Multimedia Đọc Báo in

Trung Nghĩa - người nghệ sĩ của đại ngàn Tây Nguyên

16:55, 27/05/2013

Tôi tìm đến nhà họa sĩ Trung Nghĩa vào một ngày đầu tháng ba, khi anh đang cặm cụi trước bức tranh gần hoàn thiện của mình - bức vẽ về một chú cú mèo vùng sơn cước với đôi mắt tinh anh đang nhìn đối diện.

Anh bỏ dở công việc để đãi ngộ tôi bằng cái sự chân tình của một người nghệ sĩ. Chúng tôi chỉ mới biết nhau qua cuộc triển lãm tranh Giấc mơ cao nguyên của anh vào cuối năm ngoái tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Từ buổi triển lãm ngày đó, tôi hoàn toàn ấn tượng trước những bức tranh độc đáo của anh. Vì sao tranh của anh khiến người ta mê hồn đến vậy? Là bởi anh bỏ hàng giờ ra phác thảo cô gái khỏa thân bên bờ biển? là cảnh đẹp hùng vĩ đâu đó trong trí tưởng tượng của chúng ta hay tranh của anh có nét tương đồng với tranh của Van Gogh huyền thoại? Có lẽ không hẳn vậy, mà bởi tranh của Trung Nghĩa được vẽ bằng sự tương tác giữa thế giới đại ngàn với tâm hồn của một nghệ sĩ lương thiện.

Họa sĩ Trung Nghĩa bên tác phẩm của mình.
Họa sĩ Trung Nghĩa bên tác phẩm của mình.

Họa sĩ Trung Nghĩa tên thật là Nguyễn Trung Nghĩa, sinh năm 1981 tại thị trấn  Phước An (huyện Krông Pak). Năm 2004 anh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc chuyên ngành nội thất, khoa Mỹ thuật công nghiệp. Từ nhỏ Trung Nghĩa đã có niềm đam mê hội họa, những bức tranh hồi ấy của anh đa số vẽ về vùng đất Tây Nguyên. Giờ đây, khi đã trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của cuộc sống, anh vẫn gắn bó với vùng đất này qua những bức tranh, nhưng tác phẩm của anh giờ đã chuyển thể qua một dạng khác: nhân văn, kiêu hãnh và có phần “độc” hơn. Đứng trước bộ sưu tập tranh của anh, ta sẽ lặng người khi chứng kiến một bầy sếu đầu đỏ đang quằn quại trong những cái bẫy man rợ do con người tạo ra; là chú voi trưởng thành rên xiết bởi những mũi tên, làn đạn; là trạng thái cô độc của một con khỉ đầu chó trên cành cây xác xơ lá; hay hiện thực và đau lòng hơn là bức tranh về chú tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam với chủ đề “Không nghe, không biết, không thấy”… Nhưng điểm lại dấu tích trong tranh của Trung Nghĩa vẫn còn đó chốn nương thân cho muôn loài trong thế giới thiên nhiên hùng vĩ - đó là sự kiêu hãnh và nhân văn trong tranh của anh. Và cái “độc” chính là nguyên liệu tạo ra những bức tranh ấy, đó là khói, lửa, chất nổ (được làm tạo từ phân dơi và diêm sinh) và đất Tây Nguyên trộn lẫn. Khi hỏi về lý do anh quyết định lấy những nguyên liệu khó tưởng đó để tạo thành phong cách vẽ tranh thì anh chia sẻ: một phần vì cơ duyên, một phần là vì anh muốn dùng những thứ đã hủy hoại môi trường để vẽ lên những bức tranh cảnh tỉnh mọi người về những việc làm đe dọa đến môi sinh và động vật hoang dã.

Những bức tranh của Trung Nghĩa không chỉ mang tính đột phá về chất liệu, thông suốt về ý tưởng mà còn là sự phô diễn mỹ thuật rất tinh tế, độc đáo và tỉ mỉ. Từ lúc phác họa đường nét cho đến khi hoàn thiện bức tranh là một quá trình phức hợp, như: phải tạo màu bằng đất, vẽ bằng khói đèn dầu và chế tác thuốc nổ từ phân dơi. Dụng cụ vẽ tranh của anh có khi là cọ, cũng có khi là vật nhọn hay có lúc anh chỉ dùng bật lửa… Phải nói rằng, tranh của họa sĩ Trung Nghĩa là sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời, và trong mỗi tác phẩm ấy hàm chứa thông điệp thiên nhiên một cách mạnh mẽ.

Nhưng ít ai biết, trước khi dấn thân vào hội họa, Trung Nghĩa được biết đến như một nhạc sĩ trong làng nhạc trẻ Việt Nam với bút danh Ni Nguyễn. Trung Nghĩa tiết lộ: “Những cuộc dạo chơi đã đưa tôi đến với âm nhạc”, và như một sự ngẫu nhiên, anh trở thành một nhạc sĩ khi đang là sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc. Ca khúc đầu tiên anh sáng tác khi vừa bước chân vào giảng đường đại học là Vòng xe kỷ niệm đã được nhóm Mây Trắng thể hiện rất thành công. Nối tiếp là những ca khúc đã khẳng định được tên tuổi của anh như Điều ước do Bằng Kiều – Minh Tuyết song ca. Đặc biệt là hai bài hát Nắng xuân ngời, Sao em còn buồn do Mỹ Tâm biểu diễn rất thành công. Hãy tha thứ cho anh, Thiên đường xa xôi của anh sáng tác cũng đã góp phần tạo nên tên tuổi Cao Thái Sơn…

Trung Nghĩa cho biết, sắp tới anh sẽ quay trở lại với âm nhạc bằng một sắc thái ấn tượng hơn, sẽ có thể không còn là những ca khúc thị trường như trước kia mà là sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống đầy bản sắc dân tộc của núi rừng Tây Nguyên với dòng nhạc nhẹ thịnh hành. Bên cạnh đó, anh sẽ phát triển những kỹ năng hội họa để đạt đến một trình độ cao hơn, khi ấy những đứa con tinh thần của anh sẽ đều trở thành tác phẩm đúng nghĩa…

Lê Hữu Nam


Ý kiến bạn đọc