Multimedia Đọc Báo in

Tiếng hát một thời để nhớ

07:44, 25/04/2013

Họ là những chàng trai, cô gái mười chín, đôi mươi của một thời khói lửa, gửi lại ruộng vườn nương rẫy để đi theo cách mạng, đem lời ca, điệu múa phục vụ chiến sĩ ngoài tuyến lửa hay đồng bào vùng giải phóng, với niềm khát khao cháy bỏng về một ngày đất nước thống nhất…

Hát cho bà con vui, chiến sĩ phấn khởi

Giờ đây, tóc đã ngả màu, cựu diễn viên Đoàn Văn công Dak Lak  vẫn hăng say biểu diễn phục vụ bà con vùng căn cứ.
Giờ đây, tóc đã ngả màu, cựu diễn viên Đoàn Văn công Dak Lak vẫn hăng say biểu diễn phục vụ bà con vùng căn cứ.

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi đến thôn 1 xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) tìm gặp ông Krông Y Tuyên-là diễn viên múa của Đoàn Văn công Dak Lak trong kháng chiến chống Mỹ. Nghe nhà có khách, ông Y Tuyên ra tận cửa đón tiếp. Rất cởi mở, người diễn viên không chuyên (ông tự nhận như thế) đã trải lòng mình về phong trào văn nghệ quần chúng “tiếng hát át tiếng bom” trong các buôn làng, dinh điền, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong những năm 1965-1975. Ông kể: “15 tuổi thoát ly gia đình (tại buôn K’la, xã Ea Na, huyện Krông Ana) tham gia Đoàn văn công B3. Ban đầu theo các cô, chú múa phụ họa, một thời gian trưởng đoàn thấy tôi có chất giọng khỏe nên biểu lên hát. Do thiếu tự tin và chưa có kinh nghiệm biểu diễn nên chỉ hát tốp ca, khi đã làm chủ được sân khấu mới dám hát đơn ca”. Đoàn Văn công Dak Lak lúc ấy có hơn 20 cán bộ, diễn viên; tuổi đời khoảng mười chín, đôi mươi, thậm chí có người mới 14 tuổi đã thoát ly tham gia văn công nên tràn đầy nhiệt huyết, niềm tin của tuổi trẻ. Mỗi khi Đoàn biểu diễn ở đâu là tất cả diễn viên cùng hòa mình, khẩn trương triển khai sân khấu phục vụ. Lịch biểu diễn của Đoàn là biểu diễn phục vụ bà con vào ban đêm, còn phục vụ bộ đội vào ban ngày.

Mặc cho bom rơi, đạn nổ, tiếng hát vẫn át tiếng bom; những điệu múa, tiếng đàn vẫn bay lên trải dài theo những bước chân của chiến sĩ trên khắp nẻo chiến trường, ngân vang tại vùng mới giải phóng vận động bà con xây dựng đời sống mới: thực hiện ăn chín uống sôi, xây dựng hũ gạo tiết kiệm nuôi quân, tích cực tham gia tòng quân; vận động sửa đổi các phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số… Mười năm gắn bó với Đoàn Văn công Dak Lak, trong đời diễn viên “chiến trường” đầy gian khổ, hiểm nguy nhưng cũng rất đỗi tự hào, ông Y Tuyên không bao giờ quên chuyến đi  biểu diễn phục vụ Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sĩ thi đua Mặt trận Tây Nguyên, tổ chức tại Campuchia năm 1968. Khi đang vượt rừng đến địa điểm tổ chức Đại hội, thì bị địch phục kích. Do bị bất ngờ, mọi người trút bỏ những vật dụng cồng kềnh, tìm nơi trú ẩn. Trực thăng quầng đảo trên bầu trời, đạn bắn xối xả vào cánh rừng nơi Đoàn trú ẩn như vãi cát. Hơn một giờ sau, khi tiếng nổ tắt, khói lửa mịt mù đã tan, anh em lồm cồm bò dậy kiểm tra tư trang thì hỡi ơi, chiếc đàn T’rưng đã bị bắn nát vụn, may mắn cây đàn mandolin và accordion nhỏ gọn được anh em mang trên mình còn nguyên vẹn. Giải pháp “chữa cháy” nhanh chóng được đưa ra là vừa hành quân vừa chọn tre nứa để khôi phục cây đàn T’rưng. Lạ lùng thay, âm thanh của cây đàn T’rưng “dã chiến” dù chế tác vội nhưng vẫn khá chuẩn lại hòa nhịp cùng với giai điệu hào hùng nhưng cũng rất trữ tình của những ca khúc cách mạng, khiến con tim hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thêm phấn chấn, tin yêu”. Khi biết anh em trong Đoàn tự chế tác nhạc cụ trên đường hành quân, đại biểu tham dự Đại hội khâm phục lắm. Những tiết mục Đoàn biểu diễn liên tiếp nhận được những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Điều này đã khích lệ cả Đoàn, động viên nhau cố gắng hát thật hay để bà con vui, để bộ đội có thêm dũng khí xông pha nơi trận tuyến.

Nhớ diễn viên múa kiêm MC duyên dáng

Vợ chồng diễn viên Krông Y Tuyên lần giở những kỷ niệm của những năm tháng biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ, phục vụ bà con.
Vợ chồng diễn viên Krông Y Tuyên lần giở những kỷ niệm của những năm tháng biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ, phục vụ bà con.

Khoảnh khắc về một thời hoa lửa “Tiếng hát át tiếng bom” như sống lại khi cựu diễn viên múa Mai Thị Hoa thể hiện những động tác uyển chuyển và giới thiệu các tiết mục văn nghệ bằng tiếng Êđê từng một thời là tiết mục “độc” của Đoàn. Nở nụ cười thật hiền, bà Hoa bồi hồi nhớ lại: “Khi giới thiệu các tiết mục văn nghệ của Đoàn Văn công Dak Lak, ngoài tiếng phổ thông, tôi còn giới thiệu cả tiếng Êđê. Dẫu rất ít cán bộ, chiến sĩ biết tiếng Êđê, nhưng khi nghe người dẫn chương trình của Đoàn Dak Lak giới thiệu, từng tràng pháo tay cứ vang lên, vang lên. Một lần, vì sức khỏe không tốt nên tôi chỉ giới thiệu tiếng phổ thông, chờ hoài không thấy phần giới thiệu tiếng Êđê, cán bộ, chiến sĩ đã yêu cầu Đoàn Dak Lak giới thiệu lại. Từ đó trở đi, phần giới thiệu bằng tiếng Êđê đã trở thành một tiết mục đặc sắc của Đoàn Văn công Dak Lak. Sự chào đón nồng nhiệt của khán giả đã thôi thúc, động viên diễn viên “cháy hết mình” để sao cho đồng bào thêm vui, bộ đội thêm phấn khởi. Hồi ấy, điều kiện rất khó khăn, bà con tự đốt đuốc để anh em biểu diễn. Để có phục trang biểu diễn, ngoài gửi người mua vải ở TP. Buôn Ma Thuột hay Phú Yên, anh chị em trong Đoàn phải dùng màu tự nhiên để nhuộm vải và cắt may những bộ đồng phục. Nhưng  chất liệu và kiểu dáng cũng rất đơn giản, gọi là cho “có chút văn công”, bà Hoa tủm tỉm. Sân khấu, phục trang không lung linh, không sắc màu rực rỡ, nhưng những diễn viên văn công vẫn cất tiếng hát giữa tiếng bom rền đạn nổ. Họ cùng ngồi bệt xuống nền nhà, ngồi gần, rất gần các chiến sĩ, cùng hát, cùng trò chuyện bằng lời, bằng mắt. Cả diễn viên và khán giả cùng cháy hết mình mà không để ý đến thời gian, sức khỏe. Có hôm nhạc công ốm đột xuất, những người đứng phía sau sân khấu vẫn đánh nhạc bằng miệng để giữ nhịp cho diễn viên múa trên sân khấu. Bà Mai kể tiếp: “Dù biểu diễn trong điều kiện khó khăn, nhưng tất cả các chương trình đều được dàn dựng và tập luyện rất công phu. Có những điệu múa đã biểu diễn trước đó, nhưng hôm sau biểu diễn lại vẫn phải tập”. Giờ đây khi đã bước qua tuổi 60, đôi tay không còn mềm dẻo, thân hình không uyển chuyển như thưở mười chín, đôi mươi nhưng niềm đam mê nghệ thuật múa vẫn luôn cháy mãi trong lòng cô văn công thuở nào. Hiện bà Hoa và một số cựu diễn viên của Đoàn Văn công Dak Lak trong kháng chiến chống Mỹ đã thành lập “Câu lạc bộ cựu diễn viên”, thường xuyên trở về vùng căn cứ biểu diễn phục vụ bà con, và để tìm về ký ức của một thời đã xa…

Hát, múa bằng cả trái tim

Đội múa Đoàn Văn công Dak Lak trong kháng chiến chống Mỹ.
Đội múa Đoàn Văn công Dak Lak trong kháng chiến chống Mỹ.

“Cuộc đời mỗi người được chia thành nhiều chặng đường, mỗi chặng đường để lại nhiều xúc cảm khác nhau, nhưng với tôi ký ức một thời là văn công kháng chiến phục vụ đồng bào, bộ đội vẫn như mới diễn ra ngày hôm qua” - bà H’Măng, diễn viên múa của Đoàn Văn công Dak Lak bồi hồi nhớ lại. Bà nhớ như in những lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội, phục vụ bà con và cả những lần bị địch phục kích trên đường hành quân. Các buổi biểu diễn của văn công tuy mộc mạc, giản dị, nhưng chất chứa nghĩa tình quân dân luôn được bà con đón nhận bằng cả tấm lòng. Sân khấu chỉ là bãi đất trống nhưng cũng khá đủ để ca sĩ, diễn viên trình diễn, còn bà con thì vây quanh chật kín để xem. Sự chào đón nồng nhiệt của khán giản đã thôi thúc diễn viên hát bằng cả trái tim và tình yêu thương. Khó có thể kể hết những gian nan, vất vả, thậm chí phải đối mặt với hiểm nguy trong những lần đi biểu diễn, nhưng ai nấy đều háo hức, mong đợi. Mỗi chuyến về cơ sở biểu diễn phải đi bộ từ 2 đến 3 ngày đường, hành trang ngoài đạo cụ, trang phục, phông màn còn là gạo, muối... Có hôm trên đường hành quân gặp một đơn vị bộ đội dừng chân ở trạm giao liên yêu cầu hát, thế là cả đoàn dừng lại phát quang một vạt cỏ, dựng tạm vài tấm phông màn làm sân khấu dã chiến để phục vụ các chiến sỹ. Diễn viên cũng không trang điểm cầu kỳ, có người còn để mặt mộc lên sân khấu biểu diễn nhưng trước yêu cầu của bộ đội vẫn hát một lèo mấy bài. Bà H’Măng kể: diễn viên hồi ấy rất đa tài, vừa biết hát, vừa biết múa và kiêm luôn dẫn chương trình (để chẳng may nếu một thành viên trong Đoàn bị ốm vẫn có người để thay thế). May mắn hơn nhiều anh chị em trong Đoàn, 12 tuổi bà được gửi đi học ở Trung ương Cục miền Nam (rừng Rùm Đuôn, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Ngoài học văn hóa, thời gian còn lại bà được các cô, chú Đoàn Văn công Tây Nguyên dạy múa căn bản, nên đã nhanh chóng lĩnh hội những bài múa mới do biên đạo múa Ma Nô và K’Pă Pui biên soạn. Bà H’Măng không chỉ biết múa solo, duo, trio, múa tình tiết, múa tập thể mà còn có thể thực hiện được những động tác múa của diễn viên nam. Nhỏ con, nhanh nhẹn nên bà được anh em trong Đoàn đặt cho biệt danh là gà le. Bà H’Măng cho biết: so với văn công các tỉnh Gia Lai, Kon Tum thì dàn diễn viên của Dak Lak tương đối đồng đều và rất trẻ nên được đánh giá rất cao. Có rất nhiều điệu múa, nhưng 2 bài Lễ đâm trâu và Cơ cá drăm dra được đồng bào và bộ đội yêu thích và yêu cầu biểu diễn nhiều nhất. Dừng câu chuyện, bà H’Măng hát khe khẽ một đoạn bài  “Tiếng chày trên sóc bom bo”, “Bài ca người chiến sỹ áo trắng”…Ký ức tuôn trào như suối làm đôi mắt của bà hoen ướt.

Khi cảm xúc lắng xuống, bà H’Măng nói: diễn viên Đoàn Văn công Dak Lak trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đã thành lập Câu lạc bộ cựu diễn viên. Vài tháng một lần, anh chị em lại ngồi bên nhau như hơn 40 năm về trước đã từng mặc trang phục biểu diễn cùng nhau trên sân khấu, dù pháo vẫn dội, đạn vẫn bắn xối xả…và cùng nhau  dàn dựng chương trình để về lại chiến khu cách mạng xưa để hát, để múa; để được sống trong tình đồng đội, đồng bào…

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.