Multimedia Đọc Báo in

Nhóm nhạc Nhà sàn: Hát bằng niềm đam mê

20:27, 06/04/2013

“Mẹ trồng cây che gió mưa, che ánh nắng mặt trời, che cho con qua đi, con hát say mê, ô ố ô ô hồ. Chim Phí bay ngang qua, ngang qua bầu trời. Chim Chôm, chim Chôm vẫn bay về cội nguồn…”.

Giọng hát mượt mà cất lên, hòa điệu, quấn quýt cùng tiếng nhạc, chứa đầy xúc cảm, đậm chất hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên khiến người nghe như đắm chìm vào giai điệu… là những ấn tượng khi lần đầu được xem nhóm nhạc Nhà sàn biểu diễn.


Nhóm nhạc Nhà sàn biểu diễn trong một chương trình giao lưu văn nghệ.
Nhóm nhạc Nhà sàn biểu diễn trong một chương trình giao lưu văn nghệ.

 

Được thành lập gần hai năm nay, nhóm nhạc Nhà sàn gồm 6 chàng trai Êđê luôn có mặt trong những buổi biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền lưu động do Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Cư M’gar tổ chức tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Những chàng trai trẻ ở buôn Pôk (thị trấn Ea Pôk) này hầu hết đều tự học chơi nhạc. Chỉ có Trưởng nhóm Y Nem Ajun (32 tuổi) là được học hành bài bản, tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội nhưng là chuyên ngành về quản lý văn hóa. Ra trường về công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Cư M’gar, thấy một số anh em trong buôn mê nhạc, biết chơi ghita nên Y Nem nảy ý định tập hợp anh em tập thử và “thấy cũng được”, lại được các cán bộ ở Trung tâm động viên, khuyến khích, thế là ban nhạc hình thành. Cả nhóm chọn tên “Nhà sàn” bởi nhiều ý nghĩa: nhà sàn là nơi mọi người trong nhóm sinh ra và lớn lên, gắn bó suốt cả cuộc đời; nhà sàn còn là một nét văn hóa đặc trưng của người Êđê, nay đang ngày càng bị mai một… nên việc đặt tên nhóm còn thể hiện mong muốn của ban nhạc trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống.

Nhóm nhạc được thành lập, phân công nhiệm vụ phù hợp với sở trường của từng người: Y Nem chơi trống, đồng thời bằng vốn kiến thức được học hành bài bản nên có nhiệm vụ phối nhạc; Y Jớ Niê chơi ghita bass; Y Simân và Y Siên chơi ghita solo; Y Linh Êban hát chính, còn Y Yakốp chơi saker. Thời gian đầu, nhóm không có nhạc cụ để tập, chỉ có một cây đàn ghita cũ, trống và saker do Y Nem có từ hồi còn ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau đó mọi người góp vào 6 triệu đồng mua được hai cây đàn ghita. Một thời gian sau, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tạo điều kiện cho nhóm mượn phòng tập, hỗ trợ thêm về phần âm thanh mỗi khi nhóm biểu diễn và tặng nhóm một cây đàn ghita bass. Được động viên và tạo điều kiện như vậy, anh em trong nhóm rất phấn khởi, càng quyết tâm tập luyện chăm chỉ hơn. Do mỗi người đều có một công việc khác nhau, người làm nông, người còn đang đi học… nên cả nhóm chỉ tranh thủ tập cùng nhau vào những ngày nghỉ, dịp cuối tuần. Những ca khúc về Tây Nguyên của các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Y Phôn Ksor, Linh Nga Niê Kdăm, Quang Dũng… được trưởng nhóm Y Nem phối lại dựa trên thế mạnh của các thành viên trong nhóm, phân công người hát chính, người bè…

Cứ thế gần hai năm nay, nhóm nhạc Nhà sàn mải mê tập luyện, mải mê biểu diễn ở các buôn làng. Hầu như buổi diễn văn nghệ hay tuyên truyền nào của Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện cũng có sự tham gia của nhóm; chẳng tính toán đến “cát-sê”, cứ vô tư hát với tất cả nhiệt tình và niềm đam mê của mình. Các ca khúc như “Mưa cao nguyên”, “H’Zen lên rẫy”, “Chim phí bay về cội nguồn”, “Gọi em”, “Đôi chân trần”, “Giấc mơ Chapi”… do nhóm thể hiện rất được bà con các buôn làng yêu thích. Tuy chất giọng còn thô mộc, phong cách biểu diễn chưa thật sự chuyên nghiệp, song nhóm luôn được bà con cổ vũ nhiệt tình bởi sự hồn nhiên, tình cảm, hết mình ở từng tiết mục khiến người nghe thực sự rung động, cảm nhận được chất lửa trong tim của những chàng trai trẻ.

Dù tự nhận chỉ là chơi nhạc nghiệp dư nhưng nhóm nhạc Nhà sàn cũng ấp ủ nhiều dự định và mơ ước. Ý định trước mắt là các thành viên sẽ trau dồi thêm kiến thức về âm nhạc, như Y Linh Êban sẽ đi học về thanh nhạc để biết cách lấy hơi, nhả giọng cho đúng, cho mượt mà hơn, “đánh bóng” thêm sự thô ráp trong giọng hát của mình; các thành viên khác cũng tìm hiểu, bổ sung thêm kiến thức về âm nhạc… Và mong muốn của nhóm là có sự giúp đỡ, hướng dẫn của các nhạc sĩ cũng như có điều kiện để biểu diễn nhiều nơi trong tỉnh chứ không bó hẹp trong địa bàn Cư M’gar để có nhiều cơ hội được chơi nhạc và hát, được gặp gỡ, giao lưu bà con ở khắp các buôn làng.

Thủy Anh


Ý kiến bạn đọc