Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, biểu tượng minh chứng cho lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ của cha ông
Khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ truyền thống được tổ chức vào tháng Hai hoặc tháng Ba (âm lịch) hằng năm tại huyện đảo Lý Sơn. Nghi lễ này đã tồn tại hàng trăm năm qua, in sâu trong tâm thức mỗi người dân và đã trở thành một trong những nét sinh hoạt tinh thần tiêu biểu của cư dân vùng huyện đảo.
Nguồn gốc của nghi lễ Khao lề thế lính gắn liền với sự hình thành và sứ mệnh lịch sử của đội hùng binh Hoàng Sa. Theo các tư liệu lịch sử, ngay từ khi vào trấn nhậm phía Nam Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa vào cuối thế kỷ 16 hoặc đầu thế kỷ 17, và bị “triệt bãi” có lẽ là vào những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Mỗi chuyến ra khơi có 70 suất đinh phiên chế hằng năm cho đội Hoàng Sa trước hết là của làng An Vĩnh, về sau còn có thêm người của làng An Hải trong đất liền, cả người làng An Vĩnh và An Hải ngoài Lý Sơn. Và đến đầu thế kỷ 19 trở về sau, đội Hoàng Sa chủ yếu là người An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.
Thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa, người lính phải lênh đênh cùng sóng gió trong 6 tháng ròng trên những chiếc thuyền câu, số phận xem như đành gửi theo trời mây và bọt biển. Tên tuổi của những người xấu số ra đi không có cơ may trở về được sử sách ghi lại, như Cai đội Võ Văn Khiết (1786), Cai đội Võ Văn Phú (1803), Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835)...
Đây là những người được nhà Tây Sơn, vua Gia Long, vua Minh Mạng cử đi Hoàng Sa, kiêm quản Trường Sa không chỉ tìm kiếm hải vật, sản vật, đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, mà còn cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mong muốn người ra đi còn may mắn trở về, người dân làng An Vĩnh, An Hải và nhiều nơi khác dọc ven biển Quảng Ngãi, làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm khao quân, tế sống và cả làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó và mặt khác còn để tế lễ và tưởng nhớ những người lính đi thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất.
Khao lề 70 binh phu đi Hoàng Sa trên 5 chiếc thuyền câu |
Lễ Khao lề thế lính từ lâu đã trở thành một biểu tượng minh chứng cho lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ của cha ông thời xa xưa.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được tổ chức vào ngày 28-4, tại Di tích quốc gia đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nhân dịp này, huyện đảo Lý Sơn cũng tổ chức đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ Khao lề thế lính và bằng Di tích quốc gia đình làng An Vĩnh.
Nguồn chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc