Người miệt mài 20 năm đi tìm đá làm bản đồ
Từ trước đến nay, đã có nhiều người thể hiện tình yêu quê hương đất nước bằng việc tạo hình bản đồ Việt Nam với nhiều chất liệu khác nhau. Tấm bản đồ Việt Nam của ông Nguyễn Văn Minh (71 tuổi, ngụ tại phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những tấm bản đồ đặc biệt, được chế tác bằng đá, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp chứng nhận bản quyền và được ghi vào sách Guinness Việt Nam…
Ông Nguyễn Văn Minh giới thiệu về tấm bản đồ bằng đá độc đáo. |
Ông Nguyễn Văn Minh nguyên là kỹ sư nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, rồi Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng và nay đã về hưu. Điều đáng nói là ông Minh đã dành thời gian 20 năm đi khắp mọi miền Tổ quốc để sưu tầm đá phục vụ cho ý tưởng làm tấm bản đồ độc đáo này. Những viên đá ông sưu tầm được cũng rất đặc biệt, được chọn, lấy từ các di tích lịch sử của các địa phương. Đó là những viên đá được mang về từ gò Đống Đa - địa danh gắn với sự kiện năm 1789, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đại phá 20 vạn quân Thanh; hay đá lấy từ Đền Hùng (Phú Thọ) – nơi cội nguồn của dân tộc; rồi viên đá được mang từ núi Vọng Phu (Lạng Sơn) - nơi nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng; viên đá lấy ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) - nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh để bảo vệ quê hương… Ông còn ra Nghệ An lấy đá ở chân núi Đại Huệ - nơi thân mẫu Bác Hồ yên giấc ngàn thu; lên Hà Giang lấy đá dưới chân cột cờ Lũng Cú – nơi địa đầu Tổ quốc; đến TP. Hồ Chí Minh lấy đá ở địa đạo Củ Chi và bến cảng Nhà Rồng – nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; xuống Cà Mau lấy đá ở đất Mũi – nơi tận cùng là mũi thuyền của Tổ quốc như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng miêu tả… Các đảo và quần đảo như: Trường Sa, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc… thậm chí cả các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan… đều được ông đặt chân đến để sưu tầm đá.
Những viên đá sưu tầm được ông sắp xếp tạo thành một tấm bản đồ hình Việt Nam có chiều dài 2m và chiều rộng 1m. Đá lấy từ địa phương nào thì ông sắp xếp đúng với địa phương đó trên bản đồ. Chỉ sắp xếp từ những viên đá thôi nhưng tấm bản đồ hình Việt Nam được thể hiện rất sinh động, có đầy đủ các đảo và quần đảo của nước ta. Trên những viên đá ông có chú thích từng địa phương của nước ta một cách rõ ràng. Tấm bản đồ của ông được nhiều người ưa thích và thán phục. Nhiều du khách đến Đà Lạt đã chọn nhà ông Minh để chiêm ngưỡng tấm bản đồ độc đáo này.
Ông Minh chia sẻ: “Tôi thấy đất nước mình đẹp lắm, đâu đâu cũng thấy vẻ đẹp; mỗi địa phương có một vẻ đẹp và một nét văn hóa riêng. Đến các di tích lịch sử của mỗi địa phương lại cho một cảm giác khác đặc biệt. Đi sưu tầm đá ở khắp mọi nơi làm tôi thấy yêu đất nước vô cùng. Đó là động lực giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện ý tưởng chế tác tấm bản đồ bằng đá với tên gọi “Hình thể bản đồ Việt Nam bằng đá các vùng miền”.
Chuyện tìm đá của ông Minh có nhiều trắc trở và bi hài. Ông kể có lúc suýt bị gãy tay, chân vì trèo đèo, lội suối lấy đá. Có những chuyến du lịch ông trở về với một ba lô nặng trịch, mọi người tưởng quà, nhưng mở ra chỉ toàn là đá. Gia đình ông cũng có nhiều phàn nàn về sở thích của ông nhưng rồi sau đó không ai nói gì nữa bởi mọi người biết rằng tâm huyết của ông là rất lớn và đã ăn sâu vào huyết mạch. Thời gian nghỉ phép, thăm thú bạn bè, hay đi du lịch... nơi nào có di tích lịch sử - văn hóa của đất nước thì ông lại bất chấp khó khăn, nguy hiểm, mang ba lô độc hành quên cả mệt mỏi, cát bụi đường xa để tìm kiếm và thu gom đá.
Đặc biệt, để có những chiêm nghiệm chuyên sâu tận cùng về đá, ông Minh đã tự tay sưu tầm và biên soạn cuốn sách “Hình tượng đá trong thi ca Việt Nam” với gần 300 trang đã được Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin cho xuất bản năm 2011. Trong đó ông đã sưu tầm hàng trăm bài ca dao, tục ngữ và rất nhiều bài thơ của nhiều tác giả từ cổ đến kim nói về hình tượng đá; qua đó giúp độc giả hiểu hơn và thấy được đá cũng có một chỗ đứng quan trọng trong thi ca.
Lê Khắc Niên
Ý kiến bạn đọc