“Khuôn mặt” Tây Nguyên trong bút ký của Nguyên Ngọc
(Đọc tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy – NXB, Trẻ, 2013)
Tôi chưa gặp nhà văn Nguyên Ngọc lần nào mà chỉ biết đến ông qua những trang viết, những dịch phẩm, những suy tư, trăn trở về giáo dục và nhiều lĩnh vực khác của đời sống văn hóa. Vậy nhưng thấy như quen lắm, như ông luôn gần đâu đây, qua cách nhìn đời rất riêng và sắc sảo. Trong hình dung của tôi, ông như một con người kết tụ được trong mình vốn văn hóa Đông – Tây, kim - cổ; con người với nụ cười hóm hỉnh, hiền minh, cái nhìn sâu thẳm giữa bạt ngàn Tây Nguyên xanh, lặng trắng sắc hoa cà phê và màu bazan đất đỏ.
Đọc văn Nguyên Ngọc, cứ mường tượng hình ảnh con người bước đi trên những miền đất ảo huyền để góp nhặt cho đời bao nhiêu chuyện lạ, bao nhiêu chất ngọt, từ cái gần gũi hằng ngày mà ta chưa biết đến, cái tưởng chừng biết rồi mà thực ra còn mãi đâu xa. Ông là người đã “vẽ” ra một “khuôn mặt” Tây Nguyên quen mà lạ, bảng lảng mà nhung nhớ, thênh nhẹ mà đậm sâu.
Và có thể nói, thêm một lần nâng niu trên tay tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy, tập hợp những bài viết về Tây Nguyên của ông là thêm một lần mến yêu một giọng văn, một người trí thức, một miền đất đầy nắng gió…
Qua các trang viết nhẹ mà thấm, ông kể với ta về “Những chiều kích của rừng”. Bao nhiêu câu chuyện về một miền đất, “vốn là một bình nguyên lớn”, theo khảo sát của Henri Maitre cứ hiển hiện trước mắt người đọc. Ông cho ta biết, với người Tây Nguyên, “không gian và thời gian thật ra chỉ là một chỉnh thể duy nhất”. Ông nâng niu hồn tượng gỗ rừng già, nhà rông, sử thi Tây Nguyên và lửa nguyên thủy. Ông tái hiện khuôn mặt của những người hát rong giữa rừng, chân dung sống động về Anh hùng Núp – già làng của cả Tây Nguyên và những khuôn mặt bạn bè khác bằng cái nhìn mến thương, trân trọng, như nói đến những người ruột thịt của mình. Ông đắm say trước một Tây Nguyên mùa lễ hội, về lễ thổi tai và rượu cần - chất xúc tác của quên và nhớ. Ông nhận chân nguyên lý “sấm và sét”, “đàn ông và đàn bà” bằng việc đi sâu khảo sát với cái nhìn tinh tế về người Jarai ở Tây Nguyên. Chuyến đi của Nguyên Ngọc, mà cũng chính là cuộc đời ông, nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “80 năm qua, ông đã “đi” rất nhiều trên thực địa, “đi” rất rộng trong văn hóa, “đi” rất sát với cuộc sống, với nhân dân và “đi” rất sâu trong tư duy”.
Những nỗ lực trải nghiệm và suy tư của ông mang đến chất sống ngồn ngộn cho tập bút ký. Nhưng đó là chất sống đã được tinh lọc nên vừa thi vị lại vừa thấm đẫm triết lý. “Khuôn mặt” Tây Nguyên hùng vĩ mà lãng mạn, trữ tình mà lắng sâu cũng hiện lên từ những trang văn “sóng sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt” (Trần Đăng Khoa).
Đúng như ông đã viết trong bài cuối cùng của tập bút ký: “Cuộc đời này, phải chăng lắm lúc đáng quên biết bao nhiêu, quên phứt đi cho rảnh, cho rồi, mà ngẫm cho cùng cũng lại đáng sống để mà nhớ lấy biết bao nhiêu”. Vâng, làm sao quên được cuộc đời này, khi vẫn còn đó những miền đất gọi mời bước chân người; những câu chuyện lạ lùng nói bao nhiêu cũng không hết, kể bao nhiêu vẫn còn đầy.
Vậy là thêm một lần đến với văn Nguyên Ngọc qua tập bút ký như tiếng chiêng gọi thức thời gian – không gian đại ngàn, qua mái nhà rông thấp thoáng, qua bếp lửa hồng và men rượu cần hút ngút say.
Giữa những bộn bề, ưu tư của cuộc sống, lại thấy hồn mình thanh lọc và tĩnh lặng bên những trang văn đẹp và lạ của nhà văn Nguyên Ngọc.
Lê Minh Kha
Ý kiến bạn đọc