sở đúc gạch, điều này cho thấy, lượng gạch được sử dụng trong việc xây thành là rất lớn, và được vận chuyển từ nhiều nguồn khác nhau. Qua khảo sát bước đầu có cả gạch của Trung Quốc (Giang Tây). Tuy nhiên, để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, các nhà nghiên cứu ngoài việc xác định nguồn gốc của các cơ sở chế tác gạch thông qua chữ Hán – Nôm trên gạch mà còn phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác để có thể tìm ra được niên đại chính xác cho hiện vật mang tin này.
Hiện nay, phòng trưng bày Di tích Thành nhà Hồ đã mở cửa để phục vụ du khách tới tham quan nghiên cứu về văn hóa, kiến trúc, khảo cổ… Cũng trong phòng trưng bày này, du khách còn có thể nhìn thấy hàng trăm viên bi đá dùng để làm những con lăn để vận chuyển đá xây thành, cũng như một số khác được dùng để làm đạn bảo vệ cho thành.
Nguyễn Huy Khuyến
Ý kiến bạn đọc