Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc: Người mê chế tác đàn tính, gìn giữ điệu hát Then

09:09, 29/05/2013

Trong nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, có một người đàn ông ngày đêm âm thầm làm ra những chiếc đàn tính để tiếng đàn, điệu hát Then mãi được ngân xa.

Ông Hiếu và cây đàn tính do ông chế tác.
Ông Hiếu và cây đàn tính do ông chế tác.

Đến thôn 12, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar), hỏi ông Lô Hoàng Hiếu (SN 1938) làm đàn tính không ai là không biết. Đã hơn 50 năm ông gắn bó với nghề làm đàn, người yêu đàn tính ở khắp các huyện tìm về ông để mua những chiếc đàn không chỉ đẹp mắt mà còn phát ra âm thanh mang cái hồn của dân tộc mình.  Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cao Bằng, quê hương của những làn điệu Then ngọt ngào, cơ duyên gắn với nghiệp làm đàn tính bắt đầu khi ông tham gia quân ngũ, chiến đấu vì nền độc lập, hòa bình của đất nước. Ông kể: thời đó, đơn vị có một đội văn nghệ thường xuyên hát, biểu diễn cho các chiến sĩ, tuy nhiên các loại nhạc cụ lúc đó rất thiếu thốn. Để có nhạc cụ biểu diễn, anh em trong đội văn nghệ đã tự tay chế tạo ra đàn, sáo, trống… cây đàn tính cũng nằm trong số ấy. Trong đơn vị ông lúc đó có một người cùng quê biết chơi và chế tác đàn tính rất giỏi. Hằng ngày, sau mỗi lần hành quân chiến đấu, hay biểu diễn văn nghệ, rảnh rỗi ông lại tìm đến nhờ người đồng hương chỉ cho cách làm đàn tính. Vốn thông minh sáng dạ, chỉ một hai lần thử làm ông đã làm ra được chiếc đàn phát ra âm rất hay. Ông mê làm đàn tính từ đó, và dần trở thành “tay đàn tính” cự phách của đội văn nghệ.

Sau giải phóng, năm 1989 ông cùng gia đình tìm vào mảnh đất xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) lập nghiệp. Đây là vùng đất hội tụ rất nhiều dân tộc anh em từ phía Bắc cùng vào chung sống như Tày, Thái, Nùng… Khi ở đây bắt đầu dấy lên phong trào thành lập các hội hát Then, các câu lạc bộ âm nhạc nhằm khôi phục, giữ gìn văn hóa của dân tộc  mình, ông Hiếu cũng hồ hởi tham gia. Câu lạc bộ hát Then của xã Cư M’gar có 12 thành viên, trong đó chỉ có 6 người biết chơi đàn tính và ông Hiếu là người duy nhất trong huyện không chỉ biết chơi mà còn tạo ra thứ nhạc cụ làm say mê lòng người này.

Ông Hiếu tâm sự: để làm ra một chiếc đàn tính đẹp, người thợ phải hết sức tỉ mỉ và bỏ ra nhiều thời gian. Một cây đàn tính được cấu tạo gồm cần đàn, bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn và dây đàn. Trong đó, khâu khó nhất là làm cần đàn và tạo hộp cộng hưởng. Khi chọn gỗ làm cần, phải chọn thứ gỗ nhẹ mềm, thớ quánh, thường là gỗ thừng mức hoặc gỗ dầu, gỗ phải để thật khô và thẳng, nếu không cần đàn sẽ bị cong, dễ nứt nẻ. Khi đẽo phải rất cẩn thận tỉ mỉ nếu không sẽ phải bỏ và làm lại từ đầu. Để tạo hình thủ đàn cong hình lưỡi liềm hoặc hình con chim, ông mất từ 1 đến 2 ngày công để tạo hình, đẽo các họa tiết trên cần đàn. Hộp cộng hưởng của đàn rất đặc biệt, được làm từ quả bầu khô có bán kính từ 18 – 20 cm, bầu được chọn phải là loại bầu thật già, tròn trịa đẹp mắt. Âm thanh đàn hay dở,  tùy thuộc vào số lỗ và khoảng cách số lỗ được đục trên quả bầu một cách chính xác.

Ông Hiếu chia sẻ: đàn tính là thứ đàn dân gian nên mọi công đoạn, mọi bộ phận của đàn đều phải làm bằng tay, rất công phu và kỹ lưỡng, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, khéo léo, cẩn thận trong mọi khâu, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu đẻo, khắc, lên dây đàn… Thường để làm ra một cây đàn hoàn chỉnh, phải mất từ 4 đến 5 ngày có khi cả tuần mới xong, giá bán mỗi cây chỉ khoảng 400 đến 500 nghìn đồng, lời lãi chẳng đáng là bao, có khi còn lỗ cả công nhưng đối với ông làm đàn là niềm vui thú đã ăn vào máu thịt, không thể bỏ được. Khi mỗi cây đàn làm ra đánh lên như ý là ông thấy vui, và ông mong muốn nó có thể đến được tay những người biết chơi đàn tính trong toàn tỉnh, để tiếng đàn, điệu hát Then ngân vang mãi trên mảnh đất Cao nguyên này.

Lê Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.