Đừng lãng quên những lời hát ru
Cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại, con người nhiều khi do thích nghi và bị cuốn hút theo những cái mới, cái lạ mà dần quên đi những cái đã cũ, đã qua không còn hấp dẫn và lôi cuốn. Những bài hát ru ngọt ngào, êm ả đã tồn tại từ ngàn xưa, lưu truyền trong dân gian qua bao thế hệ, hiện nay cũng đang dần bị mai một, lãng quên trong cuộc sống thường ngày.
Những lời hát ru mộc mạc, dễ nhớ, dễ hát không cần phải qua trường lớp, sách vở, chỉ cần nghe các bà, các mẹ, các chị hát ru một vài lần là thuộc ngay. Những lời ru chân tình, mượt mà, dịu dàng, êm ái không chỉ với đứa trẻ trong nôi, mà người lớn nghe cũng cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, bình yên và từ trong sâu thẳm dấy lên tình yêu đối với thiên nhiên, cuộc sống, con người… Lời hát ru hàm chứa những lời yêu thương tha thiết, dịu dàng, là những lời răn dạy bao hàm nhiều ý nghĩa; hát ru thường xuyên sẽ truyền tải cho con trẻ, nhen nhóm lên ngọn lửa yêu thương và hình thành dần nhân cách con người, để mai này khôn lớn chắp cánh bay cao, bay xa nhưng sẽ luôn nhớ về quê hương, cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn…
Ngày xưa, người phụ nữ trước khi xuất giá, ngoài việc “học ăn, học nói, học gói, học mở” còn phải học cả những lời hát ru. Bất kể hát dở hay hát hay, khi người mẹ hát ru con đều thể hiện tình mẫu tử, lòng yêu thương con trẻ vô bờ bến. Mỗi khi ôm con vào lòng cất lên lời ru, người phụ nữ cũng bày tỏ được bao tâm tình, khát vọng đong đầy, hay nỗi niềm thương nhớ mênh mang mà trong cuộc sống không dễ gì bày tỏ. Hiện nay, đa số những người mẹ trẻ, kể cả nông thôn cũng như thành thị, không còn dùng câu hát ru để đưa con vào giấc ngủ. Có người vì e thẹn khi ru, lại sợ con trẻ quen giọng khó rời xa, có người thì bảo không còn hợp thời, có người lại bảo mất thời gian… mà thay vào đó là mua những đĩa nhạc dân ca, hoặc thậm chí những đĩa nhạc với nhịp điệu sôi động để ru con ngủ. Vì hát ru mang tính truyền miệng, nếu mai này thế hệ người già đã khuất núi thì những bài hát ru liệu có còn tồn tại?
Một số bài hát ru hiện đã có trên mạng Internet, hoặc được in thành sách – đây là tín hiệu đáng mừng cho việc bảo tồn kho báu dân gian này. Tuy nhiên, nếu không được thể hiện trong cuộc sống thường ngày, thì những bài hát ru cũng mất dần ý nghĩa vốn có của nó. Bên cạnh đó, thiết nghĩ ngành Văn hóa khi tổ chức các chương trình văn nghệ, nhất là văn nghệ quần chúng ở địa phương, nên đệm vào một vài tiết mục hát ru để duy trì những lời ru và làm sống lại những bài hát ru trong quần chúng nhân dân, để lời ru không bị rơi vào quên lãng…
Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc