Bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng: Hiệu quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 63 của HĐND tỉnh
Trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản nhằm bảo tồn, phát huy nền văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc bản địa như: Chỉ thị số 25/2006/CT-UBND ngày 18-12-2006 về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Dak Lak; Nghị quyết số 10/2007/HĐND ngày 13-7-2007 của HĐND tỉnh về bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Dak Lak giai đoạn 2007 – 2010… và nhiều văn bản khác nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng trong đời sống tinh thần xã hội.
Trong đó, Nghị quyết số 10/2007/NQ-HĐND năm 2007, chỉ mới thực hiện được 50% nhưng đã đem lại những hiệu quả thiết thực về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc bản địa Dak Lak trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm cho mọi thành viên trong cộng đồng và toàn xã hội về việc gìn giữ có hiệu quả Không gian văn hóa cồng chiêng Dak Lak - Tây Nguyên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Biểu diễn văn hóa cồng chiêng trong Lễ hội đường phố - Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV năm 2013. Ảnh: Hoàng Gia |
Ngày 6-7-2012, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Dak Lak giai đoạn 2012 – 2015; ngày 9-11-2012 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2591/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Dak Lak, giai đoạn 2012 – 2015, với kinh phí gần 50 tỷ đồng được huy động từ các nguồn ngân sách tỉnh, huyện và chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Ngoài ra, còn huy động các nguồn xã hội hóa của các tổ chức kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh để bảo đảm thực hiện. Nghị quyết này được phân kỳ triển khai thực hiện trong 4 năm (2012 - 2015), với các nội dung chính như: in tờ rơi, tin, bài, các phóng sự tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về văn hóa cồng chiêng; thống kê, sưu tầm các bài chiêng bằng phương tiện hiện đại (quay phim, ghi âm, chụp ảnh); phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ; mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại các huyện, thị xã, thành phố; mỗi huyện chọn một buôn để bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng; hỗ trợ kinh phí cho 45 đội chiêng có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, kinh phí cho các nhà sinh hoạt cộng đồng tổ chức các hoạt động diễn xướng cồng chiêng trong 2 năm, mỗi năm 1 lần; tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng tại 3 cụm trong 2 năm, mỗi năm 1 lần. Cuối cùng là tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và có kế hoạch bảo tồn trong giai đoạn tiếp theo.
Nghị quyết được triển khai thực hiện với 5 giải pháp chính: Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về vai trò trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng; tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động, giúp cho đồng bào ý thức được việc bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa cồng chiêng nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu cồng chiêng, có các biện pháp để bảo vệ và xử lý đối với các hành vi trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng; ban hành Chỉ thị bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trong thời kỳ mới. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa cồng chiêng trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, trong các hoạt động du lịch, văn hóa; hai năm một lần tổ chức ngày hội văn hóa cồng chiêng Dak Lak; chú trọng đưa hoạt động văn hóa truyền thống, trong đó có cồng chiêng vào sinh hoạt trong nhà sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc bản địa. Phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào dân tộc trong cộng đồng. Động viên, khuyến khích các nghệ nhân, các đội chiêng và gia đình gìn giữ phát huy văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng. Từng bước đưa văn hóa cồng chiêng vào chương trình chính khóa của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật, các trường dân tộc nội trú. Vận động các nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân để thực hiện công tác bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng.
Nghị quyết này được UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành: Sở Kế hoạch đầu tư; Sở Tài chính; Sở Thông tin - Truyền thông; Hội Văn học - Nghệ thuật… UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai có hiệu quả.
Sau khi Nghị quyết số 63/2013/NQ - HĐND được ban hành, trong năm 2012 – 2013, từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả đáng kể: chọn tại mỗi huyện, thị xã, thành phố 1 buôn (gồm 15 buôn) đưa vào danh mục bảo tồn buôn truyền thống và chọn 43 đội chiêng xuất sắc để hỗ trợ kinh phí phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Huyện Cư M’gar đã mở lớp kể khan và truyền dạy hát ay ray tại xã Ea Tul, nhằm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa. Phục dựng các nghi lễ, lễ hội, như: tổ chức lễ cúng bến nước ở buôn Anul, xã Pơng Drang (huyện Krông Buk); buôn Ea Tla, buôn Ea H’ning, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin). Huyện Cư M’gar xây dựng bến nước tại buôn San, xã Ea H’đing. TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức Ngày Văn hóa - thể thao và du lịch các dân tộc (tháng 3-2013). Huyện Krông Pak tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, diễn tấu nhạc cụ dân tộc (tháng 4-2013). Tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống trong nhà sinh hoạt cộng đồng trở thành không gian diễn xướng văn hóa cồng chiêng tại một số huyện như: Ea H’leo, Cư M’gar, Cư Kuin…
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2012, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức triển khai thực hiện kiểm kê văn hóa phi vật thể tại huyện Krông Buk. Sau khi triển khai thực hiện kiểm kê, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chọn được 7 loại hình văn hóa phi vật thể đề nghị lập hồ sơ khoa học để sưu tầm bảo tồn, phát huy (ngữ văn dân gian, tập quán xã hội, nghi lễ, y dược cổ truyền, nghệ thuật trình diễn dân gian, đan lát và dệt thổ cẩm). Bên cạnh đó tổ chức sưu tầm truyện cổ Êđê, triển khai thực hiện công tác điều tra điền dã tại các xã, thị trấn ở 4 huyện (Krông Buk, Cư M’gar, M’Drak, Krông Bông) đã thu được 20 câu chuyện khác nhau: 5 câu chuyện thần thoại (dài 45 – 50 phút/truyện); 13 câu chuyện cổ tích (dài 15 – 35 phút/truyện); 2 câu chuyện cười (dài 15 – 25 phút/truyện); mở lớp tăng cường năng lực cán bộ văn hóa cơ sở truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình cho 50 học viên là cán bộ văn hóa xã của 15 huyện, thị xã, thành phố.
Trong quý III, IV năm 2013 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện: thành lập Ban chỉ đạo điều hành, lập kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện Nghị quyết; tổ chức họp báo, công bố các nội dung bảo tồn, phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012 – 2015 và các văn bản liên quan nhằm tuyên truyền rộng rãi trên thông tin đại chúng; sưu tầm các làn điệu dân ca Êđê trên toàn tỉnh; phục dựng lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc M’nông Gar (buôn Je Jut, xã Dak Phơi, huyện Lak); mở lớp tăng cường năng lực cán bộ văn hóa cơ sở truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, với thành phần là cán bộ văn hóa các xã, phường thị trấn, cán bộ nhà văn hóa thôn, buôn trên toàn tỉnh.
Có thể nhận định rằng, những kết quả đạt được từ thực hiện Nghị quyết 10/2007/NQ-HĐND làm tiền đề và nền tảng để tiếp tục kế thừa và thực hiện Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng Dak Lak giai đoạn 2012 – 2015, bước đầu đã phát huy được tác dụng, góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm đối với các thành viên trong cộng đồng các dân tộc cũng như các cơ quan, đoàn thể trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Dak Lak - Tây Nguyên trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Minh Đức
Ý kiến bạn đọc